Kinh tế

Xáo trộn trên bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng năm 2018

VietinBank rời khỏi Top 5 lãi cao nhất hệ thống và Top 3 lần đầu có tên một nhà băng tư nhân.

Lợi nhuận dù không phản ánh toàn diện hiệu quả hoạt động của một ngân hàng, nhưng vẫn được xem là một chỉ báo để phân định thứ hạng. Và năm 2018, lần đầu trong nhiều năm qua, bảng xếp hạng này đã có sự xáo trộn lớn. 

Xáo trộn trên bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng năm 2018
Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú

Bất ngờ lớn nhất là VietinBank rời khỏi nhóm 5 nhà băng có lợi nhuận cao nhất. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt hơn 6.800 tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch điều chỉnh nhưng giảm mạnh so với kết quả 9.200 tỷ năm 2017. 

Phương án tăng vốn chưa được phê duyệt, trong khi phải thực hiện bước đầu kế hoạch tái cơ cấu khiến VietinBank thu hẹp hoạt động trong quý cuối năm. Giảm dư nợ cho vay, tăng trích lập dự phòng là nguyên nhân chính tạo nên biến động về lợi nhuận của một trong những nhà băng lớn nhất hệ thống.

Trong khi ngôi đầu vẫn thuộc về Vietcombank với lợi nhuận trước thuế hơn 18.000 tỷ đồng, vị trí thứ hai lần đầu có sự xuất hiện của một ngân hàng tư nhân. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được dự báo sẽ cán mốc 10.000 tỷ đồng và cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên đạt được con số này.

Techcombank đi theo mô hình đặc thù, hoạt động lõi xoay quanh mối quan hệ với các đối tác lớn như Vingroup, Masan hay Vietnam Airlines. Ngân hàng này  chọn lọc tập khách hàng và tham gia mạnh trên thị trường trái phiếu. Đến cuối tháng 9/2018, thực tế tăng trưởng tín dụng của Techcombank chỉ đạt gần 4%, tuy nhiên ngân hàng này vẫn gần kín "room" tín dụng do khoản mục trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng gần 13.000 tỷ đồng. 

Thu nhập lãi thuần của Techcombank cũng chỉ chiếm hơn một nửa trong cơ cấu tổng thu nhập, phần còn lại đến từ các khoản thu ngoài lãi và lợi nhuận bất thường. Nhờ biên lợi nhuận cao hơn với các khoản thu ngoài lãi nên tổng thu nhập không bằng những nhà băng cùng quy mô nhưng lợi nhuận lại cao hơn đáng kể. 

Hai vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng lợi nhuận là BIDV và VPBank. Nguồn tin của VnExpress cho biết, BIDV lãi 9.600 tỷ đồng còn VPBank ước lãi khoảng gần 9.200 tỷ đồng. Trong khi BIDV tăng hơn 11% so với 2017 và vượt kế hoạch năm thì VPBank chỉ hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận dù tăng gần 12% so với năm trước đó.

Đà tăng trưởng nhanh của VPBank bị gián đoạn trong năm 2018 do sự chậm lại của FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng do VPBank sở hữu 100%. Đóng góp một nửa lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng cao, tuy nhiên sức ảnh hưởng của FE Credit trong năm 2018 đã giảm mạnh, như nửa đầu năm đã xuống dưới 40% trên tổng lợi nhuận của ngân hàng.

Sự chững lại sau nhiều năm tăng trưởng cao của FE Credit được đánh giá là nguyên nhân chính khiến kế hoạch chinh phục mốc 10.000 tỷ lợi nhuận của VPBank bị "phá sản" trong năm 2018.

Tuy vậy, điểm sáng với ngân hàng này là sự vượt lên của ngân hàng mẹ bù đắp cho khoảng trống để lại của công ty tài chính. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ VPBank đến cuối quý III/2018 đã đạt hơn 11%, gấp hơn 3 lần công ty tài chính với tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) được cải thiện lên 4,6%.

Hai vị trí tiếp sau trên bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng thuộc về MB và Agribank khi đều cao hơn VietinBank - ngân hàng "á quân" trong năm 2017. Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng tuần trước, Chủ tịch Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết nhà băng ước lãi 7.500 tỷ đồng. Trong khi đó, trao đổi với VnExpress mới đây, Tổng giám đốc MB - ông Lưu Trung Thái cho biết nhà băng này lãi trước thuế 7.600 tỷ đồng.

Ở nhóm những ngân hàng có quy mô thấp hơn, VIB đang tạm dẫn đầu khi báo lãi 2.741 tỷ đồng, tiếp tục tăng gấp đôi so với năm trước đó. Mức lợi nhuận này cũng vượt 37% so với kế hoạch.

Đứng sau là TPBank và Sacombank khi cả hai đều dự báo lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt trên 2.200 tỷ đồng. Trong khi đó, Maritime Bank cũng ước tính lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần năm trước nhờ một số khoản thu bất thường. Đầu năm, nhà băng này chỉ đặt kế hoạch lãi 300 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng năm 2018 dự báo tăng khoảng 40% so với năm trước. Con số này dù tương đương với mức tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng năm 2017, điểm khác biệt là tăng trưởng tín dụng năm 2018 chỉ còn 14% - thấp nhất trong 5 năm gần đây, so với tăng trưởng hơn 18% của năm trước đó.

Theo Minh Sơn - Thanh Lan (VnExpress.net)