Ôtô - Xe máy

Triệu hồi 11.500 xe, Hyundai Grand i10 còn là 'vua doanh số' tại VN?

Trước thời điểm bị triệu hồi, Hyundai Grand i10 là mẫu xe bán chạy thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau Toyota Vios. Lỗi kỹ thuật nguy hiểm có thể đe dọa đến doanh số của dòng xe này.

Tính đến hết tháng 9, Hyundai Grand i10 có doanh số tổng 17.792 xe, đứng thứ 2 trên thị trường ôtô Việt Nam, chỉ dưới Toyota Vios với doanh số 18.474 xe. Hyundai Grand i10 cũng không ít lần vượt lên vị trí dẫn đầu thị trường xét theo tháng.

Doanh số cao trong nhóm xe đô thị

Cũng trong 9 tháng đầu năm, cả phân khúc hatchback hạng A đạt doanh số 27.064 xe. Như vậy chỉ tính riêng Hyundai Grand i10 đã chiếm giữ 65,7% thị phần, vượt xa với đối thủ Kia Morning với 29,8%.

Câu chuyện thành công của Hyundai Grand i10 trong phân khúc hatchback hạng A có thể coi là giống như Toyota Vios trong phân khúc sedan hạng B. Việt Nam là thị trường Đông Nam Á đầu tiên, và là thị trường thứ 2 trên thế giới được giới thiệu Hyundai Grand i10 vào năm 2013. Mẫu xe này ra đời nhằm thay thế cho 2 "đàn anh" Hyundai Eon và i10 trước đó.

Hyundai Grand i10 thời gian đầu nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường Ấn Độ. Nhưng vào ngay thời điểm ấy, Hyundai Thành Công đã lên kế hoạch đến việc lắp ráp mẫu xe này. 

Đến cuối tháng 3/2017, kế hoạch đã thành công. Grand i10 chính thức được lắp ráp tại Việt Nam, nhằm chủ động giá thành ở phần nội địa hóa trong nước. Xe ra mắt vào tháng 8/2017.

Triệu hồi 11.500 xe, Hyundai Grand i10 còn là 'vua doanh số' tại VN?
Doanh số của Hyundai Grand i10 so với các đối thủ cùng phân khúc hatchback hạng A trong 4 tháng qua theo số liệu của VAMA.

Phân khúc hatchback hạng A trước đây chỉ cần nhắc đến là nhớ Daewoo Matiz (Chevrolet Spark bây giờ) hay Kia Morning. Giờ đây, ông vua phân khúc là Hyundai Grand i10. Toyota Wigo đang nổi lên như một thế lực mới nhưng nhiều khả năng chưa thể vượt qua doanh số của Grand i10 một sớm một chiều.

Giá tốt, nhưng chất lượng lắp ráp có vấn đề?

Lợi thế đầu tiên của Hyundai Grand i10 là kiểu dáng đẹp. Thiết kế mới mang đến diện mạo thể thao, hài hòa hơn rất nhiều so với những "người tiền nhiệm". Bên cạnh đó là lợi thế về công nghệ. 

Một mẫu xe có giá bán 350-400 triệu đồng nhưng đầy đủ các tính năng và trang bị như đèn LED định vị ban ngày, gương chiếu hậu tích hợp đèn báo rẽ. Bên trong có màn hình giải trí cảm ứng 7 inch, ngăn chứa đồ làm mát, vô-lăng tích hợp nút bấm, nút bấm khởi động, chìa khóa thông minh, ghế da pha nỉ. Bản sedan thậm chí có cả camera lùi. 

Với những ưu điểm kể trên, dễ hiểu vì sao Hyundai Grand i10 trở thành mẫu xe bán chạy nhất phân khúc, hướng tới cả nhóm khách hàng chạy dịch vụ và khách hàng cá nhân có tài chính không quá dư dả.

Nhưng những đợt triệu hồi đang dấy lên một mối lo ngại về chất lượng của Hyundai Grand i10 tại Việt Nam sau hơn một năm lắp ráp. Ngay kể từ thời điểm bắt đầu lắp ráp hồi tháng 3, Hyundai Thành Công đã gặp lỗi lắp nhầm phanh đĩa trên trục sau của bản Grand i10 1.2 AT sản xuất từ 21/3 đến 30/3/2017.

Triệu hồi 11.500 xe, Hyundai Grand i10 còn là 'vua doanh số' tại VN? - 1
Hyundai Grand i10 liệu có còn bán chạy tại Việt Nam?

Hơn một tháng sau, hãng tiếp trục gặp lỗi có thể gẫy bu lông bắt pulley (puly) đầu trục khuỷu do siết quá lực. Lô hàng thuộc diện triệu hồi này sản xuất từ ngày 07/6/2017 đến 31/3/2018.

Đặc biệt, lỗi bu lông bắt pulley đầu trục khuỷu mới đây bị đánh giá là nghiêm trọng, khiến nhiều người nghi vấn về chất lượng lắp ráp của model này tại nhà máy của Hyundai Thành Công. 

Chuyên gia nói gì?

"Những chi tiết, bộ phận liên quan đến động cơ thường phải có quy trình sản xuất rất chặt chẽ. Một dây chuyền lắp ráp động cơ rất hiện đại, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, và để xảy ra lỗi đấy, chứng tỏ quy trình đó chưa tốt, hoặc vấn đề nằm ở thiết bị máy móc lắp ráp chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là điều rất khó để chấp nhận", kỹ sư Lê Văn Tạch nói với Zing.vn.

Lỗi về bu lông khá phổ biến ở các hãng xe trên thế giới. "Có hai trường hợp dẫn đến lỗi này là sử dụng sai bu lông và siết sai lực", Tiến sĩ Trương Hoàng Quý Phương, chuyên gia nghiên cứu và phát triển xe tương lai của BMW Đức cho biết.

Theo ông Phương, mỗi loại bu lông sẽ được tạo ra bởi một loại vật liệu khác nhau dựa trên vai trò của nó. Trước đây, Tesla đã phải triệu hồi thay thế bu lông do Bosch cung cấp vì sai vật liệu trên servo tay lái của mẫu Model S.

Trường hợp phổ biến hơn là siết sai lực. Tháng 11/2017, PSA đã đưa ra hai lệnh triệu hồi dòng xe Peugeot 208 và DS3. Lý do cho việc thu hồi là bu lông bánh xe được siết lỏng lẻo dẫn đến nguy cơ bánh xe sẽ rơi ra khi chạy. Năm 2010, BMW China cũng đã đưa ra lệnh triệu hồi gần 500.000 xe bởi lỗi bu lông trục khủy trên động cơ 6 máy.

"Mỗi loại chất liệu bu lông sẽ được quy định lực siết khác nhau trên bản thiết kế. Kỹ sư lắp ráp có trách nhiệm thông báo lực siết với công nhân. Dụng cụ siết ốc sẽ được tùy chỉnh mô-men xoắn theo thông số này. Khi đạt đúng lực siết, máy bắt bu lông sẽ tự tuôn", ông Phương nói.

Vì vậy theo ông Phương, lỗi lần này có thể do kỹ sư lắp ráp đã thông báo sai thông số lực siết mới dẫn đến hàng nghìn xe dính lỗi. "Công nhân lắp ráp sẽ không dám tùy tiện thay đổi lực siết này", ông Phương nói thêm.

Theo ông Phương, có thể kỹ sư lắp ráp dựa trên kinh nghiệm để chọn lực siết theo kích cỡ bu lông lớn nhỏ. Tuy nhiên do đây là bu lông đặc biệt với chất liệu và cấu trúc răng khác biệt nên kinh nghiệm trên không đúng.

Cục Đăng kiểm cũng phải có trách nhiệm

"Theo tôi, việc triệu hồi lần này, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thẩm định lại Huynhdai Grand I10 có đủ tiêu chuẩn để lưu thông hay không. Đồng thời giám sát việc khắc phục, sửa chữa những sai sót của Huynhdai Grand i10", luật sư Trần Minh Hùng từ Đoàn luật sư TP.HCM trả lời Zing.vn.

"Trong quá trình kiểm định, Cục đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra, xem xét tính hợp pháp của chiếc xe, sau đó mới cho lưu hành trên thị trường. Việc triệu hồi xe bị lỗi bu lông của Huynhdai Grand i10 có thể là do sai sót kỹ thuật, sai sót trong khi lập quy trình công nghệ sản xuất cho công việc lắp puly đầu trục khuỷu tại nhà máy, sau khi lưu thông thì phát hiện ra lỗi nên hãng triệu hồi để khắc phục, sửa chữa.

Trong sự việc này, trách nhiệm của Cục đăng kiểm Việt Nam là phải kiểm tra, đánh giá xem Huynhdai Grand i10 đã đủ điều kiện để lưu thông hay chưa? Có sai sót nào trong quy trình lắp ráp, sản xuất gây nguy hại cho người sử dụng hay không? Sau đó mới quyết định cho lưu thông. Tuy nhiên, khi lưu thông thì phía khách hàng (người mua xe) lại phát hiện ra lỗi, lỗi này có thể gây nguy hiểm cho khách hàng khi điều khiển xe tham gia giao thông, nhất là ôtô thường di chuyển với tốc độ cao. Mặc dù, chưa để lại hậu quả nào đáng nghiêm trọng, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có trách nhiệm trong trường này.

Về trách nhiệm cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để làm căn cứ xác định.

Nếu chứng minh được trong trường hợp gây tai nạn mà có lỗi thuộc về hãng xe thì hãng xe phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.

Trong trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng làm chết người, mà lỗi gây ra tai nạn này thuộc về hãng xe thì ngoài trách nhiệm bồi thường về dân sự, hãng xe có thể phải chịu thêm trách nhiệm về hình sự", luật sư Trần Minh Hùng cho biết thêm.

Theo Quốc Minh - Tuấn Khanh - Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)