Pháp luật >> Ông Đinh La Thăng và hàng loạt 'sếp lớn' PVN bị khởi tố

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khóc, nhận 'có lỗi với anh Thăng'

Video: Trịnh Xuân Thanh: 'Bị cáo không muốn đổ lỗi cho cấp dưới'

"Dù còn trẻ nhưng bị cáo cũng giống như anh Thăng sẽ làm con ma tù", cựu tổng giám đốc PVC Trịnh Xuân Thanh khóc chiều nay tại TAND Hà Nội.

Là người trình bày cuối cùng trong ngày làm việc thứ sáu của phiên xử, sau ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh vừa đứng lên đã nghẹn ngào khóc nói về vợ con và nhận bản thân "có lỗi với anh Thăng, với các anh lãnh đạo".

Ông Thanh nói từ hôm bị bắt chưa bao giờ rơi nước mắt, trừ những lúc nghĩ về hai con gái và vợ. Nhưng hôm nay, nghe ông Đinh La Thăng nói ông rất xúc động.
  
Ông Thanh cho rằng bản chất vụ án này là hợp đồng 33 khiến mình và nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý. "Bị cáo nghĩ rằng anh Thăng cũng như các anh lãnh đạo PVN cũng sơ suất như mình khi không đọc hợp đồng 33", ông Thanh nói và cho rằng không có chuyện nhiều sếp PVN biết hợp đồng 33 sai mà vẫn ký và chi hàng nghìn tỷ đồng tạm ứng cho PVC.

Ông Thanh nhận đã không đầy đủ kinh nghiệm khi ra nghị quyết cho ký hợp đồng 33, nhận trách nhiệm vì không đọc mà dẫn đến hợp đồng có sai sót. Tuy nhiên, ông không nhận có chỉ đạo riêng mà do Ban tổng giám đốc cùng quyết định.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khóc, nhận 'có lỗi với anh Thăng'
Nguồn ảnh internet

Bào chữa về việc bị quy kết phạm tội Cố ý làm trái quy định về quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự, ông Thanh nói từ tập đoàn lớn như PVC tới công ty con PVC khi làm việc bao giờ cũng dựa trên pháp luật, điều lệ, quy chế của công ty.

Dẫn quy định, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT, ông Thanh nhắc lại mình nhận trách nhiệm vì để ký hợp đồng 33 sai quy định nhưng việc chuyển tiền để sử dụng sai mục đích hơn 1.000 tỷ đồng "là trách nhiệm hoàn toàn của ban tổng giám đốc".

Cựu chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh cho rằng cả kết luận điều tra, VKS đều quy kết ông chỉ đạo việc chi tiền song trên thực tế ông "không có văn bản hay kết luận giao ban nào thể hiện điều đó".

Không muốn đổ tội cho cấp dưới

Ông Thanh cho rằng cũng như ông Thăng, mình không muốn đổ tội cho cấp dưới. "Nếu nhận trách nhiệm thay, bị cáo xin nhận, nếu luật cho phép. Nhưng luật pháp vẫn là luật pháp", ông nói và trong phần đối đáp sắp tới, VKS chỉ ra xem "bị cáo chỉ đạo bằng cách nào".

Theo ông Thanh sau khi biết tiền tạm ứng của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 bị sử dụng sai mục đích đã có văn bản yêu cầu nhanh chóng thu hồi song giờ tìm không thấy nên không dám khai.

Ông Thanh nói với PVC giai đoạn năm 2010 "đi đâu cũng được ngân hàng mời vay tiền" chứ không phải mất cân đối nghiêm trọng về tài chính như kết luận của các cơ quan tố tụng.

Về cách tính thiệt hại tại bản giám định tài chính, ông Thanh nói không bình luận sai hay đúng, nhưng cho rằng cần đặt cả hai giả thiết là lợi nhuận và thua thiệt.

Về tội Tham ô tài sản, ông Thanh đồng ý với quan điểm luật sư bào chữa, cho rằng mình có chứng cứ ngoại phạm. "Một lần nữa bị cáo khẳng định bị cáo không tham ô, không chỉ đạo tham ô. Bị cáo không làm sai, xin HĐXX xem xét kỹ tội danh này", ông Thanh nói và nghẹn giọng trong tiếng khóc rằng với mức án của tội tham ô thì dù còn trẻ nhưng "cũng giống như anh Thăng, sẽ không bao giờ được làm con ma tự do, mã mãi là con ma trong tù".

Luật sư nghi ngờ có việc định tội theo chức vụ với các sếp PVN

Trước đó, cũng vào chiều nay, trong phần bào chữa cho cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh, luật sư Nguyễn Văn Chiến cho hay VKS buộc tội thân chủ ông chỉ ngắn gọn trong hơn 10 dòng. Nhiều tài liệu, chứng cứ đã được thẩm vấn, ông chờ đợi được VKS đưa ra đầy đủ song không thấy. Không có lời buộc tội nào dựa trên cơ sở khoa học pháp lý.

"Với một nền pháp chế văn minh thì phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, chứng cứ nào để chứng minh ông Nguyễn Quốc Khánh có hành vi cố ý làm trái...?", ông Chiến nói và mong HĐXX xem xét khách quan, đầy đủ những hồ sơ đã được các luật sư dày công tìm ra và xuất trình.

Luật sư Chiến nói hành vi của ông Khánh không còn nguy hiểm

Ông Chiến cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ liên quan đến việc thiếu trách nhiệm vì thế truy cứu trách nhiệm về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) là không phù hợp. Hơn nữa, điều luật này hiện không còn trong Bộ luật hiện hành. "Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, phải xem có điều luật nào có hành vi tương ứng với tội cố ý làm trái và tôi thấy chưa đúng với tội nào trong Bộ luật Hình sự 2015".

Luật sư Chiến nói rằng ông Khánh không tư lợi, không tham ô trong dự án này nhưng đã nhận trách nhiệm trong quản lý, thể hiện sự ăn năn, hối hận; hơn thế còn chủ động khắc phục hai tỷ đồng. Việc VKS nói ông Khánh "quanh co chối tội, chỉ nhận một phần trách nhiệm" là không đúng, bởi Luật Tố tụng Hình sự không có từ nào nêu về việc "quanh co chối tội".

"Các bị cáo được quyền khai hoặc không khai, vậy sao bảo họ phải nhận tội, tội là tội gì?", ông Chiến nêu quan điểm bào chữa và cho hay ở giai đoạn điều tra, ông Khánh vẫn đang là Đại biểu quốc hội, mỗi lần triệu tập đều có mặt đầy đủ, do vậy "không thể nói là không hợp tác điều tra".

"Để thân chủ tôi đứng ở vai trò thứ ba trong vụ án, sau chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, phải chăng đây là vụ án xét xử theo chức vụ?" ông Chiến khép lại phần bào chữa và đề nghị cho cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh được tại ngoại.

Nhiều luật sư sau đó đã trình bày quan điểm bào chữa. Phiên toà tạm nghỉ vào lúc sẩm tối, ngày mai (chủ nhật) vẫn tiếp tục làm việc.

Theo Bảo Hà (VnExpress.net)