Pháp luật

Bất ngờ hoãn xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Tòa án ND TP.HCM cho biết phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như sẽ không diễn ra vào ngày 2-1 như dự kiến. Thời gian mở phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Bất ngờ hoãn xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó, TAND TP.HCM dự kiến đưa vụ án này ra xét xử vào ngày 2-1 và kéo dài đến ngày 5-1-2018. Phiên tòa do phó chánh tòa hình sự Huỳnh Anh Kiệt làm chủ tọa, đại diện Viện KSND TP.HCM  thừa ủy quyền của Viện KSND tối cao tham gia phiên tòa là bà Nguyễn Ngọc Lê và bà Hà Thị Bích Thu.

5 công ty được tòa xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án gồm: Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty CP đầu tư Hưng Yên, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP đầu tư và thương mại An Lộc.

Vụ án có 18 cá nhân, tổ chức được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

Có 12 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan. Trong đó, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như là luật sư Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn luật sư TP.HCM) và luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn luật sư TP.HCM). Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn.

Tuy nhiên, ngày trước ngày mở phiên xử, TAND TP.HCM đã bất ngờ thông báo hoãn xử. Ngày xử mới chưa được ấn định, tòa sẽ thông báo sau.

Theo cáo trạng, Huỳnh Thị Huyền Như, 39 tuổi, nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM (Vietinbank) và Võ Anh Tuấn, 45 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM, bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do kinh doanh thua lỗ, phải trả lại suất cao, từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là kiểm soát viên, quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP.HCM, đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, Vietinbank chi nhánh TP.HCM, để trực tiếp gặp, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty trên, để các công ty này gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định Nhà nước.

Để dẫn dụ các công ty này, khi tiếp xúc với đại diện đơn vị, người môi giới, Huỳnh Thị Huyền Như cam kết trả lãi suất theo quy định (14%/năm), còn trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng (thực tế phần trả thêm Như sử dụng tiền cá nhân để trả).

Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị tại Vietinbank đi trả nợ cá nhân.

Tổng số tiền mà Như lừa đảo chiếm đoạt được của 5 công ty là hơn 1.085 tỉ đồng, trong đó chiếm đoạt hơn 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên, hơn 170 tỉ đồng của Công ty An Lộc, 380 tỉ đồng của Công ty Phương Đông, gần 125 tỉ đồng của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, gần 210 tỉ đồng của Công ty SBBS.

Võ Anh Tuấn đã cùng Huỳnh Thị Huyền Như ra Hà Nội gặp đại diện của Công ty Hưng Yên để giúp Như huy động tiền của công ty này. 

Tuấn biết Như có hành vi gian dối lấy tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè do Tuấn làm phó giám đốc, đi huy động vốn của Công ty Hưng Yên, nhưng đã để mặc cho Như làm giả các hợp đồng tiền gửi của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với Công ty Hưng Yên, làm cho Công ty này tưởng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè huy động tiền gửi của họ nên đã chuyển tiền theo yêu cầu của Như, nhờ đó mà Như lừa đảo chiếm đoạt được của Công ty Hưng Yên hơn 200 tỉ đồng. 

Bản thân Võ Anh Tuấn cũng được hưởng lợi từ hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như. Trong quá trình Như lừa đảo huy động tiền của các đơn vị và cá nhân, Tuấn được như chuyển cho 10 tỉ đồng qua công ty XNK Hoàng Khải. Đây là số tiền như lừa đảo chiếm đoạt được đưa cho Tuấn sử dụng.

Theo Tuyết Mai (Tuổi Trẻ)