Pháp luật

'Bộ sậu' ngân hàng gây thất thoát 304 tỷ tại Cần Thơ đối diện với mức án nào?

Ngày (4/4), VKSND TP Cần Thơ vừa ra cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại một ngân hàng, chi nhánh Cần Thơ.

Các bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (38 tuổi)- nguyên Giám đốc Công ty Nông thuỷ sản Tây Nam, trụ sở tại Hậu Giang), Phạm Tường Thi (38 tuổi)- nguyên Giám đốc Công ty TNHH Tấn Tiến, Nguyễn Văn Đạt- nguyên Phó giám đốc Công ty Tân Tiến; Lê Thanh Hải (54 tuổi), Trần Huy Liệu (46 tuổi)- nguyên Giám đốc và Phó giám đốc cùng Bùi Tuấn Anh- nguyên Trưởng phòng Tín dụng chi nhánh Cần Thơ của ngân hàng này bị truy tố về cùng tội danh trên.

'Bộ sậu' ngân hàng gây thất thoát 304 tỷ tại Cần Thơ đối diện với mức án nào?
Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân tại thời điểm bị Cơ quan ANĐT bắt giữ

Theo cáo trạng, từ năm 2006 - 2013, Nhân thành lập nhiều công ty, doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhiều ngành nghề khác nhau.

Nhân chỉ định các nhân viên của mình đứng tên các công ty, doanh nghiệp, chỉ đạo thống nhất mọi hoạt động nhằm mục đích vay vốn ngân hàng rồi sử dụng tiền vay trái mục đích, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Các công ty gồm: công ty Đồng Bằng Xanh, Tân Tiến, Tây Nam, Nam Bộ Cửu Long, Mặt Trời, Thủy sản Nam Minh, Công nghệ cao GMS. Tất các các công ty nói trên có đăng ký vốn điều lệ nhưng thực tế các thành viên không có vốn góp, không tổ chức bộ máy nhân sự, kế toán riêng biệt, độc lập mà hoạt động chung thành nhóm để luân chuyển tài sản qua lại lẫn nhau.

Các giám đốc, người đại diện pháp luật không có quyền hành thực tế, toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành đặt dưới sự chỉ đạo của Nhân.

Cáo trạng của VKND TP Cần Thơ cáo buộc, vì mục đích đầu tư bất động sản nhưng không có vốn nên Nhân cùng với cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh Cần Thơ là Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu bàn bạc thống nhất lợi dụng quy định của Luật Tổ chức tín dụng 2010, Quyết định 63/2010 của Thủ tướng, Quyết định 1627/2001 của Ngân hàng Nhà nước…thực hiện cấp tín dụng trái pháp luật, cho vay không bảo đảm các quy định về an toàn tín dụng nhằm mua bán bất động sản để chia lợi ích.

'Bộ sậu' ngân hàng gây thất thoát 304 tỷ tại Cần Thơ đối diện với mức án nào? - 1
Bị can Nhân dùng số tiền vay sai mục đích

Từ năm 2012 - 2015, Nhân, Hải, Liệu thống nhất sử dụng các pháp nhân là công ty Tây Nam, công ty Đồng Bằng Xanh, công ty Nam Bộ Cửu Long và cá nhân Phan Duy Phương, Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay và sử dụng vốn vay sai mục đích gây thiệt hại về tài sản cho ngân hàng nói trên số tiền hơn 304 tỉ đồng.

Cáo trạng nêu, các bị can Nhân, Hải, Liệu đã thống nhất ý chí, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật trong việc cấp tín dụng cho công ty Tây Nam dẫn đến mất khả năng thanh toán, kéo theo các khoản cấp tín dụng trái pháp luật cho các công ty, cá nhân khác do Nhân lập ra để che dấu tội phạm và gây hậu quả nghiệm trọng…

'Bộ sậu' ngân hàng gây thất thoát 304 tỷ tại Cần Thơ đối diện với mức án nào? - 2
Bị can Liệu

Bị can Bùi Tấn Anh là cán bộ tín dụng, cấp dưới của Hải và Liệu, trực tiếp phụ trách các khoản vay đã thực hiện chỉ đạo, bỏ qua các quy định, quy trình tín dụng, lập khống hồ sơ vay, ghi nhận khống giá trị tài sản bảo đảm để Hải, Liệu duyệt cho bị Nhân vay và sử dụng tiền trái quy định và gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn cho chi nhánh ngân hàng ở Cần Thơ.

Còn đối với bị can Thi, Đạt biết rõ hành vi phạm pháp của Nhân nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Nhân để lập khống chứng từ, tài liệu; cung cấp hồ sơ vay, tham gia nâng khống giá trị tài sản thế chấp, hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Sau khi Agribank Cần Thơ giải ngân các khoản vay, Thi rút, nộp, chuyển tiền theo hướng dẫn của Nhân, cán bộ tín dụng.

Còn bị can Đạt lập kế hoạch sử dụng tiền vay nhằm làm mất dấu dòng tiền để giúp Nhân sử dụng tiền sai mục đích…

“Hành vi của các bị can đã thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại về tài sản đặc biệt lớn cho chi nhánh Cần Thơ của ngân hàng, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế…”, cáo trạng xác định.

Theo cáo trạng các bị can trên phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 179 Bộ luật hình sự. Các bị can này đối diện với mức phạt tù từ 10 - 20 năm.

Theo Hoài Thanh (VietNamNet)