Pháp luật

500 tỷ "đè chết" giấc mơ của đại gia Phạm Công Danh

Ôm giấc mơ thành lập ngân hàng riêng của ngành xây dựng, cuối cùng đại gia Phạm Công Danh "mắc kẹt" với khoản vay 500 tỷ đồng...

Ôm giấc mơ thành lập ngân hàng riêng của ngành xây dựng, cuối cùng đại gia Phạm Công Danh "mắc kẹt" với khoản vay 500 tỷ đồng...

Thời điểm đó, Phạm Công Danh đã kiến nghị để được thành lập NH xây dựng nhưng không được phép. Đúng lúc đó, Hà Văn Thắm cho biết, có NH đang tái cơ cấu, muốn chuyển nhượng nên Phạm Công Danh đã đồng ý thâu tóm.

Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, đại án Oceanbank, Ngân hàng Xây dựng

Phạm Công Danh.

Cuộc gặp giữa ba đại gia Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh được diễn ra sau đó để đi đến thống nhất, thay vì chuyển giao NH Đại Tín cho Hà Văn Thắm - bà Phấn sẽ chuyển cho Phạm Công Danh.

Tuy nhiên, sau khi tiếp cận, Phạm Công Danh nhận ra tính thanh khoản của NH này đang ở mức nguy hiểm.

"Thời điểm đó, chỉ cần một khách hàng rút ra 6-7 tỷ đồng, NH cũng không có tiền trả", Phạm Công Danh khai.

Cũng theo lời khai của Phạm Công Danh, ông ta đã phải bỏ 1.000 tỷ đồng tiền túi vào NH Đại Tín để đảm bảo tính thanh khoản. Sau hành động này của ông Danh, bà Phấn đồng ý chuyển giao.

Tuy nhiên, sau khi nhận thấy sự yếu kém, Phạm Công Danh đã muốn rút. Nhưng lúc đó, bà Phấn thường gặp ông Danh để động viên bị cáo tiếp tục "theo đuổi ước mơ".

"Xuất phát từ nhu cầu sợ mất thanh khoản, bà Phấn nghĩ ra việc vay Oceanbank 500 tỷ. Bà Phấn hứa cho tôi mượn tài sản để đảm bảo khoản vay này", lời khai bị cáo Danh.

Dùng niềm tin để cho vay 500 tỷ?

Theo cáo buộc, tháng 11/2012, với trách nhiệm là Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo cấp dưới thông qua công ty Trung Dung cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng mà không đảm bảo điều kiện vay vốn.

Bị cáo Trần Văn Bình, một lái xe mới học đến lớp 6 của Tập đoàn Thiên Thanh được dựng lên làm Giám đốc công ty Trung Dung để ký hợp đồng vay nợ.

Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, đại án Oceanbank, Ngân hàng Xây dựng

Hà Văn Thắm tại tòa.

Mặc dù, công ty Trung Dung không có thực vốn góp như trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có bộ máy, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì, nhưng Phạm Công Danh vẫn chỉ đạo Trần Văn Bình và các nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh làm các báo cáo hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, thuế và các tài liệu khác theo yêu cầu của Oceanbank để hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo khoản vay này còn có nhiều bất động sản và cổ phần công ty CP Tập đoàn SSG của nhóm bà Phấn. Những tài sản này không đủ điều kiện để mang đi thế chấp NH khi mà bất động sản thì chưa có sổ đỏ, còn cổ phần thì chưa thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sau khi Oceanbank giải ngân 500 tỷ, Phạm Công Danh rút ra thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Phấn tại NH Xây dựng, đến nay Oceanbank không có khả năng thu hồi khoản vay này.

Vì vậy, cả ba đại gia Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chiều 29/8, HĐXX thẩm vấn Hà Văn Thắm: "Ba tài sản mà công ty Trung Dung đưa ra để vay Oceanbank 500 tỷ chưa đủ điều kiện đảm bảo, nhưng bị cáo đã giải ngân. Vậy bị cáo cho vay trên cơ sở niềm tin?"

Hà Văn Thắm đáp: "Đúng là bị cáo dựa vào cơ sở niềm tin về giá trị thương mại của công ty Trung Dung và đến nay chưa thu hồi được tài sản".

Theo Hà Văn Thắm, trường hợp cho vay bằng niềm tin như vậy khá phổ biến trong ngành ngân hàng.

"Khoản tiền 500 tỷ đồng đó, anh Danh nói biết rõ đang ở đâu và đề nghị thu hồi trả lại cho Oceanbank, bị cáo đồng tình với ý kiến này" - lời bị cáo Hà Văn Thắm.

Theo T.Nhung (VietNamNet)