Kinh tế

Việt Nam tổ chức đua F1 có phải là canh bạc rủi ro tài chính?

Xe đua F1 trăm tỷ xuất hiện tại Hà Nội

Trong bối cảnh nhiều chặng đua F1 trên thế giới đều kinh doanh thua lỗ hoặc đứng trước khó khăn tái cơ cấu, việc tổ chức bộ môn này có thể là thương vụ đầu tư rủi ro với Việt Nam.

Với chính đơn vị nắm bản quyền, F1 cũng không còn là mảnh đất "hái ra tiền". Tháng 1/2017, giải đua xe này được bán cho Công ty đầu tư Liberty Media (Mỹ). Trong năm 2017 đó, người ta chứng kiến sự sụt giảm doanh thu cao nhất của F1 trong thập niên qua, giảm 12 triệu USD xuống còn 1,79 tỷ USD.

Lần duy nhất trước đó trong vòng 10 năm có doanh thu giảm là 2015, với mức 4,6 triệu USD. Doanh thu năm 2017 giảm do F1 chỉ còn 20 chặng đua, giảm một chặng so với 2016. Doanh thu nhượng quyền Grand Prix tại Brazil cũng kém hơn và đặc biệt là sự rút lui của hai nhà tài trợ lớn là UBS và Allianz.

Gần nhất là quý II/2018, doanh thu của F1 vẫn lao dốc xuống còn 588 triệu USD, so với mức 616 triệu USD của quý II/2017.

Việt Nam tổ chức đua F1 có phải là canh bạc rủi ro tài chính?
Mở chặng đua F1 là thương vụ đầu tư rủi ro.

Bài học nhãn tiền từ Malaysia

Tháng 4/2017, chính phủ Malaysia chấm dứt hợp đồng tổ chức giải đua xe F1 kể từ năm 2018, sau khi "nhận chi phí tổ chức giải đấu lớn hơn so với lợi ích mang lại cho đất nước", Thủ tướng Malaysia tuyên bố.

Malaysia là quốc gia đã đăng cai chặng đua F1 liên tục trong suốt 19 năm trước khi chính phủ nước này đưa ra quyết định nói trên.

Hãng thông tấn nhà nước Bernama của Malaysia cho biết nước này tốn 67 triệu USD mỗi năm để tổ chức F1, nhưng thời gian qua bị phản ứng gay gắt vì liên tục bị lỗ và người dân mất dần hứng thú với sự kiện.

Trường đua Sepang có sức chứa 120.000 chỗ, nhưng có giai đoạn chỉ bán được chưa đến một nửa số ghế, 45.000 vé vào năm 2016. Con số này năm 2017 tăng trở lại, lên hơn 110.000 người nhưng vẫn không khả quan.

“Lượng người tới xem ngày càng giảm, F1 không còn sức hấp dẫn”, Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa Malaysia Nazri Adbul Aziz nói vào tháng 6/2016. “Chúng tôi tốn hơn 50 triệu GBP (gần 65 triệu USD) mỗi năm”.

Không chỉ với khách, nhiều nhà tài trợ chính của F1 tại Malaysia như Tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas cũng quyết định rút lui vì giá dầu giảm.

Việt Nam tổ chức đua F1 có phải là canh bạc rủi ro tài chính? - 1
Nhiều quốc gia đã rút lui khỏi giải F1.

Australia là một ví dụ khác. Đây có lẽ là quốc gia hiếm hoi trên thế giới minh bạch tài chính với người dân rằng họ đã lỗ thế nào khi tổ chức đua F1. Năm 2015, chặng đua F1 tại Australia lỗ 61,7 AUD (tương đương 45,3 triệu USD Mỹ), dù con số khán giả vẫn tăng.

Trước đó một năm, Australia cũng lỗ 50 triệu AUD (tương đương 36,7 triệu USD). Dù hợp đồng giữa chính phủ Australia và đơn vị sở hữu F1 vẫn còn thời hạn đến năm 2023, nhưng đã xuất hiện nhiều luồng dư luận phản đối việc đăng cai môn thể thao tốn kém này.

Hiện tại, Đức, Bỉ, Brazil, Italy, Mexico, Tây Ban Nha và Mỹ là các nước chính quyền can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các chặng đua F1. Ở Australia, Azerbaijan, Abu Dhabi, Bahrain, Canada, Trung Quốc, Hungary, Nga, Malaysia (quá khứ) và Singapore, chính quyền kết hợp cùng các doanh nghiệp tư nhân.

Ở Áo, Anh và Nhật Bản, các nhà đầu tư tư nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm "thầu" các sự kiện này. Chỉ duy nhất ở Monaco sự kiện này là miễn phí.

Việt Nam tổ chức đua F1 có phải là canh bạc rủi ro tài chính? - 2
Các quốc gia thường khó thu về lãi khi đăng cai một chặng đua

Chặng đua tại Singapore cũng không thật sự “màu hồng”

Với Singapore, một quốc gia được cho đã khá thành công trong việc thu lợi về mặt hình ảnh lẫn tài chính trong việc đăng cai F1, những tranh luận về lợi ích thật sự của việc đăng cai môn thể thao xa xỉ và tốn kém này vẫn nổ ra trong nhiều năm.

Trên tạp chí Mother Ship, cây viết Belmont Lay mô tả rằng những lợi ích mà việc đăng cai F1 mang lại cho đảo quốc sư tử thật sự không "hào nhoáng" và mang lại nhiều hiệu quả như mô tả.

Sáu mươi phần trăm chi phí tổ chức giải đấu hàng năm đến từ chính quyền, trong tổng số 150 triệu SGD được chi ra để tổ chức. Những con số thống kê được cây viết Belmont Lay chỉ ra rằng các con số thống kê quan trọng đều đã giảm trong thời gian qua.

Số người xem giải đấu trực tiếp tại Singapore đã giảm 15% vào năm 2016, trước đó cũng giảm vào năm 2015. Số người xem qua màn hình ti vi toàn cầu đã giảm gần 200 triệu người, từ 600 triệu vào năm 2008 xuống còn 425 triệu vào năm 2014.

Viet Nam to chuc dua F1 co phai la canh bac rui ro tai chinh? hinh anh 4
Chặng đua F1 ở Singapore cũng gây nhiều tranh cãi. 
Có nhiều lý do cho việc suy giảm này, nhưng rõ ràng tình hình kinh tế khó khăn và giá vé quá cao khiến nhiều người hâm mộ đã suy nghĩ lại. Năm 2019, giá vé cho chặng đua Singapore Grand Prix trong 3 ngày nằm ở mức từ 398 lên tới 2.229 USD.

Việc phụ thuộc nhiều vào khách du lịch để thu lại nguồn vé cũng khiến các nhà tổ chức gặp nhiều khó khăn, khi mà dân địa phương ít ai có khả năng tham dự. Trong khi đó, chi phí hạ tầng, tổ chức và nhiều yếu tố khách quan khác khiến tổ chức F1 là một cuộc đầu tư vô cùng tốn kém.

Một thống kê được trung tâm nghiên cứu Asia Pacific Journal of Tourism chỉ ra, doanh thu mà các khách vãng lai, du lịch mang đến cho mỗi hoạt động F1 lớn hơn rất nhiều so với khách địa phương.

Trước thực tế trên, việc Hà Nội đăng cai chặng đua F1 trước tiên mang đến niềm tự hào cho quốc gia hình chữ S, nhưng sau đó là những bài toán đầy thử thách.

Theo Vũ Duy (Tri Thức Trực Tuyến)