Ôtô - Xe máy

Những điều không thể không biết khi đi xe đường dài dịp Tết

Mùa lễ Tết cũng là mùa tàu xe, để có những chuyến đi an toàn và khỏe mạnh bạn nên tránh những sai lầm thường mắc khi đi xe đường dài.

Mùa lễ Tết cũng là mùa tàu xe, để có những chuyến đi an toàn và khỏe mạnh bạn nên tránh những sai lầm thường mắc khi đi xe đường dài.
 
Những điều không thể không biết khi đi xe đường dài dịp Tết


Chọn vị trí ngồi xe trên xe

Với những người say xe, việc chọn vị trí ngồi khắc phục khá nhiều tình trạng nôn nao. Cần có kế hoạch sớm cho chuyến đi, việc mua vé sớm sẽ thuận lợi hơn trong việc chọn chỗ ngồi, giúp chuyến đi phần nào dễ chịu hơn.

Nếu đi xe khách nên chọn hàng ghế phía trên, nếu đi xe con thì nên ngồi ghế cạnh lái hoặc ngồi ở giữa ghế sau. Nên chọn hàng ghế bên phải (không phải phía sau lái xe) hướng xe chuyển động ngược chiều sẽ ở phía bên trái xe, nên những hành khách ngồi phía phải sẽ có nguy cơ chấn thương ít hơn.

Đối với xe giường nằm, cố gắng tránh vị trí trên bánh xe. Việc lăn bánh sẽ làm bạn mệt mỏi hơn trong cả hành trình.

Không nên nhìn tập trung vào một điểm cố định, tuyệt đối không đọc báo hoặc chơi điện thoại, hướng mắt về phía trước (não bộ sẽ nhận biết sự cân bằng qua tín hiệu mà mắt truyền về) và nếu được thì nên mở hé cửa sổ xe. Cố gắng nói chuyện thật nhiều với người khác.

Chuẩn bị thể lực tốt trước chuyến đi cũng giúp hạn chế say xe, đồng thời không nên quá lo lắng về vấn đề say xe của mình. Có thể uống một cốc nước lọc trước khi khởi hành, không nên ăn quá no hoặc nhịn đói (nên ăn nhẹ từ 30 phút đến một tiếng trước khi lên xe) đặc biệt không nên ăn đồ béo hay dùng thức uống có chất kích thích (rượu, bia, cafe). Ngoài ra, nên uống thuốc chống say xe (trước 20 phút khởi hành).

Ngoài ra, mang theo chăn, gối tựa đầu, bịt kín mũi và miệng tránh hít mùi điều hòa, ngồi xa bánh xe và tránh xa luôn cả những bác tài động tí là đánh lái đặc biệt ngủ được một giấc chuyến thì đi sẽ ngắn hơn rất nhiều.

Bảo vệ trẻ em trên xe

Đối với xe gia đình, vị trí an toàn nhất cho trẻ nhỏ là hàng ghế phía sau tay lái hoặc ở giữa. Tuyệt đối không vì sở thích mà để cho trẻ ngồi cạnh ghế lái, ngồi giữa chỗ để tay ghế lái, đứng chơi tự do trong xe, hoặc thậm chí là ngồi trong lòng người lái xe sát vào vô-lăng. Đây là những vị trí nguy hiểm, nếu xe phanh gấp, tăng tốc, rẽ bất ngờ, trẻ mất trọng tâm sẽ bị ngã hoặc va đập mạnh.

Trẻ em dưới hai tuổi nên sử dụng ghế chuyên dụng, tùy theo chiều cao cân nặng, có khá nhiều lựa chọn kiểu dáng mẫu mã và giá tiền trên thị trường. Trẻ từ 9 tuổi trở lên nên thắt dây an toàn như người lớn.

Nếu đi xe khách khu vực nguy hiểm nhất là cửa xe. Trẻ nhỏ cần ưu tiên có chỗ ngồi vì khó giữ thăng bằng các em không thể chịu được những cú xóc bất ngờ hay phanh đột ngột.

Tốt nhất là cho bé ngồi ở dãy ghế bên phải của xe (không cùng bên với tài xế). Hạn chế cho trẻ em ăn uống trên xe tránh bị sặc. Đi xe đường dài không phải lúc nào cũng có thể dừng để đi vệ sinh. Nên đóng bỉm cho trẻ nhỏ hoặc chuẩn bị chai nước cho trẻ em nam lớn hơn.

Những thứ không nên ăn, uống khi đi xe

Đi xe đường dài nhất thiết không nên uống nhiều nước vì việc kích thích bàng quang khi ngồi lâu sẽ gây rắc rối cho bạn. Đặc biệt, không dùng là các loại nước có ga, thức uống có chất kích thích thậm chí là sữa hay trà sữa trước chuyến đi. Ga từ nước ngọt, hay bia có thể gây đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn còn trà, sữa có thể gây đau bụng.

Theo kinh nghiệm của nhiều người, việc sử dụng vỏ chanh tươi hay vỏ quýt có thể giảm bớt triệu chứng buồn nôn, ói mửa khi đi xe. Tuy nhiên, ăn hay uống các loại trái cây họ cam quýt như cam, bưởi, chanh lại khiến dư lượng axit gây cảm giác nôn nao và hại cho dạ dày.

Gừng cũng là một giải pháp dân gian khá hiệu quả, ngoài tác dụng làm ấm bụng, nhấm một chút gừng tươi hoặc mứt gừng hoặc uống chút trà gừng trước chuyến đi sẽ giúp bạn thấy dễ chịu hơn.

Bánh mỳ hay bánh quy giúp giảm lượng nước bọt và dịch dạ dày. Hạn chế việc tiết dịch phần nào giảm cảm giác buồn nôn hay những khó chịu trong chuyến đi. Đối với bánh quy, không nên chọn vị đặc biệt như cay, hành tây, vị tỏi… bởi chúng có thể khiến các triệu chứng say xe tồi tệ hơn.

Ăn bánh mì, tuyến tụy sẽ tiết ra trypsin. Men này trao đổi chất với axit amin trong bánh mì có tác dụng trấn tĩnh thần kinh. Có thể giữ một mẩu bánh mì để ngửi nhằm giảm bớt mùi tàu xe.

Đặc biệt, khoai lang sống rất hiệu quả trong việc phòng chống say tàu xe, nó giúp chống co thắt và trung hòa axit trong dạ dày do đó có tác dụng chống nôn. Có thể dùng khoai lang tươi đã làm sạch, ăn nhai nuốt cả bã.

Một phương pháp đơn giản hơn là cầm một thanh kẹo bạc hà, nhai kẹo cao su và uống từng ngụm nước nhỏ trong suốt chuyến đi.

Theo Ngọc Điệp (VnExpress.net)