Pháp luật

Ba bị cáo vụ dùng nhục hình ở miền Tây kêu oan

Bị cáo Núi khai, thiếu sức kiểm sát vụ án lớn nhưng lãnh đạo phân công nên ông không dám từ chối. Cựu kiểm sát viên 57 tuổi cho rằng, để xảy ra oan sai là trách nhiệm tập thể.

Bị cáo Núi khai, thiếu sức kiểm sát vụ án lớn nhưng lãnh đạo phân công nên ông không dám từ chối. Cựu kiểm sát viên 57 tuổi cho rằng, để xảy ra oan sai là trách nhiệm tập thể.


Ông Nguyễn Hùng Việt, Trưởng phòng 1A (Viện KSND tỉnh Sóc Trăng) nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra vụ 7 người bị bắt oan. "Tôi quá tin vào hồ sơ khi thấy có 2 nghi can đầu thú", ông Việt nói. Ảnh: Việt Tường.


Ông Nguyễn Hùng Việt, Trưởng phòng 1A (Viện KSND tỉnh Sóc Trăng) xác nhận, ngoài bị cáo Phạm Văn Núi (nguyên kiểm sát viên) ông còn phân công cấp phó là Trần Thanh Điệp hỗ trợ đồng nghiệp điều tra vụ lái xe ôm Lý Văn Dũng bị sát hại. Việc phân công chỉ bằng lời nói, không có văn bản cho đến khi các nghi can bị khởi tố.

Luật sư Nguyễn Khánh Trang (bảo vệ cho bị cáo Núi) hỏi ông Việt có cùng cơ quan điều tra "họp án" trước khi bắt khẩn cấp và khởi tố 7 người hay không? Ông Việt trả lời không nhưng sau đó nói có, khi luật sư công bố biên bản.

Theo biên bản này, ngày 21/7/2013, ông Việt với Núi, Điệp (Phó phòng 1A) họp cùng 8 cán bộ của PC45 Công an Sóc Trăng. Vị Trưởng phòng 1A có ý kiến: Nếu Trần Văn Đở khai có Thạch Mươl đi cùng thì thống nhất khởi tố Mươl. Còn Trần Cua, Trần Hol, Thạch Sô Phách, Khâu Sóc, Trần Văn Đở, Nguyễn Thị Bé Diễm thì thống nhất khởi tố bị can và tạm giam.

"Lãnh đạo 2 phòng thống nhất quan điểm trên, yêu cầu điều tra viên làm việc lại với Đở", biên bản nêu rõ.

Bị cáo tại ngoại Phạm Văn Núi cho rằng: "Vụ bắt oan 7 người là trách nhiệm tập thể. Cá thể hóa một mình tôi để truy cứu trách nhiệm hình sự là oan cho tôi". Ảnh: Việt Tường.

Từ biên bản này, luật sư đặt vấn đề liên quan đến vai trò của ông Điệp trong vụ án lái xe ôm Dũng bị giết. Vị Phó phòng 1A lớn tiếng phản bác ý kiến của luật sư. Ông Điệp khẳng định, cá nhân không làm việc gì liên quan đến vụ án cho đến khi những nghi can bị bắt và khởi tố.

"Tôi không có trách nhiệm gây ra oan sai cho 7 người vì không tham gia thời gian đầu. Được phân công làm nhiệm vụ sau này, tôi thấy do nhận thức của mình chưa sâu trong việc nghiên cứu hồ sơ nên việc 'giải thoát' cho những người bị bắt oan không được sớm hơn", ông Điệp nói với HĐXX.

Tiếp tục trả lời thẩm vấn, bị cáo Núi cho biết, bản thân lớn tuổi, mới được chuyển lên tỉnh nên khi được lãnh đạo phân công vụ xe ôm bị giết, ông không dám làm văn bản từ chối thẳng. Khi phát hiện 2 nghi can không thừa nhận hành vi giết người, cựu kiểm sát viên này có báo cáo lãnh đạo.

Tuy nhiên, ông Việt vẫn thừa ủy quyền của Viện KSND tỉnh Sóc Trăng để phê chuẩn nhiều lệnh bắt khẩn cấp những thanh niên vô tội. Sau đó, vụ bắt oan 7 người đã xảy ra, gây chấn động dư luận cả nước.

Khâu Sóc yêu cầu HĐXX buộc những người đánh anh phải bồi thường cho bị hại này 60 triệu đồng. Ảnh: Việt Tường.

"Đồng chí Việt có phân công đồng chí Điệp sang cơ quan điều tra làm việc với anh Đở, tôi với lãnh đạo chờ ở cơ quan. Làm việc xong, đồng chí Điệp có photocopy biên bản mang về đưa cho lãnh đạo. Tôi bị oan, trách nhiệm gây ra oan sai là của tập thể Phòng 1A và PC45", ông Núi kêu oan tại tòa.

Cuối buổi chiều, HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Hoàng Quân (nguyên thiếu tá, Đội trưởng điều tra) liên quan đến các hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, khởi tố… Từ đó, vị thẩm phán đặt nhiều vấn đề để làm rõ "hoạt động điều tra" của nguyên đại úy Triệu Tuấn Hưng khi ghi biên bản lấy lời khai chị Diễm.

"Tôi nghĩ rằng phải có người phân công thì Hưng mới ghi lời khai của Diễm", ông Quân nói với HĐXX. Tuy nhiên, bị cáo này sau đó đã "đính chính" là không phân công Hưng tham gia điều tra vụ anh Dũng bị giết.

Từ đó, Quân và Hưng cũng cho rằng họ vô tội, cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố 2 người tội Dùng nhục hình là không đúng.

Cảnh sát đưa cựu thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân về trại tạm giam. Ảnh: Việt Tường.

Kết thúc phần thẩm vấn, HĐXX đặt vấn đề với Thạch Sô Phách và Khâu Sóc về việc yêu cầu bồi thường khi hai anh cho rằng đã bị điều tra viên dùng nhục hình. Trước đây, hai nạn nhân này không đặt vấn đề về trách nhiệm dân sự nhưng chiều nay, anh Sóc yêu cầu những người đánh mình bồi thường 60 triệu đồng và anh Phách yêu cầu 50 triệu.

Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, ngày 5/10, phiên tòa tiếp tục với phần đại diện cơ quan công tố luận tội các bị cáo và sau đó là tranh luận.

>> Vụ nhục hình Sóc Trăng: VKS mắc lừa vì hồ sơ công an hoàn hảo?
>> Cựu cảnh sát Sóc Trăng phủ nhận dùng nhục hình với các thanh niên
>> Hoãn xử vụ dùng nhục hình làm 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng
>> Ngày mai xử vụ dùng nhục hình khiến 7 thanh niên bị oan

Theo Việt Tường (Zing.vn)