Pháp luật

Bà Phấn và trợ thủ đắc lực bị đề nghị mức án tù cao nhất

VKS nhận định đại gia Hứa Thị Phấn là chủ mưu trong vụ án, vì lòng tham lôi kéo hàng loạt người thân, nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi pháp luật...

Ngày 23-5, phiên xử đại gia Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng các đồng phạm bị truy tố về hai tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bước vào phần tranh luận.

Đại diện VKS tại phiên toà đã bắt đầu phần tranh luận sau một ngày chuẩn bj bằng bản luận tội đối với hai tội danh truy tố và vai trò của các bị cáo.

Bà Phấn và trợ thủ đắc lực bị đề nghị mức án tù cao nhất
Đại diện VKS tại tòa

Theo VKS, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến huyện Cần Đước (tỉnh Long An). Đầu năm 2007, bà Phấn cùng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng đứng tên giúp Phấn mua hơn 254 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ ngân hàng này. Bà Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng, có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín. Lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín…, chiếm đoạt gây thiệt hại cho ngân hàng này hàng ngàn tỉ đồng thông qua năm hành vi. Cụ thể: Nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng (giá trị thực của căn nhà chỉ 155 tỉ đồng): Hoạch toán thu-chi khống, để bị can Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.250 tỉ đồng; Thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.580 tỉ đồng; Chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào bốn dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.000 tỉ đồng và Nâng khống giá trị 25 bất động sản khác bán cho Ngân hàng Đại Tín để chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.000 tỉ đồng.

VKS nhận định bà Phấn là chủ mưu trong vụ án, vì lòng tham lôi kéo hàng loạt người thân, nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi trái pháp luật. Bị cáo Phấn dùng các thủ đoạn tinh vi điều phối hoạt động ngân hàng cho mục đích bản thân. Bị cáo bất chấp hậu quả dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tiền ngần hàng. Đáng chú ý là tại phiên xử, bà Phấn vắng mặt, còn bị cáo Bùi Thị Kim Loan là người thân cận nhất mới sinh con và không hợp tác với toà. Bị cáo Loan mang con nhỏ đến phiên xử gây áp lực cho HĐXX.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Phấn và bị cáo Loan mức án tù cao nhất. Cụ thể, bà Phấn 20 năm tù mỗi tội danh, tổng hợp là 30 năm tù. Bị cáo Loan từ 28 đến 30 năm tù, bị cáo Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, là cháu bà Phấn) từ 11 đến 12 năm tù về hai tội danh.

Bà Phấn và trợ thủ đắc lực bị đề nghị mức án tù cao nhất - 1
Bị cáo Bùi Thị Kim Loan được cho là trợ thủ đắc lực nhất của bà Phấn

VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo đồng phạm làm công ăn lương , giúp sức không hưởng lợi , thành khẩn, chỉ các tài sản cho CQĐT kê biên khắc phục phần nào hậu quả.

Bị cáo Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc Công ty TNHH địa ốc Lam Giang, cháu của bà Phấn) bị đề nghị 6 đến 7 năm tù Cụ thể về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín), Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín), Nguyễn Công Tụ (nguyên giám đốc Công ty TrustAsset), Bùi Thế Nghiệp (nhân viên định giá Công ty TrustAsset) và nhiều bị cáo khác mức án từ ba năm án treo đến 10-12 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Phấn và trợ thủ đắc lực bị đề nghị mức án tù cao nhất - 2
Bị cáo Hoàng Văn Toàn (đeo kính) thành khẩn tại toà dù là chủ tịch HĐQT ngân hàng nhưng bị bà Phấn chủ ngân hàng chi phối thao túng

Đồng thời, về trách nhiiệm dân sự, VKS đề nghị buộc bà Phấn bồi thường toàn bộ thiệt hại 6.300 tỉ và lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án cho Ngân hàng TNHH 1TV Xây dựng VN (CB Bank-VNCB cũ, tiền thân là TrustBank); tiếp tục kê biên toàn bộ tài sản được kê biên trong quá trình điều tra, truy tố để đảm bảo việc thi hành. Đối với 114 tài sản bị kê ban, liên quan đến quá trình chuyển giao giữa Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh, tiếp tục kê biên để giải quyết trong giai đoạn sau.

Theo Hoàng Yến (Pháp Luật TPHCM)