Pháp luật

Bệnh án tâm thần - 'bùa hộ mệnh' và những đường dây 'ma' (kỳ 2)

Tìm hiểu sâu vào thực tế, qua tài liệu mà cơ quan tố tụng cung cấp, chúng tôi tìm ra rất nhiều bằng chứng cho thấy, sau khi phạm tội đến giai đoạn khởi tố, truy tố, xét xử, các đối tượng đã "dùng" bệnh tâm thần hoặc tìm đến sổ khám, bệnh án tâm thần (BATT) như một phương thức để đối phó với cơ quan chức năng, với mong muốn thoát tội danh.

Kỳ 2: Dùng bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan tố tụng

Một buổi tối giữa tháng 9-2016, chiếc xe Mazda CX5 màu trắng chở theo 3 người đang dần tiến về con đường hẻm phía Nam của TP Nam Định thì gặp 2 thanh niên mặc áo mũ trùm kín đầu, đeo khăn bịt mặt, đi xe máy ngược chiều không biển kiểm soát. 

Khi thấy chiếc xe ôtô, 2 thanh niên lập tức điều khiển xe máy quay đầu một cách vội vã, rồi tăng tốc như thể muốn vượt xe ôtô để làm một điều gì đó. 

Cũng là dân anh chị của đất Thành Nam, người thanh niên điều khiển xe ôtô nhận thấy điều bất thường nên cũng đã tăng tốc không cho chiếc xe máy có ý định vượt lên phía trước. Đi được khoảng 1km, đến đoạn đường thanh vắng, nam thanh niên ngồi sau xe máy bất ngờ rút trong người ra một khẩu súng ngắn, bắn  thẳng vào phía sau ôtô.

Nhận được tin báo, lực lượng Công an tỉnh Nam Định đã lập tức vào cuộc truy bắt 2 "sát thủ" giấu mặt. Khám nghiệm tại hiện trường, Công an thu giữ ít nhất 5 vỏ đạn K54, cùng nhiều vết phanh xe trên mặt đường. Kính chiếu hậu, kính chắn gió bên ghế phụ của chiếc xe ôtô bị rạn vỡ, thủng lỗ chỗ. Rất may, những đầu đạn ấy đã không làm ai bị thương.

Bằng chứng cứ và lời khai của các bị hại, hai sát thủ nhanh chóng được xác định là Trần Thành Nam (tức Nam "kim", 29 tuổi) và Phạm Ngọc Trường (tức Trường "con", 27 tuổi, cùng trú tại TP Nam Định). Sau khi gây án ít giờ, 2 đối tượng đã bị bắt giữ. Tại cơ quan Công an, Nam "kim" và Trường "con" khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi "giết người hộ" của mình, nhưng với lời khai nhân chứng, tang vật thu giữ và hình ảnh camera an ninh, Công an Nam Định đã chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 2 đối tượng về hành vi giết người, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Bệnh án tâm thần - 'bùa hộ mệnh' và những đường dây 'ma' (kỳ 2)
Rất khó để phân biệt bị can, bị cáo có bệnh tâm thần hay không khi nhìn bằng mắt thường.  (Ảnh chụp chiều 31-7 tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương).

Sau thời điểm gây án 1 năm, khi vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử thì bà Nguyễn Thị Bưởi, mẹ ruột của Trường "con" bất ngờ giao nộp cho phía Tòa án 2 đơn thuốc điều trị bệnh tâm thần rối loạn cảm xúc lưỡng cực không xác định (F31.9) mang tên Phạm Ngọc Trường và có đề nghị giám định tâm thần cho bị cáo. 

Từ đó, TAND, Viện KSND TP Nam Định đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, buộc cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định phải xem xét trưng cầu giám định tâm thần cho Trường "con". Bà Bưởi khai với cơ quan Công an: "Trường bị bệnh tâm thần từ bé nhưng gia đình không có điều kiện, nên không cho Trường đi chữa bệnh ở đâu. 

Năm 2015, sau khi Trường đi tù về, đã cho Trường vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Năm 2016, bố Trường mất, nên gia đình sơ suất đã đốt bệnh án tâm thần của Trường. Đến năm 2017, sau khi dọn nhà mới tìm được 2 đơn thuốc do Viện tâm thần TP Hồ Chí Minh cấp, có phô tô công chứng, nên đã giao nộp...". 

Thế nhưng, Kết luận điều tra bổ sung lại cho thấy, Trường "con" từ khi sinh ra đến khi lớn lên đều khỏe mạnh, phát triển bình thường, không có bệnh lý tâm thần. Kết quả thi tốt nghiệp cấp tiểu học của Trường các môn đều đạt trên 7 điểm. Đến lớp 6 thì Trường bỏ học, sức khỏe tốt và lao động bình thường, không hề có biểu hiện tâm thần. 

Từ năm 2007 đến khi bị bắt, Trường có 3 tiền án về tội "Cướp giật tài sản", "Cướp tài sản', "Đánh bạc" và đã chấp hành xong án phạt tù. Xác minh theo số bảo hiểm y tế ghi trên đơn thuốc tâm thần, cơ quan Công an xác định Phạm Ngọc Trường chưa hề điều trị tâm thần một ngày nào...

Một ví dụ điển hình nữa trong việc các bị can, bị cáo sau khi phạm tội đã "cố tình" tìm đến các bệnh viện tâm thần, nhằm "xin" bệnh án để đối phó với cơ quan chức năng, đó là vụ việc của bị cáo Lã Huy Thanh trong vụ án cướp tài sản xảy ra vào ngày 2-1-2017 tại Hà Nội. 

Theo đó, bị cáo Lã Huy Thanh cùng các đồng phạm đã dùng vũ lực, đe dọa nhằm buộc 2 người khác phải trả tiền đã đầu tư vào dạng tiền ảo Bitcoin. Họ ép buộc 2 người này phải ngay tức khắc trả tiền mặt hiện có trong người, chuyển khoản và viết giấy vay nợ, với tổng số tiền chiếm đoạt vào khoảng 600 triệu đồng và 180 triệu tiền Bitcoin quy đổi. 

Sau khi gây án, các đối tượng đã bị bắt. Bằng chứng đã rõ, Thanh cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội tại cơ quan Công an. Thế nhưng, bị cáo Thanh nhân việc được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú nên đã đến Viện sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai để khám chữa bệnh và đã lập tức được Viện này cấp BATT một cách dễ dàng với chẩn đoán bệnh rối loạn loại phân liệt (F21). 

Trong sổ khám bệnh mà luật sư bào chữa cho Thanh đã giao nộp, bác sỹ Trần Nguyễn Ngọc của Viện sức khỏe Tâm thần Bạch Mai có ghi: "Bệnh nhân Thanh có quá trình phát triển tâm thần vận động bình thường. Cuộc sống gia đình hòa thuận, không mâu thuẫn, xích mích với ai. Không nghiện chất, không chấn thương sọ não, không mắc các bệnh nội ngoại khoa mãn tính. 

Cách đây 2 năm (tức là trước khi gây án – PV), bệnh nhân tự nhiên xuất hiện ngủ kém, người mệt mỏi, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng nói trong đầu, nội dung bình phẩm, thỉnh thoảng cáu gắt, kích động, đập phá đồ đạc. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, nên gia đình và bệnh nhân không đi khám. Đợt này, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn. Gia đình thấy vậy cho bệnh nhân đến khám tại Viện sức khỏe tâm thần". 

Với kết luận và sổ khám bệnh nêu trên, Thanh đã không hợp tác với Tòa án và đến nay vụ án vẫn chưa được khép lại. Điều đáng nói, Thanh đã "lấy" được bệnh án tâm thần trước khi Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp ra cáo trạng truy tố 2 ngày. Thời gian tới, TAND TP Hà Nội nhiều khả năng sẽ phải trả hồ sơ, trưng cầu giám định tâm thần đối với Thanh. Như vậy, vụ án đơn thuần nhưng lại tiếp tục bị kéo dài.

Trao đổi thêm về vấn đề này, bác sỹ Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho biết, thủ đoạn này của các đối tượng mang án kinh tế, tham nhũng đã xuất hiện cách đây khoảng 5 năm. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2013, Viện Pháp y tâm thần Trung ương đã tiếp nhận giám định cho 26 đối tượng phạm tội tham nhũng thì phát hiện có 4 ca không có bệnh tâm thần. 

Qua công tác giám định 22 ca còn lại đều không phát bệnh vào thời điểm phạm tội; nhưng sau thời điểm phạm tội thì có tới 10 ca bị phát bệnh tâm thần; 8 ca khác phát bệnh tại thời điểm sau khi bị khởi tố, truy tố, giám định.

Từ năm 2015 đến nay, Viện Pháp y tâm thần Trung ương đã giám định pháp y tâm thần cho 11 bị can trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Điều đáng nói, kết luận giám định cho thấy có tới 9 đối tượng trước, trong và sau khi phạm tội là không có bệnh. Hai trường hợp còn lại chỉ bị hạn chế năng lực tâm thần nên sẽ được giảm nhẹ hình phạt. Điều này một lần nữa khẳng định, mặc dù không có bệnh, nhưng các đối tượng đã chuẩn bị sẵn phương án "tâm thần" để khi bị bắt sẽ được đi trưng cầu giám định, như một "tấm phao cứu sinh" cuối cùng.

Không chỉ các bị can, bị cáo sử dụng bệnh án tâm thần là bùa hộ mệnh, mà cá biệt còn có dấu hiệu bị hại trong vụ án hình sự đã sử dụng BATT để tăng nặng tỷ lệ thương tật, khiến bị can phải lĩnh án tù vì một cái túm giật tóc. 

Vụ án này xảy ra vào năm 2013 tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, đến nay vẫn gây bức xúc cho luật sư bào chữa và bị can. Luật sư nghi ngờ kết quả giám định thương tật của bị hại trong vụ án này thiếu chuẩn xác, không thể vì một cái nắm giật tóc của một người phụ nữ mà dẫn tới 20% thương tật cho cơ thể.

Trong khi Cơ quan Công an trưng cầu giám định, giám định lại ở nhiều tuyến khác nhau, vụ án đã kéo dài 4 năm, Viện Kiểm sát, Tòa án sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, nhưng kết luận giám định cũng đều không chỉ ra được cái nắm giật tóc ấy có phải là nguyên nhân gây nên thương tích "chấn động não" mà bệnh viện cấp cứu đầu tiên đã kết luận hay không? 

Rồi từ việc chấn động não dẫn đến bị hại bị "rối loạn lo âu thực tổn – tổn hại 20% sức khỏe"? Các bản kết luận giám định đều chỉ cho rằng "có thể" chứ không có khẳng định rõ ràng. Kết quả, bị cáo trong vụ án đã phải nhận bản án tù giam vì một cái túm tóc.

Tại kỳ 3 của loạt bài viết này, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc thực trạng việc mua BATT là đang xảy ra tại nhiều nơi. Qua đó khẳng định công tác quản lý khám chữa bệnh tâm thần, quản lý BATT đang bị buông lỏng.

Theo Minh Khoa - Trần Xuân (CAND Online)