Kinh tế

“Xương sống” của nền kinh tế cần liều “doping” vốn

Ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dù là “xương sống” của nền kinh tế nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh như tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…

Ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dù là “xương sống” của nền kinh tế nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh như tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…

Được sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), mới đây, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tổ chức hội thảo về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ về dự thảo luật cho các đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các cơ quan báo chí truyền thông.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh, ở các quốc gia, DNNVV chiếm tỷ lệ cao trong tổng số DN, được xác định là động lực tăng trưởng, “xương sống” của nền kinh tế. Ở Việt Nam, DNNVV chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP, nhưng DNNVV vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh như tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…

“xuong song” cua nen kinh te can lieu “doping” von hinh anh 1
Nhiều DNNVV đầu tư mạnh vào nghiên cứu khoa học (kiểm tra chất lượng tại DN tư nhân Thủy sản Đắc Lộc).  Ảnh: Ngọc Thọ

Do vậy, Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV. Đồng thời, tạo ra khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.

Sau hơn 2 năm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và làm việc dưới sự hỗ trợ của USAID, đến nay, dự thảo luật đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua, sẽ đưa ra thảo luận, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

“Bộ Kế hoạch Đầu tư mong nhận được ý kiến phản hồi của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự thảo luật. Bởi, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu và giúp khu vực DNNVV phát huy tốt nhất vai trò của mình trong nền kinh tế” - ông Đặng Huy Đông nói.

Cần có chính sách đột phá

Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng nhận định, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho DN với các nhóm công việc chủ yếu như: duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, tạo khung khổ pháp lý với quy trình, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho DN…

Tuy nhiên, giữa chính sách và thực thi, giữa chủ trương của Chính phủ và kỳ vọng của DN vẫn còn khoảng cách. Chất lượng kinh doanh của DNNVV chưa được cải thiện, quy mô DN còn hạn chế.

Mặc dù một số chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV (NĐ56), nhưng những quy định này mới chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, hiệu lực thực thi của NĐ56 chưa cao, dẫn đến việc hỗ trợ DNNVV chưa hiệu quả.

Để có những chính sách tạo đột phá cho DNVVN, theo đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, dự thảo luật đã thu hẹp đối tượng hỗ trợ nhằm tập trung nguồn lực ưu tiên cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến; DN được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, dự thảo luật thiết kế 2 phần nội dung quan trọng, nội dung hỗ trợ cơ bản và chương trình hỗ trợ trọng tâm. Trong nội dung hỗ trợ cơ bản, Nhà nước không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV, mà thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, DN trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Đối với chương trình hỗ trợ trọng tâm, cơ quan soạn thảo dự thảo luật cho biết, sẽ có 3 chương trình hỗ trợ, gồm: Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành. Ngoài ra, các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện ngân sách trong từng thời kỳ.

Theo Phi Long (Dân Việt)