Pháp luật

'Bà Hứa Thị Phấn có thể điều khiển 5 ngân hàng'?

“Bà Phấn đã trải qua 5 ngân hàng, Ngân hàng Quế Đô, Nam Hải, Sài Gòn… trước khi vào xây dựng Ngân hàng Đại Tín. Theo tôi biết, bà có thể điều khiển ban lãnh đạo của 5 ngân hàng từng làm”, bị cáo Hoàng Văn Toàn khai tại tòa.

Cuối phiên xử sáng 9/5, hội đồng xét xử (HĐXX) chuyển sang phần xét hỏi. Theo đó, HĐXX xét hỏi bị cáo liên quan tới hành vi bị cáo Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín - TrustBank, cựu Chủ tịch Công ty Phú Mỹ, nâng khống căn căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng

Chủ tịch bù nhìn?

Bị cáo Hoàng Văn Toàn (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) khai về Ngân hàng Đại Tín làm là do được bạn bè giới thiệu với bà Sáu Phấn. Ban đầu, ông Toàn được đề nghị về làm cố vấn hội đồng quản trị.

'Bà Hứa Thị Phấn có thể điều khiển 5 ngân hàng'?
Bị cáo Hoàng Văn Toàn (áo xanh thứ 2 từ trái qua) tại tòa - Ảnh: Huyền Trâm.

Sau khi nhận lời, bị cáo Toàn tự xuống trụ sở ngân hàng ở Long An (khi đó vẫn tên Ngân hàng Rạch Kiến) để thăm hỏi đồng nghiệp và nắm tình hình.  

Bị cáo Toàn khai, sau 5, 6 tháng nắm tình hình, đến thời điểm đại hội cổ đông năm 2009 thì đưa ra đánh giá, đây là ngân hàng nhỏ, mang tính chất nông thôn. Trả lời chủ tọa căn cứ vào đâu đánh giá ngân hàng nhỏ, bị cáo Toàn cho hay, vì đã từng làm các ngân hàng trước như Nam Á, Phương Nam, căn cứ vào tổng tài sản quy mô mạng lưới, ông Toàn nói cảm giác được đó là ngân hàng nhỏ.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín cũng khai, có tham gia đại hội cổ đông năm 2009 với tư cách người nắm giữ gần 5% cổ phần ngân hàng. Số cổ phần này không phải bị cáo bỏ tiền mua mà do bà Phấn chi tiền cho ông Toàn đứng tên.

“Lúc đó bà Phấn mời bị cáo mua cổ phần nhưng bị cáo nói không có tiền. Bà Phấn kêu dự định bầu bị cáo làm Chủ tịch không có cổ phần thì không được. Bà Phấn nói đưa tiền mua cổ phần cho bị cáo đứng tên”, bị cáo Toàn cho biết.

Ông Toàn khai, HĐQT khi đó bầu khoảng 7, 8 thành viên, bị cáo Toàn được bầu làm Chủ tịch và là người đại diện theo pháp luật, ông Trần Sơn Nam được bầu làm Tổng giám đốc.

Trả lời HĐXX về quy mô, cơ cấu tổ chức của ngân hàng sau khi bị cáo Toàn làm Chủ tịch, bị cáo Toàn cho biết, qua năm đầu và năm 2, quy mô của ngân hàng ngày càng tăng. Mạng lưới được mở rộng, tổng tài sản thời điểm 2011 vào khoảng 18.000 tỷ đồng, với 150 điểm giao dịch trên cả nước, số nhân viên hơn 1.000 người.

Bị cáo Toàn khai, nhận thức làm thuê cho bà Hứa Thị Phấn, không có thực quyền dù làm Chủ tịch.

“Bà Phấn nói đây là ngân hàng của bà, các việc không được xía vào sâu”, bị cáo Toàn trả lời HĐXX về câu hỏi bị cáo làm theo chỉ đạo của Sáu Phấn hay theo pháp luật.

Bà Hứa Thị Phấn đã kinh qua 5 ngân hàng, có thể điều khiển ban lãnh đạo

Cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Tín - Hoàng Văn Toàn khai, dàn lãnh đạo của ngân hàng khi đó gồm Trần Sơn Nam làm CEO, ông Hứa Xường – em trai bà Phấn (theo cáo trạng đang bị truy nã); bà Ngô Kim Huệ - cháu bà Phấn; bà Lâm Hồng Trinh  - cháu bà Phấn; thời gian sau này có thêm Ngô Trí Đức, người thân tín của bà Phấn.

Ông Toàn cho biết, việc chỉ đạo của bà Phấn cũng có khi trao đổi trực tiếp, khi thông qua Ngô Kim Huệ và Lâm Hồng Trinh.

“Bà Phấn đã trải qua 5 ngân hàng, Ngân hàng Quế Đô, Nam Hải, Sài Gòn… trước khi vào xây dựng Ngân hàng Đại Tín. Theo tôi biết, bà có thể điều khiển của ban lãnh đạo của 5 ngân hàng bà đã từng làm”, bị cáo Toàn khai tại tòa.

Nói về phương pháp điều hành các ngân hàng của "bà trùm" Hứa Thị Phấn, bị cáo Toàn khai nhận: “Bị cáo hình dung ra là bà ấy thông qua thành lập ngân hàng, một ngân hàng trong một ngân hàng. Tức là một ngân hàng nhỏ gồm CN Sài Gòn và CN Lam Giang, rồi một số thành viên trong HĐQT cũng đang chịu áp từ bà. Sau này bị cáo mới biết, với tổng số giữ hơn 84% cổ phần thì không ai cản trở được ý định của bà Phấn. Chắc vì cơ chế đó bà ấy mới điều khiển được toàn bộ hoạt động theo ý mình tuy không giữ chức danh gì”.

Theo Huyền Trâm (Bizlive.vn)