Kinh tế

Xếp hàng mua bánh Trung thu tại Hà Nội: Có cả xếp hàng thuê lấy tiền!

Còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết Trung thu nhưng tại một số cửa hàng bánh Trung thu gia truyền đã xuất hiện cảnh nhiều người rồng rắn xếp hàng mua bánh. Bên cạnh những người mua thực sự, có cả người xếp hàng thuê lấy tiền.

Còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết Trung thu nhưng tại một số cửa hàng bánh Trung thu gia truyền đã xuất hiện cảnh nhiều người rồng rắn xếp hàng mua bánh. Bên cạnh những người mua thực sự, có cả người xếp hàng thuê lấy tiền.

Từng đoàn người đua nhau xếp hàng mua bánh Trung thu truyền thống. Ảnh: Thu Trang

70.000 - 100.000 đồng/lần xếp hàng

Nhờ lượng người đổ về các cửa hàng bánh trung thu truyền thống xếp hàng ngày càng đông nên các dịch vụ ăn theo như: Trông xe, trà đá vỉa hè và sự xuất hiện một kiểu kinh doanh khá độc, đó là xếp hàng thuê để mua bánh. Từ sáng sớm ngày 15/9, tại các cửa hàng bánh như Bảo Phương (183 Thụy Khuê), Bà Dần (52 Hàng Bè), Gia Trịnh (16 Lý Nam Đế)... những vị trí đẹp ở đây đã có người đến “xí chỗ”.

Muốn thưởng thức hương vị của các loại bánh này, người mua buộc phải xếp hàng chờ đến lượt mua bánh. Nếu những ngày bình thường, chỉ phải xếp hàng khoảng 30 phút thì vào những ngày cao điểm như: ngày nghỉ, đầu tháng hoặc sát Rằm thì người mua có thể phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ. Cho nên muốn nhanh, cách duy nhất là thuê người xếp hàng mua hộ, sau đó chỉ việc đến lấy bánh.

Muốn nhờ người xếp hàng thuê, khách mua bánh phải chịu trả giá không hề rẻ, dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/1 lần, tùy từng thời điểm, nhưng thực tế vẫn nhiều người sử dụng dịch vụ này. Nắm được tâm lý thích “đi tắt đón đầu” của người mua bánh, một số người dân là láng giềng của các cửa hàng bánh này đã nhận làm dịch vụ xếp hàng, tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Dịch vụ xếp hàng khá nhàn hạ, thu nhập thì cũng tương đối mà lại không đòi hỏi bất cứ điều gì ngoài thời gian. Vì lẽ đó, hầu hết những người làm nghề này đều khá rảnh rỗi.

Bà Liên (Hàng Bè, Hà Nội) chia sẻ, do nhiều người không có thời gian xếp hàng nên vào những dịp này, bà lại tranh thủ đi xếp hàng thuê. “Bình thường không có mấy người thuê nhưng dịp  này gần đến Tết Trung thu rồi “đắt” người thuê lắm. Trung bình mỗi ngày cũng có 4 -5 người thuê tôi xếp hàng, có ngày tới 7 người. Tôi nhiều tuổi ít người thuê hơn, còn người trẻ hơn nhiều người thuê lắm, có ngày hàng chục khách thuê”.

Chúng tôi tiếp tục dạo quanh những con phố có các thương hiệu bánh Trung thu truyền thống như Thụy Khuê, Trường Chinh, Lý Nam Đế… nơi nào cũng bắt gặp cảnh đông người xếp hàng chờ mua bánh. Trong vai khách hàng ít thời gian, chúng tôi lập tức được giới thiệu cho người xếp hàng thuê.

“Gần quầy bánh Trung thu có anh Cường đầu trọc đang đứng kia kìa, anh ta chuyên mua hộ đấy, cô ra hỏi thử xem. Sắp Trung thu rồi, chắc giá cũng nhích hơn trước, có gì cứ thử mặc cả xem sao” – một người bán nước trên phố Thụy Khuê chỉ dẫn.

Xếp hàng mua bánh thật hay chỉ là chiêu PR?

Hòa vào dòng người đông đúc, xếp hàng kéo dài trước cửa hàng bánh Trung thu Bảo Phương, chúng tôi vô tình đụng phải một người đi xếp hàng thuê. Sau khi lân la hỏi chuyện, tôi được biết bà là người sống ở khu phố này, vẫn đi mua hộ bánh cho khách. Chúng tôi thắc mắc: “Bác là hàng xóm cần gì phải xếp hàng cho khổ, lúc hết khách sang bảo họ bán cho mấy hộp là xong. Lợi thế là láng giềng ai lại làm khó nhau?”. Im lặng trong giây lát, có một chút lúng túng, bà chống chế: “Người ta xếp hàng cả, ai lại làm thế”.

Mặt khác, nếu phân tích theo khía cạnh marketing, những cửa hàng trên không có gì đặc biệt từ khuôn viên bên trong cũng như cách bài trí bên ngoài. Hay nói cách khác về mặt mỹ quan vẫn còn nhiều hạn chế.

Về sản phẩm thì không hề có tính cạnh tranh kể cả mẫu mã lẫn giá cả so với các hãng bánh khác. Về chất lượng, cơ sở chỉ cam kết: “Không sử dụng chất bảo quản”, đồng thời khuyến cáo thêm: “Sử dụng tốt nhất 7 ngày cho bánh dẻo và 15 ngày cho bánh nướng”. Tất cả những thông tin trên được in trên một tờ giấy A4, dán cẩu thả trước cửa hàng. Lại nói về dịch vụ thì càng chẳng ai trông mong được phục vụ tốt khi đến đây bởi đập ngay vào mắt người mua là cảnh người xe lẫn lộn, chen chúc xếp hàng.

“Vị thì hơi ngọt, so với các loại bánh khác cũng chẳng có gì đặc biệt, với mức giá dao động từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng/chiếc và 160.000 đồng đến 320.000đồng/hộp thì cũng không hề rẻ nhưng tôi thấy đông người mua lên cũng tò mò mua về ăn thử xem sao” – anh Huy, người từng thưởng thức loại bánh này cho hay.

Một số người dân trong phố Thụy Khuê cho biết họ cũng ít ăn bánh của Bảo Phương, “có mua cũng chỉ đem biếu vì nó hơi ngọt mà lại đắt nữa” – một người dân (đề nghị giấu tên) ở gần quầy bánh Bảo Phương bộc bạch. Nhưng dòng người xếp hàng mua bánh Bảo Phương vẫn tiếp tục kéo dài qua các mùa Trung Thu.

Liệu có chuyện thuê người xếp hàng để tạo nên tâm lý đám đông, thu hút sự chú ý của truyền thông, tạo sự tò mò cho người tiêu dùng? “Mọi chuyện liệu có đơn giản như thế không? Hay nó còn liên quan sát sườn tới những chiến lược và các chiêu thức kinh doanh nhất định thì sao?” – Ths Tâm lý Thái Phác Ngô Toàn hoài nghi. Đây có vẻ như cũng là một nghi vấn có cơ sở.

Cơ sở bánh Trung thu Bảo Phương phủ nhận nghi vấn thuê người xếp hàng để PR

Cứ vào dịp Trung thu, đặc biệt từ mồng 5 đến mồng 10/8 âm lịch, do lượng người mua hàng kéo đến Bảo Phương quá đông nên họ “tự giác xếp hàng” để đảm bảo trật tự cũng như để việc mua bán diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn. Trước giờ, Bảo Phương “chưa hề dùng bất cứ chiêu thức gì để quảng cáo hoặc có ý định thuê người xếp hàng PR cho thương hiệu”, đại diện cơ sở bánh này cho hay.

Theo Thu Trang (Gia Đình & Xã Hội)