Kinh tế

'Xuất khẩu nông sản quá nhiều vào một thị trường sẽ còn bị ép giá'

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực, nông sản Việt có nhiều cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một như hiện nay.

Có hơn 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu và tham vấn cho nhiều doanh nghiệp hoa quả, nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà Thực cho rằng Việt Nam cần nhìn lại, đánh giá khách quan xem đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

'Xuất khẩu nông sản quá nhiều vào một thị trường sẽ còn bị ép giá'
Chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực. Ảnh: NVCC

- Phái đoàn EC vừa sang Việt Nam xem xét về "thẻ vàng" thủy sản. Bà đánh giá gì về động thái này?

- Quan điểm của tôi là "nhập gia tùy tục", chúng ta cần phải tuân thủ những quy định của đối tác khi ta muốn vào thị trường họ. Xã hội càng phát triển, con người càng văn minh thì việc tôn trọng và bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, không tận diệt là chuyện tất yếu.

Có rất nhiều động thái cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Tổng cục thủy sản. Tuy nhiên có lẽ các điều kiện về đầu tư trang thiết bị, trình độ của ngư dân còn nhiều khả năng chưa đáp ứng được yêu cầu minh bạch về nguồn gốc thủy sản.

- Đây không phải là lần đầu tiên nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị "tuýt còi". Theo bà, vấn đề mấu chốt của bài toán xuất khẩu này là gì?

- Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là chuỗi cung ứng của chúng ta quá yếu và rời rạc. Mạnh ai nấy làm và ai cũng muốn làm "ông chủ". Vì thế ai cũng nghĩ đến lợi ích của mình trước khi nghĩ đến lợi ích của cả chuỗi. Hậu quả là ai cũng "giữ miếng" của mình, không chia sẻ thông tin, không cùng nhau tính toán để tiết giảm chi phí hoặc hỗ trợ thông tin để tránh rủi ro.

Tôi luôn tâm đắc câu "đắt hàng tôi mới trôi hàng bà". Khi mua hàng tôi luôn cố gắng hiểu người bán cho mình họ có lợi không? Họ có thể bán cho mình giá cao hơn hay thấp hơn ? Đến mức nào thì họ còn làm được? Chi phí cơ hội của họ là gì? Người mua hàng của tôi, họ mua hàng về làm gì ? Nếu không thể mua của mình họ có thể mua từ ai và ở đâu - liệu đó có phải đối thủ của mình?...

Thực tế, chúng ta chưa có thói quen làm việc có kế hoạch, và đặc biệt là kế hoạch theo chuỗi cung ứng. Vì thế hay xảy ra tình trạng mất cân bằng cung - cầu. Khi làm kế hoạch thì sẽ tính được mức độ rủi ro, đối thủ cạnh tranh, sản phẩm thay thế... và có những thời điểm, thời vụ chơi còn lãi hơn làm.

Một vấn đề tất yếu khi nông nghiệp Việt Nam muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là minh bạch. Việc truy xuất nguồn gốc đến tận nơi sản xuất, càng đầy đủ thì sức thuyết phục càng cao. Hiện các sản phẩm của Việt Nam thường chỉ truy xuất đến nhà cung cấp. Một công ty/ hợp tác xã/cơ sở chế biến, họ có thể sản xuất hoặc thu mua hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau, giống, quy trình... khác nhau, khó có thể khiến người tiêu dùng thông thái hài lòng.

Việc cung ứng giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang như "ma trận", khiến thị trường rối thêm. Chúng ta đi sau các nước phát triển, nhưng chúng ta có nhiều cơ hội để ứng dụng ngay những giải pháp tiên tiến nhất, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính nhất.

- Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất rau quả của Việt Nam chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm, bỏ xa Mỹ (2,84%) và Nhật Bản (2,7%). Tại sao lại có sự chênh lệch này?

- Thứ nhất, là vì nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc quá lớn với hơn 1,4 tỷ dân; ngoài ra còn nhu cầu chế biến để xuất khẩu. Họ mua sản phẩm thô và chế biến ra các cấp độ, thiết bị công nghệ đa dạng, giá rẻ nên có nhiều ưu thế cạnh tranh.

Thứ hai, giao thông vận chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc nhanh, thuận tiện hơn so với các thị trường Mỹ, Nhật Bản. Trung Quốc có rất nhiều chính sách ưu đãi kịp thời cho sản xuất chế biến nông sản phẩm. Văn hóa, ngôn ngữ giao thương nhiều đời tạo ra một lực lượng lao động và thương lái ở tầng trung gian khá phong phú và hiểu nhau để tạo thành chuỗi cung ứng nhanh, mạnh.

- Việc tập trung vào một thị trường xuất khẩu gây ra rủi ro gì cho nông sản Việt Nam?

- Việc tập trung vào một thị trường xuất khẩu quá lớn đương nhiên cũng có nhiều rủi ro. Khi chính sách, quan hệ thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất của chúng ta. Đặc biệt khi Việt Nam chủ yếu xuất thô giá trị gia tăng không cao, rủi ro lớn, tỷ lệ sản phẩm hư hao, kém chất lượng phát sinh trong quá trình lưu thông cao nên dễ bị ép giá.

'Xuất khẩu nông sản quá nhiều vào một thị trường sẽ còn bị ép giá' - 1
Vải thiều tại khu vực chiếu xạ trước khi dán nhãn niêm phong, chuyển tới kho lạnh chờ xuất khẩu sang Australia. Ảnh: Ngọc Thành

Việt Nam xuất quá nhiều vào một thị trường được cho là dễ tính thì nguy cơ lớn bị ép khi họ không còn "dễ tính". Nhưng nguy hiểm nhất là chúng ta không chịu thay đổi để nâng cao trình độ, nâng cao giá trị sản phẩm vì "thượng vàng hạ cám" đều bán được.

Tập trung vào bán thô và thị trường dễ tính có lẽ là nguyên nhân chính khiến chúng ta tụt hậu trong ngành nông sản. Một điều lạ là Việt Nam xuất khẩu tới 77% vào thị trường Trung Quốc, nhưng chủ yếu đợi họ đến mua. Vì thế, chúng ta không có cơ hội tiếp cận nhanh những nhu cầu mới của họ; không nắm được họ mua sản phẩm về làm gì. Và họ có thể thay thế sản phẩm của chúng ta bằng sản phẩm nào... Nói chung Việt Nam còn yếu trong kỹ năng liên kết chuỗi .

- Theo bà, Việt Nam phù hợp với đa dạng thị trường hay một vài thị trường ưu tiên?

- Theo tôi, Việt Nam có nhiều cơ hội để đa dạng thị trường. Vì điều kiện vị trí địa lý, đa dạng khí hậu thổ nhưỡng, ổn định chính trị, có nhiều nguồn gen bản địa, đặc sản quý hiếm .. là những thứ mà nhiều nơi mơ ước. Đặc biệt khả năng triển khai theo phương pháp luân canh cây trồng vật nuôi tạo dinh dưỡng hồi quy cho đất là chi phí rẻ nhất để có nền sản xuất hữu cơ lý tưởng. Hiện nhu cầu của người có thu nhập cao trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung ngày càng hướng tới sản phẩm hữu cơ, tự nhiên không biến đổi gen...

Đa dạng thị trường vừa là xu hướng tất yếu, vừa là điều kiện để chúng ta tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, vừa là cơ hội để tìm kiếm những thị trường tiêu thụ mới cũng như nguồn cung mới cho nhu cầu tiêu dùng và chế biến trong nước. Đa dạng thị trường có tính hai chiều chứ không đơn thuần là chỉ đi bán hàng.

- Làm thế nào để Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thời gian tới?

- Chúng ta cần nhìn lại mình, đánh giá một cách khách quan xem chúng ta đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế mạnh khác biệt của chúng ta là gì? Nếu cần đầu tư công nghệ cao hàng triệu USD trên một héc ta chúng ta có khả năng cạnh tranh hay không? Cần có lộ trình từng bước ứng dụng công nghệ phù hợp để người lao động cũng như cán bộ quản lý hiểu và thay đổi thói quen.

Bên cạnh đó, cần có một định hướng rõ ràng, xác định thị trường mục tiêu, sản phẩm chủ lực trong từng giai đoạn. Trên cơ sở đó sẽ có thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực cho từng khu vực ngành hàng, trong lúc ngân sách còn eo hẹp không nên đầu tư tràn lan, manh mún.

Ví dụ giai đoạn hiện nay Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số một, chúng ta cần tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng tính thời vụ để có cái nhìn tổng quan và kế hoạch sản xuất trong nước để tránh bị "dội chợ". Kể cả trùng vụ thì sản phẩm của họ vẫn cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam. Như vải thiều, dưa hấu, thanh long thị trường chính vẫn là Trung Quốc, nhưng diện tích và sản lượng của họ lớn hơn chúng ta rất nhiều, chúng ta chỉ xuất được giá khi lệch vụ với họ.

Nhà nước nên hỗ trợ xúc tiến thương mại ở các thị trường mục tiêu và đưa doanh nghiệp vào cuộc, vì doanh nghiệp mới có khả năng nắm bắt nhanh nhạy và kết nối trực tiếp với thị trường. Cần có những đầu tư tại chỗ để quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm đa dạng khách hàng, tránh để tình trạng bị thâu tóm.

Chúng ta nên chú trọng sơ chế bảo quản, chế biến đa dạng sản phẩm. Hiện Việt Nam xuất tươi với tỷ trọng quá lớn, chỉ nên không quá 40% sản lượng, chỉ bán tươi những sản phẩm loại một để có giá trị cao, có thương hiệu tốt. Nông sản tươi cần chế độ vận chuyển bảo quản khá kỹ lưỡng nên cần nghiên cứu các phương pháp công nghệ phù hợp để sơ chế bảo quản chế biến đa dạng sản phẩm. Nếu không chúng ta sẽ khó có thể xuất khẩu đi các nước xa và thị trường khó tính.

Một khu vực rất quan trọng để giới thiệu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường đó là khu vực du lịch . Khách du lịch thường tìm kiếm các sản vật của nơi đến để thưởng thức và khám phá. Nhưng các khu vực đó hình ảnh các sản phẩm Việt Nam chưa được coi trọng về chất lượng, mẫu mã, cũng như sự hiểu biết của người bán hàng. Vì thế, kết hợp du lịch nông nghiệp là việc cần sớm được quan tâm, đầu tư cho những vùng hàng hóa trọng điểm.

Nhà nước cần có chế tài và lộ trình sớm đưa thành luật với cả các hộ nông dân,doanh nghiệp nông nghiệp trong việc sử dụng các hóa chất độc hại. Một cảnh báo cấp độ cao cho môi trường đất và nước ở những vùng chuyên canh trồng cây ăn trái, rau, hoa cây cảnh và đồng bào vùng cao lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng; tránh việc bị "rút thẻ" như ngành thủy sản vừa qua.

Theo Thanh Thư (VnExpress.net)