Kinh tế

VnIndex đạt đỉnh 10 năm, tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng gần 1000 tỷ đồng

Trong ngày VnIndex đã chính thức chinh phục thành công đỉnh lịch sử 1.170 điểm, đạt đỉnh năm 2008 đã thiết lập, tài sản của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo tăng khoảng 958,24 tỷ đồng, lên 36.729,95 tỷ đồng.

VnIndex đạt đỉnh 10 năm, tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng gần 1000 tỷ đồng
Tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng có lúc tăng thêm tới 3.083 tỷ đồng, nhưng cuối cùng vẫn không thay đổi sau phiên giao dịch ngày 22.3

Tài sản tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo tăng gần 1.000 tỷ đồng

Phiên giao dịch ngày 22.3 đánh dấu cột mốc lịch sử của TTCK Việt Nam khi chỉ số VnIndex đóng cửa tại mức 1.172,36 điểm, tăng 3 điểm tương đương 0.26% so với phiên giao dịch ngày 21.3, mức đóng cửa cao nhất trong lịch sử hoạt động của TTCK Việt Nam.

Trong khi VnIndex tăng điểm nhờ sự trợ lực của các Bluechips như BVH, GAS, MSN, SAB, BHN, VJC, PNJ, BID…thì Hnx-Index và Upcom-Index lại chìm trong sắc đỏ. Số mã giảm điểm trên 3 sàn lên tới 300, trong khi số mã tăng chỉ là 270.

Trong nhóm VN30, HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 92,17 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là VIC: 37,77 tỷ đồng, SSI: 32 tỷ đồng, NVL: 24,63 tỷ đồng, GAS: 24,49 tỷ đồng. Trong đó, GAS là cổ phiếu giao dịch tích cực nhất khi tăng 6.600 đồng (5,2%) lên 133.800 đồng/cổ phiếu.

VnIndex đạt đỉnh 10 năm, tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng gần 1000 tỷ đồng - 1
Tài khoản của hai nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, Cao Thị Ngọc Dung tiếp tục có thêm hàng trăm tỷ trong ngày VnIndex đạt đỉnh lịch sử

Trong số những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam, tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, tổng giám đốc Vietjet Air kiêm Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, có lẽ là người hưởng lợi nhiều nhất sau phiên giao dịch ngày 22.3 khi cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không VietJet đã tăng 5.900 đồng/cổ phiếu (2.91%) lên 208.900 đồng/cổ phiếu.

Dù cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) vẫn tiếp tục đà giảm giá, xuống còn 42.500 đồng/cổ phiếu sau phiên giao dịch ngày 22.3, song với việc đang  trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 168.509.229 cổ phần VJC, tương đương 37,3% cổ phần tại Vietjet Air, tài sản chứng khoán của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn tăng khoảng 958,24 tỷ đồng, lên 36.729,95 tỷ đồng.

VnIndex đạt đỉnh 10 năm, tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng gần 1000 tỷ đồng - 2
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có thể trực tiếp và gián tiếp sở hữu 52% cổ phần của Vietjet Air trong thời gian tới

Mới đây, công ty CP Sovico, nơi bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT thông báo đăng ký mua 13.675.000 cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet theo hình thức thỏa thuận trong thời gian từ ngày 26.3.2018 đến ngày 25.4.2018.

Cá nhân bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang sở hữu trực tiếp gần 39,6 triệu cổ phiếu VJC, tương đương 8,76% cổ phần. Công ty TNHH Đầu tư Hướng dương Sunny, công ty riêng của bà Thảo, đang là cổ đông lớn nhất của Vietjet với khối lượng nắm giữ gần 129 triệu đơn vị tương đương 28,57%. HDBank - ngân hàng do bà Thảo làm Phó Chủ tịch thường trực cũng nắm 22,3 triệu cổ phiếu (4,95%).

Theo tính toán, nếu giao dịch mua thêm của Sovico thành công, Sovico – cổ đông sáng lập của Vietjet sẽ nâng khối lượng sở hữu lên 34,2 triệu cổ phiếu tương đương 7,59% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của hãng hàng không này.

Khi đó, những công ty có liên quan đến bà Thảo cùng cá nhân bà sẽ nắm gần 52% cổ phần của Vietjet Air.

Hạn chế lòng tham khi VnIndex đạt đỉnh

Trước đó, trong phiên giao dịch sáng ngày 21.3, khi VnIndex lần đầu tiên vượt qua đỉnh cao nhất lịch sử cách đây 11 năm (1.170,67 điểm). Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có những chia sẻ về thời khắc lịch sử này.

VnIndex đạt đỉnh 10 năm, tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng gần 1000 tỷ đồng - 3
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI, điều quan trọng nhất là biết hạn chế lòng tham

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua, một trong nguyên nhân cơ bản có được kết quả hôm nay là nhờ chính sách.

 “Chính phủ không huy động và phân bổ nguồn lực để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực”, ông Nguyễn Duy Hưng nhận xét.

Ông Hưng tiếp lời: “Năm nay sẽ là năm tốt nhất của thị trường chứng khoán kể từ khi thành lập đến nay. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo”.

Theo đó, với các doanh nghiệp có nền tảng bền vững, hoạt động minh bạch thì đây là cơ hội rất tốt để huy động vốn, mở rộng quy mô phát triển, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Nhà nước bán bớt tỷ lệ sở hữu nhà nước để tái cơ cấu hệ thống quản trị đưa doanh nghiệp lên tầng cao mới giống như VNM, REE, GMD, NSC... đã tận dụng được cơ hội trong quá khứ.

Nhưng đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp cần lưu ý tránh đi vào vết xe đổ của một số doanh nghiệp đình đám một thời huy động vốn dễ dàng trong khi đội ngũ cũng như hệ thống quản lý không đáp ứng được sẽ dẫn tới rủi ro sụp đổ.

Còn với nhà đầu tư, ông Hưng cho rằng đây là lúc lòng tham dễ dàng được đẩy lên cao khi nhiều cơ hội đầu tư kiếm lời trên thị trường chứng khoán xuất hiện.

Kinh nghiệm những năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chỉ ra “Người thành công là người kiểm soát rủi ro tốt nhất chứ không phải là người kiếm được nhiều nhất khi thị trường tăng”.

Tóm lại, ông Hưng nhấn mạnh: “Năm nay là một năm có nhiều cơ hội cho tất cả các thành viên tham gia thị trường chứng khoán, nhưng cần có chiến lược rõ ràng để quản lý rủi ro, điều quan trọng nhất là biết hạn chế lòng tham!”.

Trong khi đó, một chuyên viên của VNDIRECT cho rằng, So với giai đoạn năm 2007, mức vốn hóa thị trường đã thay đổi từ 423.000 tỷ đồng lên 3.360.000 tỷ đồng (chiếm 70% GDP), tức tăng 8 lần. Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường ghi nhận con số tăng mạnh mẽ, từ 85 mã chứng khoán niêm yết tăng lên 739 mã, bên cạnh đó là hơn 700 mã đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thanh khoản thị trường với những phiên giá trị trên 10.000 tỷ đồng không còn là bất ngờ với nhà đầu tư.

Điểm quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt sau 11 năm là yếu tố tạo nên lợi nhuận của nhà đầu tư đã có sự khác biệt rất lớn. Vào những năm 2007, thị trường bùng nổ phần lớn do tâm lý " ăn theo", dòng tiền vào bấp chấp giá trị doanh nghiệp và đầu tư vào phần lớn các mã niêm yết đều có lãi. Vậy nên, sự sụt đổ mạnh là khó tránh thỏi khi sự phân hóa các mã cơ bản tốt hay định giá doanh nghiệp không được ưu tiên. Sau 11 năm, dòng tiền đầu tư hiện nay đã có sự phân hóa và động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng mang tính nền tảng và bền vững hơn nhiều, đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa và đưa các doanh nghiệp lên sàn nhanh hơn nhiều lần 11 năm trước…

Theo Nguyên Phương (Dân Việt)