Kinh tế

Vỡ mộng làm giàu với đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy

500 người dân Đồng Tháp vừa rút vốn tiết kiệm vừa vay nóng với số tiền 100 tỉ đồng đổ vào đa cấp với giấc mộng làm giàu giờ như chết điếng bởi Thiên Ngọc Minh Uy bị rút giấy phép. 

500 người dân Đồng Tháp vừa rút vốn tiết kiệm vừa vay nóng với số tiền 100 tỉ đồng đổ vào đa cấp với giấc mộng làm giàu giờ như chết điếng bởi Thiên Ngọc Minh Uy bị rút giấy phép. 

Buổi họp tổ chức tại Sở Công thương Đồng Tháp để hướng dẫn người dân làm thủ tục rút lại vốn đã đầu tư vào công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy - Ảnh: Ngọc Tài

Ngày 12-6, Sở Công thương Đồng Tháp cho biết đã tổ chức cuộc họp để hướng dẫn người dân làm đơn khiếu nại gửi đến Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy để rút lại vốn liếng đã đầu tư.

Động thái này được thực hiện sau khi Bộ Công thương tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy trên phạm vi cả nước.

Chỉ tính riêng ở Đồng Tháp có hơn 500 người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty này với tổng số tiền đầu tư khoảng 100 tỉ đồng.  

Hay tin Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động người dân đa số là dân quê ở Đồng Tháp như chết đứng và con đường đòi lại tiền đã đầu tư sẽ chẳng dễ dàng như lúc tham gia.

Theo một số người dân tham gia mạng lưới này cung cấp, chỉ cần bỏ ra 9,7 triệu đồng mua một mã sản phẩm, trong vòng 3 năm Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy hứa sẽ chi trả hoa hồng lên đến 45 triệu đồng.

Một vốn đến gần 5 lời như thế nên không ít người dân quê đã chạy vạy hỏi khắp nơi để có tiền đầu tư.

Thế nhưng chỉ năm đầu tiên họ được công ty trả 500.000 đồng trong số 45 triệu đồng như đã hứa và sau đó thì biệt vô âm tính.

Vỡ mộng làm giàu với đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy

Bà Trần Thi Lo đang rầu vì chưa rút được vốn đã đầu tư vào cho đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy trong khi xây nhà mới lại phải vay nóng bên ngoài - Ảnh: Ngọc Tài

Bà Trần Thị Lo, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, cũng vì những lời ngon ngọt từ Thiên Ngọc Minh Uy, vì những món lời quá béo bở mà bà đã vay nóng hơn trăm triệu đồng và rút hết vốn liếng tích góp mấy chục năm nay để đầu tư.

Cho đến khi đã đến thời hạn rút vốn bà mới té ngửa vì công ty ngừng hoạt động.

Căn nhà đang xây dựng của bà toàn bộ tiền đều vay mượn nên bà ăn ngủ không yên. Số tiền gần 500 triệu đồng đã trót đưa giờ hối hận cũng đã muộn màng.

Chuyện chưa chỉ dừng lại ở đó. Con gái bà Lo làm trong công ty Thiên Ngọc Minh Uy, người đã hối thúc gia đình tham gia mạng lưới, giờ đã bỏ xứ đi biền biệt khi chuyện bị đổ bể.

"Lúc đưa tiền vô như bị bùa bị ngải. Lúc về tối ngủ ân hận lắm. Đưa tiền người ta rồi, không lấy lại được”, bà Lo thút thít.

Tương tự, ông Nguyễn Phước Tài cũng mất ăn mất ngủ vì số tiền gần 1 tỉ đồng đã đầu tư vào cho công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy.

Tiền mất, gia đình thường xuyên cự cãi. “Hai năm mấy rồi nhưng không có thoát được đồng nào hết. Khi vô mạng lưới họ lấy tiền mình rồi bao lại cho mình. Lấy người đi sau rồi bao lại cho người đi trước”, ông Tài kể. 

Theo Sở Công thương Đồng Tháp có hơn 500 người dân ở tỉnh này tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy nhưng hiện nay chỉ có khoảng 60 người làm đơn yêu cầu hoàn trả tiền đầu tư. Số còn lại, một phần vẫn còn hy vọng, nên không gửi đơn.

Ông Hà Bửu Khánh, phó Phòng quản lý Thương mại, Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết quy định 42 và Thông tư 24 của Bộ Công Thương, khi một doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động thì thời gian để doanh nghiệp đó thanh toán hợp đồng với lại các thành viên tham gia là 90 ngày kể từ ngày Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh có thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó…

Do đó, theo ông Khánh, người dân nào có tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp muốn rút lại vốn nên tranh thủ trong thời hạn cho phép phải gửi đơn yêu cầu. Nếu quá 90 ngày sẽ rất khó lấy lại vốn.

Theo Ngọc Tài (Tuổi Trẻ)