Pháp luật

An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông

Theo quan sát của PV, ngay từ sáng sớm nay (2.1), an ninh tại phiên tòa xét xử vụ bắn chết 3 người, 13 người bị thương xảy ra hôm 23.10.2016, tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã được thắt chặt...

Như đã đưa tin, sáng nay TAND tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử 6 bị can liên quan đến vụ bắn chết 3 người, làm bị thương 13 người xảy ra hôm 23.10.2016, tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông).

Ban đầu phiên tòa dự kiến sẽ được xử lưu động. Tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng của vụ án, TAND tỉnh Đắk Nông đã quyết định xét xử vụ án tại trụ sở. 

Theo quan sát của PV, ngay từ sáng sớm an ninh tại phiên tòa này được thắt chặt. Hàng chục cảnh sát đã được bố trí ở những vị trí quan trọng để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông
Lối vào duy nhất của tòa án có rất nhiều cảnh sát túc trực.

An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 1

An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 2
Ngay lối vào phòng xét xử cũng được bố trí nhiều công an.
An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 3
Trong phòng xét xử, lực lượng an ninh cũng được bố trí. 
An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 4
Ngoài hành lang cũng có rất đông cảnh sát cơ động túc trực theo dõi an ninh phiên tòa.
An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 5
Tòa đang truy vấn căn cước các bị cáo.
An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 6
Gia đình đưa di ảnh nạn nhân đến phiên tòa. 
An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 7
Con và mẹ Điểu Tào (nạn nhân bị bắn chết trong vụ án) tại phiên tòa.
An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 8
Nhiều người đến theo dõi phiên tòa từ bên ngoài.
An ninh thắt chặt tại phiên xử vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông - 9
Ông Tạ Đình Đề, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông đang đọc cáo trạng.

Theo đó, năm 2008, Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn (Công ty Long Sơn) được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000ha đất rừng tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực để thực hiện dự án nông lâm nghiệp.

Tháng 6.2013, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (SN 1962, trú tại P.5, Q.5, TP.HCM) mua lại dự án này và làm Phó giám đốc Công ty Long Sơn. Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Long Sơn đã để một số hộ dân xâm canh, khiến hai bên xảy ra tranh chấp nhưng chính quyền chưa giải quyết được.

Ngày 15.10.2016, Sửu gọi người của Công ty Long Sơn, chuẩn bị máy ủi, máy cày, áo giáp, lá chắn… để bảo vệ xe ủi, tiến hành ủi cà phê, điều của một số gia đình xâm canh.

Ngày 23.10.2016, Sửu và Phạm Công Thiện (tên gọi khác Kevin Nghiêm, SN 1977 tại tỉnh Vĩnh Long) chỉ đạo Lê Phi Thông, Dương Văn Tiến, mỗi người điều khiển một xe ủi, Lê Thanh Phong điều khiển 1 xe máy cày chở theo Trần Văn Tâm, Điểu Lúc, Điểu Hiền, Trần Minh Xuân, Phạm Công Thiện, Đặng Ngọc Chính, Lê Văn Quân, Điểu Dăng, Điểu Tư, Lê Anh Nghĩa, Điểu Lương, Điểu Vũ, Điểu Vinh (SN 1999), Xì Cồn, Điểu Nhung, Điểu Đau, Điểu An, Điểu Thành, Điểu Duy, Điểu Ka, Điểu Thân, Điểu Hồng, Lê Duy Phương, Điểu Dân, Lại Minh Hưng, Nguyễn Thanh Hùng, Kim Hùng Vương, Điểu Tào, Điểu Vinh (SN 2000), Đặng Ngọc Ba mang theo quần áo, mũ, giày bảo hộ, khiên chắn, áo giáp, gậy, đá cục chia thành 2 nhóm chốt chặn đường vào khu đất nhà ông Hoàng Văn Thắng và Đặng Văn Hiến trồng cây điều, cà phê, không cho người dân kéo lên ngăn cản để cho Lê Phi Thông, Dương Văn Tiến trực tiếp lái xe ủi phá hủy cây trồng nhằm chiếm lại đất cho Công ty Long Sơn.

Hậu quả là 287 cây điều, 45 cây cà phê của ông Hoàng Văn Thắng, Triệu Phục Cao và Đặng Văn Hiến thiệt hại với tổng giá trị tài sản là 73.624.000 đồng. Trong đó, Lê Phi Thông đã phá hủy 75 cây điều của ông Hoàng Văn Thắng, 39 cây của nhà Đặng Văn Hiến, 40 cây điều của ông Triệu Phụ Cao có tổng giá trị tài sản là 32.648.000 đồng. Dương Văn Tiến phá hủy 133 cây điều, 45 cây cà phê nhà ông Hoàng Văn Thắng có tổng giá trị tài sản thiệt hại là 40.976.000 đồng.

Khi thấy cây trồng nhà mình bị phá hủy, Đặng Văn Hiến (SN 1976, trú tại thôn Phủ Đô, xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cùng Ninh Viết Bình (SN 1982, trú xóm Thành Lập, xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã sử dụng súng thể thao bắn vào những người của Công ty Long Sơn.

Lúc này, Hà Văn Trường (SN 1985, trú tại thôn Phủ Đô, xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã đến tiếp đạn cho Hiến bắn. Vụ việc khiến Điểu Vinh (SN 2000), Điểu Tào, Dương Văn Tiến tử vong tại chỗ và 13 người bị thương với tỷ lệ từ 6-54%.

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Đặng Văn Hiến, Hà Văn Trường đã kể lại cho Đoàn Văn Diện (SN 1980, trú tại thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, Bù Đăng, Bình Phước) biết và có ý định bỏ trốn. Diện đã giúp Hiến và Trường bỏ trốn bằng cách sử dụng sim điện thoại của Hiến mang đến địa bàn huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) lắp vào điện thoại khác gọi vào tổng đài 900 nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Sau đó, Diện đưa Trường vào nhà mình để trốn.

Viện KSND Tối cao khẳng định, hành vi của Đặng Văn Hiến cùng Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường nêu trên đã phạm tội Giết người. Trong đó, Hiến là người giữ vai trò chính, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường đóng vai trò đồng phạm, giúp sức.

Đặng Văn Hiến phạm tội thuộc trường hợp "Giết  nhiều người" và "Có tính chất côn đồ" quy định tại các điểm a,n Khoản 1 Điều 93. Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường phạm tội thuộc trường hợp "Giết nhiều người", tội phạm và hình phạt quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Hành vi của Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phạm Công Thiện đã phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý là hư hỏng tài sản, thuộc trường hợp "Có tổ chức", "Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50-dưới 200 triệu đồng", tội phạm và hình phạt quy định tại các điểm a, g khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự.

Hành vi của Đoàn Văn Diện đã phạm tội Che giấu tội phạm, quy định tại khoản 1 Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Viện KSND Tối cao cũng đề nghị tòa án, trong quá trình xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ như: Bị can thực hiện hành vi phạm tội Giết người trong bối cảnh có bức xúc về việc cây trồng bị người khác phá hủy; đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo Duy Hậu (Dân Việt)