Kinh tế

Vua cá tra Hùng Vương giải thích việc lỗ nặng vì… nuôi heo

Thiếu hụt nguyên liệu cá tra và chi phí lãi vay từ dự án chăn nuôi heo đã khiến Công ty cổ phần Hùng Vương lỗ nặng trong năm qua.

Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa gửi giải trình lên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), về nguyên nhân lỗ sau thuế trong năm 2017 lên đến 713 tỷ đồng, gấp 14 lần so với cùng kỳ năm 2016 (49 tỷ đồng).

Việc lỗ nặng trong năm qua đã đưa cổ phiếu HVG của công ty trên sàn chứng khoán TP.HCM vào diện kiểm soát từ cuối tháng 1, vì đã liên tục có hai năm thua lỗ.

Theo giải trình của Hùng Vương, việc lỗ chủ yếu do hai nguyên nhân. Thứ nhất là thiếu hụt nguyên liệu cá tra cho chế biến. Công ty cho biết năm 2017 chứng kiến giá xuất khẩu cá tra fillet tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại. Nhưng trái ngược với nhu cầu không ngừng tăng của thị trường, nguồn cung cá tra nguyên liệu mỗi ngày một giảm.

Việc thiếu nguyên liệu khiến 11 nhà máy với 15.000 lao động của Hùng Vương giảm 50% công suất, phải hoạt động cầm chừng, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu. Nguyên liệu không đủ, chi phí cố định lớn, cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất, làm cho giá thành sản xuất tăng 30%.

Vua cá tra Hùng Vương giải thích việc lỗ nặng vì… nuôi heo

Nguyên nhân thứ hai là chi phí lãi vay cùng áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang.

Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2017, Hùng Vương đã triển khai các dự án chăn nuôi heo theo mô hình công nghệ cao và xây dựng kho lạnh 60.000 pallet vận hành hoàn toàn bằng robot.

Đến nay, một số công trình đã hoàn tất đến 80% nhưng việc giải ngân từ phía ngân hàng bị trì hoãn. Có những dự án phải sử dụng hoàn toàn vốn ngắn hạn của công ty mà không có sự hỗ trợ đang kể nào từ phía ngân hàng cam kết. Tổng vốn ngân hàng cam hết tài trợ các dự án nói trên là 1.508 tỷ đồng, tương ứng 70% tổng giá trị đầu tư các dự án nhưng thực tế mới chỉ giải ngân được 484 tỷ đồng.

Về phương án khắc phục lỗ lũy kế trong năm 2018, Hùng Vương cho biết đã lên kế hoạch thoái vốn một số công ty con, như Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (100%), Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (trên 50%).

Hùng Vương cũng sẽ thanh lý một số bất động sản, như lô đất 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ tại TP.HCM và đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả, do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.

Doanh nghiệp thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung-dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang; khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại.

Năm 2018, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ từ xuất khẩu, kinh doanh nông sản, thoái vốn đầu tư. Lợi nhuận trước thuế đạt từ 800 tỷ đồng.

5 năm trước, Hùng Vương vẫn là doanh nghiệp có tài sản khủng và luôn nằm trong tốp những doanh nghiệp lớn mạnh nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên với chiến lược đa ngành, hiện “vua cá tra” một thời đã bật khỏi tốp đầu, lận đận với những khoản nợ khổng lồ và dòng tiền nhỏ giọt.

Thời điểm 2010, để cụ thể hóa tham vọng thống nhất ngành thủy sản, HVG đã mua lại hàng loạt công ty cùng ngành. Chiến lược này giúp công ty tăng doanh thu từ 4.700 tỷ đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỷ đồng vào năm 2014. Nhưng sau một quá trình kinh doanh, “đế chế” này đã có dấu hiệu chững lại và kinh doanh sụt giảm liên tiếp. Cổ phiếu của doanh nghiệp  đã xuống vùng giá thấp nhất trong gần một thập niên qua, ở quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)