Pháp luật

Bệnh án tâm thần - 'bùa hộ mệnh' và những đường dây 'ma'

Thời gian gần đây, qua công tác theo dõi, nắm tình hình tại nhiều đơn vị, địa phương, Báo CAND nhận thấy một hiện tượng bất thường, xảy ra với tần suất ngày càng lớn và có dấu hiệu thủ đoạn mới của tội phạm. Đó là việc các bị can sau khi bị khởi tố, bắt giữ đã xuất trình bệnh án tâm thần (BATT) nhằm gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng các cấp.

Trong khi việc xác định bị can, bị cáo có mắc bệnh tâm thần hay không lại không có "máy móc" ngành y nào có thể xác định chính xác, nên rất dễ bị các đối tượng lợi dụng. 

Điều này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy như oan sai, bỏ lọt tội phạm; xét xử không đúng người, đúng tội; không thu hồi được tài sản trong các vụ án hình sự, kinh tế; gây tốn thời gian, nhân lực của các cơ quan tố tụng; gây lãng phí, tốn kém tiền của của Nhà nước; không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật... Loạt bài viết 5 kỳ của phóng viên Báo CAND sẽ phản ánh các vấn đề xoay quanh hiện tượng này.

Kỳ 1:  Khi bệnh án tâm thần là "bùa hộ mệnh"

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Bám vào quy định này, nhiều đối tượng đã làm đủ mọi cách để có được BATT, nhằm thoát tội và đối phó với cơ quan tố tụng.

Trước khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi làm một nghiên cứu xã hội học nhỏ, với thang đo, chỉ số rõ ràng, và các đối tượng khảo sát được chia lựa chọn ngẫu nhiên tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, vùng đồng bằng và miền núi, vùng thành thị và nông thôn, với nhiều thành phần xã hội khác nhau.

Bệnh án tâm thần - 'bùa hộ mệnh' và những đường dây 'ma'
Đức "Cổ Lễ" tuy có bệnh án tâm thần nhưng luôn dắt theo 2 khẩu súng bên mình

Trong câu hỏi "Có biết thủ đoạn dùng BATT để đối phó với cơ quan Công an hay không?", chúng tôi thật bất ngờ khi 60% người sinh sống tại thành thị có câu trả lời "đã từng biết thủ đoạn này". Họ là những người bán nước vỉa hè, xe ôm, là luật sư đến những người làm công tác trong cơ quan Nhà nước... Như vậy, bước đầu chúng tôi có thể đưa đến nhận định, việc dùng BATT để đối phó với cơ quan tố tụng, đã len lỏi vào từng góc cạnh của cuộc sống thành thị.

Về vấn đề này, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết, trong 3 năm trở lại đây, Công an TP Hà Nội đã thụ lý điều tra 308 vụ án, 311 bị can phát sinh bệnh tâm thần trong giai đoạn điều tra, truy tố. Kết quả, chỉ có 232 vụ án, 234 bị can có bệnh tâm thần; 37 vụ, 37 bị can không bị bệnh tâm thần; số còn lại đang chờ kết luận trưng cầu giám định. Hiện, Công an TP Hà Nội cũng đang điều tra, làm rõ 78 trường hợp có BATT do phía bệnh viện cung cấp, nhưng có dấu hiệu làm giả. Đặc biệt, trong số đó có tới 41 bộ hồ sơ BATT là của đối tượng hình sự cộm cán.

Tại TP Nam Định, một thành phố nhỏ với hơn 230 nghìn dân, nhưng Công an thành phố cũng cho biết, số lượng các đối tượng xã hội thuộc diện Công an quản lý bị bệnh tâm thần hoặc có tiền sử bệnh tâm thần tăng nhanh một cách chóng mặt. Hiện tại, số đối tượng cộm cán có BATT là 395 đối tượng, đang có biểu hiện tâm thần là 85 đối tượng.

Những con số biết nói trên đây đã thể hiện việc các đối tượng xã hội đang tìm đến BATT để làm "bùa hộ mệnh" cho mình là một vấn đề dần hiện hữu và rất đáng quan tâm cho các cơ quan tố tụng.

Có đi sâu nghiên cứu về các vấn đề xoay quanh BATT mới thấu hiểu được những nỗi vất vả của các cán bộ Công an phụ trách công tác điều tra và các cơ quan tố tụng. Khi vụ án xảy ra, bằng sự tinh thông nghiệp vụ và các bằng chứng rõ ràng, họ đã xác định được đối tượng gây án, nhưng cuối cùng vẫn thấy các đối tượng thoát tội một cách "ngoạn mục". Trao đổi với chúng tôi về đề tài này, nhiều cán bộ tư pháp, điều tra viên của Hà Nội không thể quên được đối tượng Nguyễn Văn Đức (35 tuổi, biệt danh Đức “Cổ Lễ”, quê quán huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), đối tượng đã có sẵn BATT trước khi gây án.

Tinh quái và hung hãn, hồ sơ tội lỗi của Đức rải khắp nhiều tỉnh, thành phố, cả trong Nam, ngoài Bắc, nhưng cứ mỗi khi "va" với lực lượng Công an, bệnh tâm thần của Đức lại đột nhiên tái phát. BATT được Đức "Cổ Lễ" sử dụng đầu tiên vào năm 2006, khi Đức bị Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng do có BATT nên Đức được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, đình chỉ điều tra. Sau đó, Đức lang bạt lên Hà Nội hành nghề cho vay nặng lãi và tiếp tục gây trọng án vào tháng 8-2007.

Trong vụ đòi nợ anh Nguyễn Trọng Tuấn tại ngã ba Giảng Võ - Núi Trúc (phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội), Đức đã cùng 2 đối tượng khác chém anh Tuấn trọng thương, khi thấy anh Tuấn bỏ chạy, Đức dùng xe máy đâm gục anh này tại chỗ. Sau vụ án này, Đức "Cổ Lễ" bỏ mặc vợ và 3 con ở lại Hà Nội rồi trốn truy nã vào TP Hồ Chí Minh.

Với bản tính giang hồ, năm 2009, Đức tiếp tục trở ra Hà Nội để gây án và bị bắt giữ, xét xử 6 năm tù giam. Đến năm 2011, Đức ra tù và quay lại TP Hồ Chí Minh cầm đầu nhóm giang hồ với hàng chục đối tượng người Bắc. Ngày 5-6-2014, Đức tiếp tục gây ra một vụ dằn mặt chấn động giới giang hồ TP Hồ Chí Minh khi dùng súng và đao kiếm để giải quyết mâu thuẫn. Sau khi gây án, Đức lại trốn truy nã ra miền Bắc.

Ngày 30-9-2014, Đức "Cổ Lễ" bị Công an TP Hà Nội bắt theo lệnh truy nã của Công an TP Hồ Chí Minh. Khi bị bắt, trong chiếc túi xách màu nâu mà Đức mang theo, có 2 khẩu súng ngắn và hàng chục viên đạn...

Tại Hà Nội, Đức “Cổ Lễ” ban đầu khai nhận khá thành khẩn, nhưng sau đó, bệnh tâm thần của y đột nhiên tái phát. Đức luôn mồm kêu đau đầu, nói nhảm với "người âm", thủ thỉ về ý định mang theo 2 khẩu súng quân dụng để về chôn vào mộ cho ông chú (mới mất) thì bị bắt. Và chính vì những biểu hiện như vậy, lại đã từng có tiền sử bệnh tâm thần, Công an TP Hồ Chí Minh đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần với Đức, sau đó đưa đi bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai).

Quá trình sinh hoạt, điều trị tại bệnh viện tâm thần, Đức "Cổ Lễ" đã xảy ra xích mích với nhiều người đang chữa trị tại viện, và cuối cùng bị một đối tượng cộm cán mang tội danh giết người khác cũng đang điều trị tâm thần tại đây đâm chết vào đêm 14-4-2017.

Sáng 20-7-2010, tại Hải Phòng, TAND Tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm hình sự xét xử vụ án sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép ma túy do Dư Kim Dũng cầm đầu. Dư Kim Dũng (tức Dũng “tình”), 41 tuổi, trú tại phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng. Trước đó tại phiên sơ thẩm, chiều 3-2-2010, TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt Dư Kim Dũng về ba tội danh: tử hình về tội mua bán trái phép 88 bánh heroin và hơn 19.000 viên ma túy tổng hợp; 12 năm tù về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; 3 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Cùng với bản án 30 tháng tù giam trước đó chưa thi hành, Dư Kim Dũng phải chịu tổng hợp hình phạt là tử hình.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Dư Kim Dũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, Dư Kim Dũng cho rằng bản án tử hình về hành vi mua bán trái phép ma túy là quá nặng. Lý do Dũng đưa ra là: bị cáo đã ăn năn hối cải và khai báo thành khẩn, tự khai ra các đồng bọn khác có liên quan giúp cơ quan điều tra nhanh chóng phá án.

Chưa hết, Dư Kim Dũng khai, từ năm 2004 đến năm 2008, Dũng bị mắc bệnh tâm thần, đã 2 lần phải nằm điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Tháng 8-2008, Bệnh viện Tâm thần Trung ương đã có giám định pháp y kết luận Dư Kim Dũng mắc bệnh tâm thần thể nhẹ, ở mức độ loạn thần…

Căn cứ vào những tình tiết của vụ án, đặc biệt là tình tiết mới như Dũng “tình” có tiền sử tâm thần và lời khai thành khẩn của bị cáo, Hội đồng xét xử TAND Tối cao quyết định hủy bản án sơ thẩm và tuyên phạt Dư Kim Dũng mức án chung thân.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc, các đối tượng đã "thủ sẵn" BATT trước khi thực hiện hành vi phạm tội và đã thoát được mức án cao nhất. Còn thời gian gần đây, thủ đoạn có sẵn BATT của 2 ông trùm giang hồ đang được khá nhiều các đối tượng xã hội làm theo, và đã có khá nhiều vụ án hình sự, kinh tế, ma túy... tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các đối tượng đã được hưởng mức án nhẹ hơn so với hành vi phạm tội của mình, gây nhức nhối cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người dân cả nước... Trong kỳ 2 của loạt bài viết này, chúng tôi sẽ phản ánh về thủ đoạn các bị can, bị cáo dùng BATT để đối phó với cơ quan tố tụng như nào?

Theo Minh Khoa - Trần Xuân (CAND Online)