Pháp luật

Bộ Công an điều tra vụ đầu tư tiền ảo tại Modern Tech

Tiền ảo IFan thu hút người chơi ra sao?

Ngày 21.5, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an chính thức vào cuộc điều tra vụ nhà đầu tư tố đường dây “tiền ảo” lừa 15.000 tỉ đồng, liên quan đến Công ty CP Modern Tech, nhằm làm rõ hành vi của các đối tượng kêu gọi đầu tư iFan.

Bộ Công an điều tra vụ đầu tư tiền ảo tại Modern Tech
Công ty Modern Tech tổ chức nhiều sự kiện lôi kéo nhà đầu tư mua tiền ảo iFan, Pincoin
ẢNH: CTV

Trước đó, sáng 8.4, hàng chục người kéo đến trụ sở Công ty CP Modern Tech (viết tắt Modern Tech, ở lầu 9 một tòa nhà trên đường Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) giăng băng rôn tố cáo Modern Tech và nhóm phát triển iFan, Pincoin lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 15.000 tỉ đồng và “cầu cứu” cơ quan chức năng vào cuộc. Sau đó, một số bị hại đã gửi đơn tố cáo ông Vũ Hữu Lợi (người đồng sáng lập, kiêm Giám đốc phát triển iFan Quốc tế) và nhóm sáng lập Modern Tech đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Ngày 21.5, lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an chỉ đạo phối hợp Công an TP.HCM điều tra hành vi liên quan đến việc kêu gọi nhà đầu tư mua iFan, Pincoin của nhóm thành lập Modern Tech.

Bộ Công an điều tra vụ đầu tư tiền ảo tại Modern Tech - 1
Ông Hồ Xuân Văn từng gặp PV Thanh Niên phân bua chỉ là nạn nhân
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bản chất là kinh doanh đa cấp

Theo thông tin ban đầu của cơ quan công an, Modern Tech đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 31.10.2017 mã số thuế 0314707223. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là thiết kế dân dụng, thiết kế web với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Văn (30 tuổi, HKTT tổ dân cư 7, tổ dân phố 5, TT.A Lưới, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế).

Có 7 người thành lập và điều hành Modern Tech gồm: ông Hồ Xuân Văn góp vốn 13 tỉ đồng, tương đương có 13% cổ phần; Bùi Thị Ngọc Mỹ (ngụ Bình Dương), Hồ Phú Ty (ngụ Tây Ninh), Lương Huỳnh Quốc Huy (ngụ Long An), Lưu Trọng Tuấn (ngụ Q.8, TP.HCM), Nguyễn Đức Trọng (ngụ Đồng Nai), Nguyễn Trung Hiếu (ngụ Lâm Đồng) góp 12 tỉ đồng/người, Vũ Hữu Lợi (ngụ Tuyên Quang) góp 15 tỉ đồng. Những người này đều kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp.

Cơ quan công an xác minh tiền số iFan gắn mác là dự án đến từ Công ty Ifan PTE.LTD có trụ sở ở Singapore, phát hành dưới dạng mã hóa token, lấy tên là iFan thông qua trang web https://ifan.io/. Công ty Ifan PTE.LTD ủy quyền cho Modern Tech làm đại diện cho iFan,

Pincoin tại VN. Sau đó, Modern Tech đã đứng ra tổ chức hàng loạt các sự kiện tại TP.HCM và Hà Nội nhằm huy động vốn từ các nhà đầu tư. Cụ thể, ngày 15.11.2017 và 5.12.2017, tại TP.HCM và Hà Nội, Hồ Xuân Văn, Diệp Khắc Cường, Lê Ngọc Tuấn và một số người đứng ra tổ chức sự kiện và phát hành iFan với giá khởi điểm 1,6 USD/iFan. Nhóm này hứa hẹn sẽ trả nhà đầu tư mức lãi suất ít nhất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng. Để phát triển hệ thống, nhóm iFan sử dụng hình thức ủy thác đầu tư với mức lãi 48%/tháng và tùy theo từng gói đầu tư từ 100 - 100.000 USD mà có mức lãi từ 0,1 - 0,35%/ngày. Ngoài ra, nhóm này còn thực hiện chi trả hoa hồng môi giới với 8 cấp khác nhau, tương ứng mức 0,1 - 8% trên số tiền nhà đầu tư mới tham gia. Sau khi thu được một số tiền lớn, nhóm thành lập iFan tuyên bố hủy bỏ hình thức trả thưởng như đã hứa hẹn với các nhà đầu tư, thay vào đó sẽ trả lại nhà đầu tư bằng các đồng iFan với giá tự quy định là 5 USD/iFan, trong khi giá trị thực trên thị trường tự do chỉ 0,01 USD/iFan.

Để tạo lòng tin với các nhà đầu tư, những người đại diện Modern Tech tuyên bố đang đàm phán với các ca sĩ nổi tiếng tại VN ký hợp đồng độc quyền, nhà đầu tư có thể sử dụng iFan mua sản phẩm âm nhạc, mua vé máy bay...

Cơ quan CSĐT nhận định, hành vi nêu trên của Modern Tech là hình thức kinh doanh đa cấp sử dụng tiền số iFan, vì vậy phải sớm điều tra việc hưởng lợi của các cá nhân nói trên, thiệt hại của các nhà đầu tư... Cơ quan điều tra cũng kêu gọi các nạn nhân trong đường dây này cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc đầu tư tiền ảo iFan.

Theo Ngọc Lê (Thanh Niên Online)