Ôtô - Xe máy

Porsche Cayenne - SUV cho nhà giàu Việt mê tốc độ

Thế hệ thứ ba của dòng SUV Đức hoàn thiện hơn ở cả thiết kế lẫn khả năng vận hành, khẳng định chất riêng trong phân khúc.

Cayenne ra đời khi Porsche đứng bên bờ vực phá sản năm 2002. Đứa con lạ của gia đình thuần sản xuất xe thể thao gầm thấp lại mang trọng trách nặng nề - cứu chúa. Các chuyên gia thời bấy giờ cũng không tin ngựa hoang vùng Stuttgart có thể hồi sinh bằng một sản phẩm mà họ không có thế mạnh. Nhưng thị trường đã trả lời ngược lại. Cayenne đúng thời điểm, khi khách hàng cần một mẫu xe chạy hay như coupe nhưng cũng nhiều tiện ích, cao ráo.

Porsche Cayenne - SUV cho nhà giàu Việt mê tốc độ
Porsche Cayenne trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Trần Huy Thắng

Porsche rất thận trọng, dè dặt trong cách tiếp cận, bởi khách hàng của hãng rất bảo thủ. Những người giữ chiếc 911 số sàn chạy hàng chục năm hẳn không muốn thấy thương hiệu mình yêu bị pha loãng bởi một thứ gầm cao ngoại đạo. Bởi vậy, Cayenne ở thế hệ thứ 1, thứ 2 vẫn như lấy nguyên hình mẫu xe thể thao đặt lên một khung gầm khác. Đến thế hệ thứ 3, thời bùng nổ SUV, các nhà thiết kế mới phóng tay phá cách. 

Nắp ca-pô lực lưỡng hơn khi thêm các đường gân chạy dọc, lưới tản nhiệt hoà điệu với hốc hút gió tạo nên khuôn miệng rộng cá tính và cũng nâng cao hiệu suất khí động học. Ở phía sau, đặc điểm nhận dạng thay đổi lớn khi cụm đèn to bản biến mất, thay vào đó loại LED mảnh, kéo ngang liền một dải ôm dáng, định hình rõ nét trong đêm. Ngôn ngữ này cũng được áp dụng cho Panamera thế hệ mới.

Vẻ đẹp gợi cảm của Porsche ngày càng hiện đại và trẻ. Những đường cong thì vẫn căng tràn. Cách tạo hình này vẫn ở trên một bậc so với các hãng xe sang Đức. Cuộc chiến thiết kế thường nổ ra ở bộ ba Mercedes, BMW, Audi, còn Porsche thì đứng ngoài bởi ngay từ đầu đã không chạy theo những chuyển mình mang tính thời đại, vốn hướng tới một đối tượng khách hàng lớn ở châu Á, nơi gu thẩm mỹ đang thay đổi rất nhanh.

Nhưng Cayenne cũng có một cuộc cách mạng nằm ở nội thất. Bảng điều khiển trung tâm kiểu bàn phím Vertu không còn là điều nuối tiếc lớn cho tín đồ Porsche, nhưng nếu không thay đổi sẽ thụt lùi so với nhịp công nghệ, thứ ảnh hưởng lớn tới thói quen và hành vi của khách hàng trẻ. Các phím cảm ứng bố trí đều xung quanh chân cần số. Những vị trí chờ lắp option nhờ có mặt phẳng cảm ứng nên không cho cảm giác thừa thãi như trên loại phím cứng trước đây. 

Porsche Cayenne - SUV cho nhà giàu Việt mê tốc độ - 1
Nội thất thiết kế lại bảng điều khiển trung tâm. Ảnh: Quang Đức

Tài xế có gì? Đó là mặt đồng hồ tới 5 vòng tròn, hừng hực các loại thông số, một hương vị rất xe thể thao. Bên tay trái là chìa khóa xoay loại cơ - không thể thiếu nếu muốn chinh phục tín đồ tốc độ. Và một thứ rất Porsche khác, từng được cho là vướng víu nhưng luôn tồn tại - tay nắm dạng khuỷu gập. Cách bố trí kiểu này giúp người trên xe nắm vững khi chạy tốc độ cao đổi hướng hay off-road lắc lư liên tục. 

Vậy hành khách có gì? Đó là màn hình cảm ứng cỡ lớn, hệ thống giải trí âm thanh vòm của Bose, điều hòa 4 vùng độc lập hay chất liệu ghế bọc da với gói trang bị lên tới 221 triệu đồng. Màn hình chứa tất cả các thông tin từ tình trạng xe tới định vị mà để tìm hiểu hết tất cả có thể mất cả tiếng đồng hồ. 

Cảm giác thường trực khi ngồi sau xe Porsche luôn là sự háo hức, dù đã chạy qua nhiều dòng xe hãng này phân phối tại Việt Nam. Bởi lẽ, nếu chỉ tưởng tượng, bạn khó lòng hình dung những thứ cỗ máy này mang lại. Đặc biệt là núm tròn nhỏ trên vô-lăng, ngốn tới 62 triệu đồng của chủ xe nhưng mỗi lần chỉ dùng được 20 giây - thứ khiến tôi phải lấy đà tới vài lần, mới dám thử. 

Động cơ trên bản tiêu chuẩn là loại 3 lít V6 tăng áp, cho công suất 340 mã lực tại dải tua máy 5.300-6.400 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 450 Nm tại 1.340-5.300 vòng/phút. Hộp số là loại tự động Tiptronic S 8 cấp, dẫn động 4 bánh chủ động. Đây mới chỉ là những thứ nhẹ nhàng nhất mà Cayenne có.

Porsche Cayenne - SUV cho nhà giàu Việt mê tốc độ - 2
Dải đèn hậu mới để nhận diện thương hiệu. Ảnh: Trần Huy Thắng

Rón rén là chế độ thường trực của não bộ khi đưa Cayenne xuống phố đúng 5h chiều. Giờ tan tầm mà chỉ một cú nhấn ga thừa là xe chồm từ ngõ ra đường lớn, đối đầu với dòng xe máy đang cố chen, lách trước mặt. Tất nhiên lựa chọn bắt buộc trong tình huống này là chế độ lái Normal, những Sport (S), Sport Plus (S+) không dành cho nơi cảm biến khoảng cách kêu tít tít liên tục.

Trong khi cần nhiều nhịp để làm quen kiểu phản ứng tức thì của chân ga, phanh thì vô-lăng lại thân thiện tối đa. Tay lái trợ lực điện theo tốc độ khiến việc xoay chuyển trong không gian hẹp rất nhẹ, nhờ đó điều hướng cho Cayenne dễ dàng, cảm giác dễ căn ke như một mẫu xe cỡ nhỏ chứ không phải chiếc SUV cỡ trung dài 5 mét và nặng tới 2 tấn.

Triết lý của Porsche là sử dụng công nghệ để mang tới những trải nghiệm lái tự nhiên. Điều này trái ngược với Maserati, hãng xe sang Đức cũng hướng tới các yếu tố thể thao nhưng trần trụi nhất, vô-lăng nặng dù trợ lực điện, một cảm giác thuần cơ khí.

So với thế hệ trước, chiếc SUV năng động hơn nhờ sử dụng nhiều nhôm ở bộ khung, giúp xe giảm 65 kg, đồng thời mức tiết kiệm nhiên liệu cũng tối ưu hơn. Trên cao tốc, để duy trì tốc độ 100 km/h ở cấp số 8, vòng tua chỉ cần quay tới ngưỡng 1.200 vòng/phút, nhồi thêm chút ga lên 1.600 vòng/phút và mức tốc độ lên 120 km/h. 

Chuyển sang S, lập tức kim đồng hồ dựng đứng lên 2.500 vòng/phút, hộp số chuyển về số 6, tốc độ vẫn đang 120 km/h. Sang S+ còn ghì chặt hơn, lên 3.000 vòng/phút và hộp số rớt về 5. Lúc này, mọi hành vi từ chân đều khiến phần còn lại của cơ thể phải chịu đựng. Cú đạp càng sâu, thân người càng bị ném mạnh vào lưng ghế, trong khi bánh xe đã kịp bắt nhịp và quay tới tấp. 

Nhưng từng đó vẫn chỉ là khởi động. Cảm xúc mạnh nhất chỉ đến khi chiếc nút nhỏ giá 62 triệu trên vô-lăng được kích hoạt, nút Sport Response.

Porsche Cayenne - SUV cho nhà giàu Việt mê tốc độ - 3
Nút Sport Response trên vô-lăng. Ảnh: Quang Đức

Chọn đoạn đường thoáng nhất cách ly công cộng, phía trước cả km không chướng ngại vật. Hít hơi thật sâu. Chân phải lăm le nơi bàn đạp phanh. Bấm!

Bảng đồng hồ hiện lên vòng tròn đếm ngược từ 20. Kim tua máy như bị hỏng, lao vút lên mức 6.000 vòng/phút. Hộp số giật gằn về 3 khi đang ở cấp số 7. Tiếng ống xả gầm gừ vọng vào buồng lái. Cái khí thế hừng hực, không khác gì xe đua.

Tôi bỏ lỡ một giây để kịp ngấm những điều quá khác lạ. Còn 19 giây. Vào tư thế, đạp. Cả khối cơ khí đánh khực, ào ạt lao đi, cảnh vật trở thành bức tranh bị nhoè màu. Kim tốc độ đã chỉ 150 rồi 160 km/h. Vẫn còn tới 10 giây, những thứ dưới gầm vẫn đang phừng phừng như con thú vừa được thả xích. Những thứ khác thì cứng ngắc, từ chân ga, chân phanh, khung gầm. Nhưng phía trước là chướng ngại vật, đành buông chân ga, chờ cho 10 giây trôi đi trong tiếc nuối. 

Một lần dùng nút Sport Response, là một lần bạn có 20 giây trở thành tay đua bán chuyên. Nhưng 20 giây, là vẫn nhiều với đường phố Việt Nam. Nếu ở Autobahn của Đức, có lẽ cần tới 30 giây không chừng. 

Porsche Cayenne - SUV cho nhà giàu Việt mê tốc độ - 4
Cayenne có nhiều tuỳ chọn động cơ. Ảnh: Trần Huy Thắng

Bản tiêu chuẩn Cayenne giá 4,5 tỷ không có sẵn trang bị này, chủ nhân cần bỏ ra 62 triệu cho 1/3 phút trải nghiệm. Nhưng từng ấy chỉ là số nhỏ. Chiếc trong bài, có nhiều option đắt đỏ hơn nữa, như bộ nội thất bọc da hay 4 la-zăng 21 inch đều có giá hơn 200 triệu. Tổng giá trị trang bị chọn thêm, lên tới hơn 1,5 tỷ, tức tương đương 30% giá trị xe ban đầu, nâng giá xe thành 5,9 tỷ.

Người giàu không bận tâm vì những điều này.

Thứ khiến họ đắn đo là Porsche cung cấp nhiều tùy chọn động cơ mạnh hơn bản 3.0 V6, đó là 3.6 V6 hay 4.8 V8, công suất lần lượt 420 mã lực cho Cayenne S và 520 mã lực cho bản Turbo. Khao khát chinh phục của những kẻ mê tốc độ, thật khó tìm giới hạn.

Theo Đức Huy (VnExpress.net)