Kinh tế

Xin hoãn thanh tra nhà máy đạm 12.000 tỷ “sống dở chết dở” vì sếp ốm

Kế hoạch ban đầu, Thanh tra Bộ Công Thương sẽ làm việc với đại diện Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vào ngày 18 và 21/10. 

Kế hoạch ban đầu, Thanh tra Bộ Công Thương sẽ làm việc với đại diện Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vào ngày 18 và 21/10. 
 
Xin hoãn thanh tra nhà máy đạm 12.000 tỷ “sống dở chết dở” vì sếp ốm
 
Theo kế hoạch thanh tra của Bộ Công Thương, Thanh tra Bộ Công Thương sẽ tổ chức 2 buổi làm việc bao gồm làm việc với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Ban quản lý dự án nhà máy Đạm Ninh Bình vào ngày 18/10. 

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Công Thương cũng làm việc với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vào ngày 21/10. 

Được biết, ngày 14/10 Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cũng nhận được công văn số 413/TTB-P3 của Thanh tra Bộ Công Thương về việc thông báo kế hoạch làm việc liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. 

Tuy nhiên, theo Vinachem, vì lý do, ông Chu Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Giám đốc Ban quản lý dự án, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang điều trị tại viện, dự kiến đến hết ngày 21/10 mới ra viện nên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã đề nghị Thanh tra Bộ Công Thương tổ chức 2 buổi làm việc nói trên vào thời gian từ 24-29/10. 

Từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng 2.700 tỷ đồng, nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. Nhà máy Đạm Ninh Bình tại khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình) với tổng mức đầu tư 667 triệu USD, tương đương khoảng 12.000 tỷ đồng.

Với tổng mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng, trong văn bản gửi các bộ ngành nêu thực trạng nhà máy, lãnh đạo Vinachem từng cho biết, nguyên nhân do chi phí sản xuất quá cao, giá urê trên thị trường liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy Đạm Ninh Bình rất khó khăn.

Vị lãnh đạo này cũng gián tiếp chỉ ra, lý do khiến chi phí sản xuất cao là do dây chuyền, máy móc thiết bị của nhà máy chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với “chất lượng ở mức trung bình, thường xảy ra sự cố”.

Đồng thời, việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao.

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)