Kinh tế

Xoay đủ cách chống quá tải ATM

ATM thường xuyên hết tiền, công nhân phải xếp hàng dài để rút, hệ thống lỗi mạng trục trặc nuốt thẻ, không thực hiện giao dịch...

ATM thường xuyên hết tiền, công nhân phải xếp hàng dài để rút, hệ thống lỗi mạng trục trặc nuốt thẻ, không thực hiện giao dịch... Đó là bệnh “kinh niên” mỗi dịp Tết đến xuân về với hệ thống ATM tại các khu công nghiệp. Tết năm nay ngân hàng sẽ “xoay xở” thế nào để hạn chế phiền nhiễu ATM mang lại?

 ATM phục vụ công nhân rút tiền tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Như Ý.

 
Quá tải vì đổ lương hàng trăm tỷ

Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long - Đông Anh (Hà Nội) vào lúc gần 12 giờ trưa. Ngay ngoài đầu cổng, một dãy khoảng 8 cây ATM của các ngân hàng khác nhau hiện diện. “Hôm nay không phải ngày trả lương nên giờ này các cây ATM vắng hoe. Còn vào ngày mùng 10 và 30 hằng tháng, cứ tan tầm 11h 30 phút là công nhân ào ào ra rút tiền. Có ngày trong khu công nghiệp ngân hàng tiếp quỹ tổng cộng 8 lần. Chúng tôi phải rất cố gắng vì cả phòng chỉ có 7 người” - bà Trần Thị Phương Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch Agribank Kim Chung, (Khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội) cho biết.

KCN Bắc Thăng Long có khoảng 63.000 công nhân Việt Nam đang lao động tại đây và 430 người nước ngoài của 96 công ty (trong đó 91 doanh nghiệp của Nhật, 3 doanh nghiệp Đài Loan, còn lại là của châu Âu và Hàn Quốc). Theo bà Thanh, tại đây, riêng Agribank trả lương cho hơn 20 doanh nghiệp với khoảng 55.000 công nhân,  (Cty Canon lớn nhất, mỗi lần chi trả lên tới 40 - 50 tỷ đồng). Với 4 máy ATM, đại diện ngân hàng thừa nhận chưa thể đáp ứng được hết 55.000 thẻ đang hoạt động.

Thống kê cho thấy, hiện các KCN tại Bắc Ninh có khoảng 174.000 lao động với 66 ATM đang hoạt động. Đại diện NHNN chi nhánh Bắc Ninh cho biết: Tại những thời điểm cao điểm, NHNN luôn yêu cầu các ngân hàng phải thường xuyên tiếp quỹ, tăng cường vào những ngày đổ lương. “Một số doanh nghiệp lớn như Sam Sung, mỗi tháng, ngân hàng đổ lương khoảng 400 tỷ đồng vào 2 kỳ. Chúng tôi khuyến khích người sử dụng thẻ có thể rút tiền ở 198 cây ATM trên toàn địa bàn, ở các khu vực sinh sống, ùn ứ không xảy ra”, ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc NHNN Chi nhánh Bắc Ninh cho hay.

Ông Hà Xuân Nam, Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh KCN Quế Võ thì  kể: Lúc cao điểm về nhu cầu rút tiền mặt của công nhân, có những ngày Vietinbank tiếp quỹ 3 lần mỗi ATM, nạp hơn 1,2 tỷ đồng/lần. Trong 5 ngày, chúng tôi nạp hơn 40 tỷ đồng vào ATM để đảm bảo giao dịch rút tiền được thông suốt. Nói về các sự cố ATM, đại diện một ngân hàng tại KCN bức xúc khi một vài công nhân sử dụng máy với ý thức chưa cao, nhét kẹo cao su vào máy ATM và dứt dây điện, khiến ATM hỏng rất nặng, thời gian xử lý sự cố kéo dài.

Chống quá tải, cách nào?

Hầu hết công nhân khi được hỏi đều phản ứng rất gay gắt về việc thu phí giao dịch thẻ. Bởi khi bắt đầu triển khai việc thu phí, các ngân hàng đều cam kết sẽ gia tăng chất lượng dịch vụ. Nhưng thực trạng đầu tư, duy trì và tiếp quỹ cho cây ATM vẫn không có gì thay đổi, tình trạng khan hiếm cây ATM, báo lỗi rút tiền vẫn thường xuyên diễn ra. ATM hết tiền, trục trặc, rồi công nhân phải xếp hàng chờ đợi cả vài tiếng đồng hồ, tình cảnh bệnh “kinh niên” này năm nay có “phát”?  Đại diện các ngân hàng tại KCN Bắc Thăng Long, KCN ở Bắc Ninh, Hưng Yên khi được hỏi đều cho hay, sẽ cố gắng hạn chế sự cố.

Chuẩn bị cho dịp Tết, ngân hàng sẽ làm gì? Theo một đại diện Trung tâm thẻ Vietcombank, năm ngoái, ngoài tăng cường tiếp quỹ ATM, Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh còn tổ chức bàn trả tiền mặt ngay tại khu công nghiệp cho công nhân của SamSung. “Chúng tôi đã phối hợp với bộ phận làm lương của doanh nghiệp; chuẩn bị đủ tiền trước trong máy; chỉ cần doanh nghiệp có tiền và chuyển khoản  là lập tức rút được ngay; làm vậy để tránh tắc nghẽn như tắc giao thông”- đại diện Trung tâm thẻ Vietcombank nói. 
 
“Nếu ngày đổ lương rơi vào thứ 5, thứ 6 gần cuối tuần, chúng tôi thương thảo với các công ty là cho công nhân lĩnh tiền mặt và sẽ đảm bảo lượng tiền. Phía công ty cam kết chở công nhân từ trong công ty ra để lĩnh tiền mặt tại quầy giao dịch theo từng giờ, vì trong công ty, họ làm việc theo ca, theo giờ. Một cách nữa là chúng tôi xếp lương bằng tiền mặt vào phong bì để chuyển trả vào bộ phận hành chính trong công ty để họ thực hiện trả xuống các phân xưởng cho công nhân”- bà Thu Oanh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Agribank Kim Chung (Đông Anh) thông báo.
 
 Công nhân chờ rút tiền từ các máy ATM trong Khu công nghiệp Tân Bình, chiều 5/2.
Ảnh: N.D.
 
TPHCM, ATM 5 ngày nữa mới quá tải

Khảo sát của phóng viên hôm 5/2 cho thấy, các máy ATM đặt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TPHCM vẫn chưa hoạt động hết công suất do chưa đến kỳ lương của công nhân.

Chiều 5/2, anh Nguyễn Văn Minh, công nhân KCN vẫn vội vã chạy đến các máy ATM trong khu này để rút tiền sau giờ tan ca vì sợ kẹt cứng, nhưng các ATM vẫn trống trải. Anh Minh cho biết, mấy năm trước, vào thời điểm này, sau giờ tan ca, các ATM đều ken cứng người. Nhưng nay vẫn chưa thấy quá tải.

Chị Lê Thị Nga, công nhân may ở KCN Tân Bình, cũng chạy ra ATM rút tiền nhưng các ATM vẫn không quá tải. Chị Nga cho biết, sợ đến cận Tết, các máy ATM quá tải nên tranh thủ rút tiền sớm. “Vài hôm nữa có lương lại phải đợi chờ vì máy ATM trong khu vực này sẽ kẹt cứng như năm trước thôi”- chị Nga nói.  Dù sau giờ tan ca, các công nhân vào ra các máy ATM trong khu công nghiệp nhiều, nhưng nhiều máy ATM vẫn còn trống.

Gần 20 máy ATM đặt trong Khu chế xuất Tân Thuận, (quận 7) chưa xảy ra ùn ứ. Anh Long, bảo vệ hệ thống máy ATM tại đây cho biết, khoảng 5-7 ngày nữa, nơi đây ken cứng người, vì đến thời điểm công ty trả lương cho công nhân. “Năm ngoái có một số máy do quá tải bị hết tiền, có máy bị hỏng”- anh Long cho hay.

Trao đổi với PV, ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng Dịch vụ thẻ ATM của Vietcombank TPHCM cho biết, đến thời điểm này chưa có máy ATM hết tiền và khẳng định khi phát hiện trong các máy ATM còn từ 300 đến 400 triệu, phía ngân hàng sẽ tiếp tiền lập tức để tránh tình trạng máy hết tiền trong dịp công nhân rút lương thưởng Tết.
 
>> Nghỉ lễ, lo chống “cháy” tiền ATM

Theo Khánh Huyền - N.Dũng - Lê Nguyễn (Tiền Phong)