Pháp luật

Bắt thêm đồng phạm vụ lừa 40.000 người trong chương trình Trái tim VN

Bùi Thị Oanh bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam vì liên quan đến vụ lừa 40.000 người thông qua chương trình Trái tim Việt Nam.

Bùi Thị Oanh bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam vì liên quan đến vụ lừa 40.000 người thông qua chương trình Trái tim Việt Nam.

Bat them dong pham vu lua 40.000 nguoi trong chuong trinh Trai tim VN hinh anh 1

Bị can Bùi Thị Oanh. Ảnh: Bộ Công an.

Kết quả điều tra xác định, Oanh cấu kết với Trần Đức Trung (nguyên Chủ tịch HĐTV Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam) và Lê Thị Hằng (nguyên Tổng giám đốc trung tâm trên) lừa gạt chiếm đoạt tiền của người tham gia chương trình Trái tim Việt Nam.

Cơ quan điều tra đề nghị các cá nhân đã nộp tiền tham gia chương trìnhTrái tim Việt Nam thông qua Bùi Thị Oanh và người liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra và thu hồi tài sản.

Trước đó, vào trung tuần tháng 4, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam hai lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới là Chủ tịch HĐTV Trần Đức Trung và Tổng giám đốc Lê Thị Hằng.

Theo cáo buộc, các bị can này lợi dụng danh nghĩa trung tâm hỗ trợ người nghèo để tổ chức chương trình Trái tim Việt Nam. Khoảng 40.000 người ở hơn 20 tỉnh thành ủng hộ lượng tiền lớn cho chương trình này nhưng bị Trần Đức Chung và đồng phạm chiếm đoạt.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 5 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo B.Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)