Ôtô - Xe máy

TwinPower Turbo và phần còn lại của thế giới tăng áp

Nhược điểm của động cơ turbo vẫn tồn tại song song với sự thịnh hành của loại động cơ này. BMW đã khắc phục như thế nào?

Với sự phát triển không ngừng về công nghệ và động cơ ôtô, người tiêu dùng ngày một muốn sở hữu chiếc xe đi nhanh hơn, tăng tốc tốt hơn nhưng phải tiết kiệm nhiên liệu hơn. Không dừng lại ở đó, sự khắt khe ở mức tiêu hao nhiên liệu và hàm lượng phát thải ra môi trường chính là bài toán thách thức đối với các nhà sản xuất. Động cơ turbo chính là một trong những giải pháp.

TwinPower Turbo và phần còn lại của thế giới tăng áp
Động cơ ba, bốn và sáu xi-lanh của BMW ứng dụng công nghệ TwinPower Turbo.

Tuy nhiên, để nghiên cứu và phát triển động cơ turbo, các nhà sản xuất phải bỏ ra chi phí rất cao và đòi hỏi nhiều thời gian. Để cắt giảm chi phí đầu tư cũng như tiết kiệm thời gian ra mắt sản phẩm, đa số các hãng xe thường mua sẵn bộ turbo lắp vào động cơ của mình. BorgWarner hay Garrett là hai trong số những nhà cung cấp bộ turbo như vậy. Nhưng BMW là trường hợp cá biệt.

Động cơ turbo được BMW sản xuất kiểu "in-house". Hãng làm chủ công nghệ từ bản phác thảo cho tới khi ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Toàn bộ giai đoạn nghiên cứu và phát triển được các kỹ sư của BMW giám sát. TwinPower Turbo là một trong những sản phẩm "con cưng" của BMW. Công nghệ tăng áp này được BMW ứng dụng cho dải động cơ từ 3 xi-lanh cho tới động cơ 12 xi-lanh.

Năm 2006, sau khi ghi nhận hàng loạt những phản hồi về độ trễ của bộ tăng áp - điểm yếu cố hữu đối với công nghệ tăng áp (turbo lag), BMW lần đầu tiên giới thiệu TwinPower Turbo trên mẫu sedan BMW 335i. Đây là dấu mốc đầu tiên của TwinPower Turbo trước khi công nghệ này được ứng dụng trên mọi chiếc xe BMW ngày nay.

TwinPower Turbo và phần còn lại của thế giới tăng áp - 1
TwinPower Turbo và gói công nghệ Efficient Dynamis giúp động cơ BMW đạt được nhiều thành tích.

Ở dải tua máy thấp, bộ turbo không được cấp khí xả dẫn đến hiện tượng hụt hơi. TwinPower Turbo ra đời không chỉ cải thiện sự hiệu quả và sức mạnh, công nghệ này còn nhằm hạn chế tối đa nhược điểm đó.

Đúng như tên gọi, TwinPower Turbo được cấu thành từ hai phần. TwinPower bao gồm các công nghệ độc quyền của BMW gồm: Valvetronic, VANOS và bộ phun nhiên liệu có độ chính xác cao HDPi. Turbo là bộ tăng áp đơn (single-turbo) hoặc tăng áp kép (twin-turbo). BMW đã lựa chọn giải pháp tăng áp cuộn đôi twin-scroll với hai cửa nạp khí cho động cơ TwinPower Turbo.

TwinPower Turbo và phần còn lại của thế giới tăng áp - 2
Cơ cấu đường nạp kép twin-scroll trên động cơ turbo của BMW. Ảnh: Bimmers

Trong đó, một đường nạp khí có kích thước nhỏ hơn có nhiệm vụ cải thiện khả năng đáp ứng của động cơ ở dải tua máy thấp. Đường nạp khí còn lại có kích thước lớn hơn, có vai trò tối ưu hoá sức mạnh ở dải vòng tua cao. Công thức này đã giúp TwinPower Turbo gần như triệt tiêu được hiện tượng turbo lag. TwinPower Turbo là công nghệ áp dụng cho cả động cơ tăng áp đơn và tăng áp kép.

Hiện tại, TwinPower Turbo xuất hiện trên mọi dòng sản phẩm của BMW, từ dòng entry-level như 1 series, 2 series cho đến dòng xe cỡ lớn như 5 series và 7 series. TwinPower Turbo góp phần tạo nên trải nghiệm hoàn toàn khác biệt trên những mẫu xe của BMW, đặc biệt là khả năng vận hành.

Những chiếc BMW luôn được yêu chuộng nhờ cảm giác lái đậm chất thể thao và phản ứng gần như tức thì từ khi nhận được ‘tín hiệu’ từ người lái. Không chỉ riêng TwinPower Turbo, những tinh hoa của động cơ đốt trong được đúc kết từ hơn 100 năm cũng khiến sức mạnh được truyền tải tối ưu nhất tới từng bánh xe qua hệ truyền động thông minh, kiểm soát lực kéo cũng như khoá vi sai tiên tiến.

Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Gói công nghệ Efficient Dynamics của BMW với nòng cốt là TwinPower Turbo đã cho thấy hiệu quả đáng kinh ngạc, đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới. Dù là động cơ dung tích nhỏ với ba xi-lanh hay đỉnh cao công nghệ 12 xi-lanh, gói công nghệ kể trên luôn được tối ưu hoá giữa công suất và mức tiêu hao nhiên liệu. Đó chính là lý do khiến động cơ của BMW luôn thường trực trong top 10 động cơ tốt nhất thế giới.

TwinPower Turbo và phần còn lại của thế giới tăng áp - 3
BMW 5 series thế hệ hoàn toàn mới ứng dụng công nghệ TwinPower Turbo.

Với TwinPower Turbo, BMW cũng thay đổi quan niệm động cơ truyền thống dung tích lớn thì công suất mới cao. BMW 520i thế hệ hoàn toàn mới tại Việt Nam chỉ sử dụng động cơ dung tích 1.6, tích hợp bộ tăng áp và công nghệ TwinPower Turbo nhưng công suất lên tới 170 mã lực và sức kéo 250Nm. Xe tăng tốc từ 0-100km/h trong 8,7 giây trước khi đạt vận tốc tối đa 226km/h. Những con số trên tương đương, thậm chí vượt trội với động cơ 2.0 hay 2.5 truyền thống. Theo Thaco BMW, 520i sedan có mức tiêu hao nhiên liệu chỉ từ 6,5/100km.

Ở phiên bản cao cấp hơn, BMW 530i sử dụng động cơ tăng áp dung tích 2.0 cho ra sức mạnh 252 mã lực và sức kéo 400Nm. Đây là khối động cơ sử dụng chung trên BMW 730i (mã động cơ B48B20) cho công suất 258 mã lực và sức kéo 400Nm. Sở hữu công suất tương đương nhưng trọng lượng nhẹ hơn so với 730Li, BMW 530i tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong 5,9 giây. Thông số này ở 730Li là 6,3 giây.

Ngoài hiệu quả về sức mạnh, thế hệ động cơ mới cũng đạt những con số ấn tượng về mức tiêu hao nhiên liệu. BMW 530i có mức tiêu hao nhiên liệu chỉ từ 6,2/100km. Mẫu sedan hạng sang 730Li nặng trên 2 tấn có mức tiêu hao chỉ từ 5,8L/100km, theo thông số từ Thaco BMW.

Theo Quang Anh (VnExpress.net)