Kinh tế

Yếu tố chính chi phối biến động tỷ giá trong thời gian tới là gì?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp cho tỷ giá VND/USD tương đối ổn định từ đầu năm đến nay là sự “hụt hơi” của USD so với các ngoại tệ chủ chốt, từ đó làm giảm áp lực phá giá, mất giá của tiền đồng.

Nhưng có một yếu tố rất quan trọng mà nhiều người đã bỏ qua khi phân tích các yếu tố có tác động lên chiều hướng của tỷ giá trong thời gian qua và sắp tới. Đó là chuyện Fed tăng lãi suất.

Nhìn lại diễn biến của USD trong tương quan với một rổ ngoại tệ (gọi là chỉ số dollar, hay dollar index) như dưới đây sẽ rõ hơn lý do tại sao tiền đồng lại chịu áp lực mất giá mạnh suốt giữa năm 2014 cho đến cuối năm 2015.
 

 

Về khái niệm, dollar index là một chỉ số phản ánh giá trị tương đối của USD so với một rổ ngoại tệ là các đồng bản tệ của các nước đối tác thương mại của Mỹ. Rổ ngoại tệ này gồm euro, yen, bảng Anh, dollar Canada, krona Thụy Điển, và franc Thụy Sĩ. Nếu chỉ số này đi lên có nghĩa là USD có giá hơn (tăng giá) so với các ngoại tệ này.

Trở lại với đồ thị về chỉ số dollar giao ngay ở trên cho thấy USD bắt đầu “ngóc đầu” tăng giá mạnh một mạch kể từ tháng 7 năm 2014, đạt đỉnh điểm của 11 năm vào tháng 3 năm 2015, được hậu thuẫn chủ yếu bởi nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng khả quan hơn phần lớn các nước và khu vực kinh tế chủ chốt khác, cũng như lãi suất ở Mỹ cũng cao hơn tương đối so với ở các nước phát triển khác.

Sau đó, USD lại có bước nhảy vọt về giá trị so với các ngoại tệ khác trong quý 4 năm 2015 khi Fed rục rịch chuẩn bị tăng lãi suất ở Mỹ và cuối cùng là quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào giữa tháng 12/2015 sau gần 1 thập kỷ không tăng lãi suất.

Không hề ngẫu nhiên, trong cùng thời gian biến động mạnh về giá trị của USD so với các ngoại tệ chủ chốt trên thế giới, tiền đồng cũng chao đảo mạnh theo hướng mất giá so với USD, như được thể hiện trong biểu đồ tỷ giá VND/USD dưới đây.
 

 

Theo đồ thị trên, VND cũng mất giá mạnh và liên tục so với USD bắt đầu kể từ gần giữa năm 2014 trước khi tìm được điểm tạm ngừng rơi vào đầu năm 2016. Sau đó, tiền đồng đạt được sự ổn định tương đối so với USD cho đến hiện nay. Nhưng điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi đối chiếu với đồ thị về chỉ số dollar ở trên, theo đó USD cũng có xu hướng suy yếu dần so với các ngoại tệ khác kể từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 12/2015 và chạm đáy vào tháng 5 năm nay. Và tuy USD có “gượng dậy” đôi phần kể từ sau tháng 5 cho đến hiện tại thì nó vẫn đứng ở mức thấp so với trước đây.

Như thế, có thể nói rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp cho tỷ giá VND/USD tương đối ổn định từ đầu năm đến nay là sự “hụt hơi” của USD so với các ngoại tệ chủ chốt, từ đó làm giảm áp lực phá giá, mất giá của tiền đồng.

Về mối liên hệ giữa việc suy yếu của USD so với các ngoại tệ khác và sự ổn định tương đối của tỷ giá, có thể giải thích như sau. Do VND có xu hướng được neo vào USD (biến động trong phạm vi hẹp, kể cả sau khi NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm), nên khi USD mất giá so với các ngoại tệ khác thì VND cũng bị suy yếu tương ứng. Do VND suy yếu so với các ngoại tệ khác nên không bị áp lực phải phá giá VND để thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ thị trường trong nước trước hàng nhập khẩu, trái ngược với bối cảnh khi USD lên giá và VND cũng lên giá “ăn theo” so với các đồng bản tệ khác, làm suy yếu tính cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam.

Từ phân tích trên, điều rút ra là diễn biến của tỷ giá VND/USD từ nay đến hết năm và sang năm sau nữa là như thế nào thì sẽ phụ thuộc nhiều vào động thái với lãi suất ở Mỹ của Fed. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất ngay trong tháng này, quý này thì chắc chắn tỷ giá VND sẽ không còn được ổn định như hiện giờ, bất chấp những yếu tố tích cực mà nhiều người đã liệt kê như ở phần đầu bài đã nêu. Có chăng, những yếu tố tích cực đó chỉ giúp làm giảm phần nào cơn sốc lên tỷ giá VND/USD từ việc Fed quyết định tăng lãi suất ở Mỹ mà thôi!
 

Theo TS Phan Minh Ngọc (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)