Pháp luật

2 nhân vật quyền lực ở Sacombank Trầm Bê, Phan Huy Khang tiếp tay cho 'đại gia' Phạm Công Danh như thế nào?

Trong phiên xử hồi tháng 1, Trầm Bê từng bày tỏ bức xúc khi cho rằng nhiều người có hành vi tương tự mình nhưng không bị xử lý. Sau khi điều tra bổ sung vụ án, VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm không truy tố những người này.

Ngày 24/7, TAND TP HCM dự kiến đưa vụ án Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) giai đoạn 2 ra xét xử.

Giai đoạn này, ông Danh và 44 người khác bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" từ việc gây thất thoát 6.126 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và VNCB.

Trong đó, ông Trầm Bê (59 tuổi, cựu Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank), ông Phan Huy Khang (45 tuổi, cựu Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng tín dụng Sacombank) phải chịu trách nhiệm vì tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng cho VNCB.

"Đại gia" vướng vòng lao lý

Theo hồ sơ vụ án, ông Danh và Trầm Bê (phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank) có mối quan hệ quen biết và cả Danh và Trầm Bê đều biết rõ Danh không được phép vay tiền từ ngân hàng VNCB.

Vào tháng 4/2013, để có tiền trả các khoản vay trước đó tại ngân hàng BIDV, ông Danh cùng cấp dưới đến gặp ông Trầm Bê đề nghị được vay 1.800 tỷ đồng. Do quen biết từ trước, cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank đồng ý cho ông Danh vay số tiền này với điều kiện tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, ông Trầm Bê dẫn Phạm Công Danh đến gặp Phan Huy Khang và chỉ đạo cựu Tổng giám đốc thực hiện hồ sơ cho vay. Còn Phạm Công Danh phân công Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (Cựu thành viên HĐQT VNCB) chuẩn bị tiền đảm bảo.

Ngoài ra, ông Danh còn chỉ đạo cấp dưới làm 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty (do ông Danh thành lập) để vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản. Điều đang nói là giám đốc của các công ty "ma" này hầu hết đều là nhân viên bảo vệ, tài xế… được thuê đứng tên.

Sau quá trình chuẩn bị, ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký duyệt 2 tờ trình của Sacombank về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty của ông Phạm Công Danh. Theo đó, việc giải ngân được thực hiện trước rồi khách hàng bổ sung chứng từ.

Ngay sau đó, Sacombank chi nhánh Trần Hưng Đạo và chi nhánh quận 8 chuyển 1.800 tỷ đồng vào tài khoản cho phía ông Phạm Công Danh. Ông này dùng số tiền đó trả cho BIDV 1.700 tỷ đồng. Đây là khoản vay nhằm mục đích chuyển nhượng 5 lô đất thuộc dự án Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng).

Một năm sau, do 6 công ty "ma" của ông Danh không có khả năng trả tiền, Sacombank cấn trừ nợ 1.800 tỷ đồng gốc và 35 tỷ tiền lãi vào tài khoản tiền gửi của VNCB. Cơ quan điều tra xác định, chủ trương "giải ngân trước bổ sung chứng từ sau" của ông Trầm Bê đã giúp ông Danh gây thất thoát 1.800 tỷ đồng của VNCB.

2 nhân vật quyền lực ở Sacombank Trầm Bê, Phan Huy Khang tiếp tay cho 'đại gia' Phạm Công Danh như thế nào?
Đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh dự kiến được xét xử lại vào 24/7.

Tại ngân hàng TPBank, Phạm Công Danh và đồng phạm sai phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng.

Đối với hành vi cố ý làm trái của ông Danh xảy ra tại BIDV, ông Danh cũng đã dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do ông thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỷ đồng.

Tại sao không xử lý hình sự ông Trần Bắc Hà?

Hồi tháng 1 năm nay, TAND TP HCM từng đưa đại án này ra xét xử nhưng tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều vấn chưa được làm rõ. 

Tại phiên tòa đó, ông Trầm Bê thừa nhận đã thực hiện các hành vi như cáo trạng truy tố nhưng cho rằng tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là chưa chính xác. Ông này khẳng định việc phê duyệt cho các công ty vay tiền là phù hợp với các quy định của pháp luật và giao cho cấp dưới thực hiện đúng quy trình.

"Cố ý làm trái là phải có tư lợi. Không lẽ những người làm như tôi nhưng nói không quen anh Danh (Phạm Công Danh - PV) thì không phạm tội? Chẳng lẽ tôi khai báo thật thà nói quen thì phạm tội làm trái sao? Bị cáo không phục!", cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank đã trình bày tại phiên tòa.

Ông Trầm Bê khai nghĩ Phạm Công Danh không được phép vay tiền ngân hàng mình làm chủ chứ không bị cấm vay ở ngân hàng khác. Ngoài ra, ông Danh còn là khách hàng lâu năm của Sacombank và việc cho vay đã đảm bảo đúng các yêu cầu của pháp luật bao gồm: có tài sản bảo đảm, có lãi, thu hồi được nợ và có phương án kinh doanh.

Tuy nhiên, HĐXX nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để cho vay là phải có phương án kinh doanh, trong khi các công ty "ma" của Phạm Công Danh chỉ được lập ra để đi vay tiền.

2 nhân vật quyền lực ở Sacombank Trầm Bê, Phan Huy Khang tiếp tay cho 'đại gia' Phạm Công Danh như thế nào? - 1
Ông Trần Bắc Hà bị triệu tập đến phiên xử lần này.

Cũng tại phiên tòa trước, ông Trầm Bê nhiều lần đặt vấn đề vì sao không xử lý lãnh đạo BIDV vì họ cũng cho Phạm Công Danh vay tương tự như ông.

Trong bản kết luận điều tra bổ sung mới đây, VKSND Tối cao lý giải, những lãnh đạo ở BIDV dù có sai phạm nhưng không đủ căn cứ đồng phạm với ông Danh vì chưa thấy tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) và các thành viên hưởng lợi từ việc cho 12 công ty của ông Danh vay.

Trong khi đó, ông Trầm Bê cho rằng bản thân đã giới thiệu ông Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang. Sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của ông Danh vay 1.800 tỷ đồng.

Giữ nguyên quan điểm truy tố

Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra và điều tra bổ sung, Viện KSND Tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án đã nêu theo cáo trạng năm ngoái. Vì vậy, Viện KSND tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố đối với Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo đồng phạm.

Đối với các lãnh đạo của TPBank, BIDV, Viện KSND Tối cao cho rằng quá trình điều tra xác định một số đối tượng có hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ xác định hành vi đồng phạm với Phạm Công Danh về tội "Cố ý làm trái…"

Vì vậy, Viện KSND Tối cao không khởi tố và đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ các đối tượng này tại phiên tòa, nếu có đủ cơ sở thì xử lý theo quy định pháp luật.

Khai trừ Đảng ông Trần Bắc Hà

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã ra quyết định kỷ luật đối với ông Trần Bắc Hà (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng (cựu Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV) và ông Trần Lục Lang (Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV).

Theo đó, ông Trần Bắc Hà bị khai trừ khỏi Đảng, ông Đoàn Ánh Sáng bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng và ông Trần Lục Lang bị kỷ luật cảnh cáo. Theo UBKT Trung ương, các lãnh đạo nói trên có sai phạm liên quan tới đại án Phạm Công Danh xảy ra tại VNCB.

UBKT Trung ương xác định những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng. Cụ thể, ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, ông này vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Cựu Chủ tịch BIDV cũng vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Theo Bảo Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)