Kinh tế

Việt Nam tăng​ 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu

Trong khi các nền kinh tế lớn của châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ thụt lùi, Việt Nam cùng với Indonesia đã nhảy vọt trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017- 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Trong khi các nền kinh tế lớn của châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ thụt lùi, Việt Nam cùng với Indonesia đã nhảy vọt trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017- 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

TP.HCM, trung tâm kinh tế năng động của đất nước - Ảnh: HỮU KHOA

Ngày 27-9, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017- 2018. 

Tạp chí Nikkei Asian Review nhận xét báo cáo cho thấy một bức tranh hỗn hợp về châu Á, trong khi Việt Nam và Indonesia nhảy vọt về thứ bậc thì Nhật Bản và Ấn Độ giảm sút.

WEF đánh giá các nước trên thang điểm 7. Theo đó, điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam năm nay được 4,4 điểm so với 4,31 năm ngoái.

Cụ thể, Việt Nam nhảy lên hạng 55 (trên tổng số 137 nền kinh tế), tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. 

Theo nhận xét của WEF, Việt Nam được đánh giá có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. 

Ngoài ra, giao thương là một yếu tố lớn khác giúp Việt Nam tiến lên phía trước, khi đứng thứ 7 về tỉ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỉ lệ xuất khẩu.

Xếp ngay sau Việt Nam là Philippines. 

Nhìn chung, các quốc gia Đông Nam Á đều có sự tiến bộ trong báo cáo năm nay, với những thứ hạng rất cao như Singapore (thứ 3);  Malaysia (thứ 23), Thái Lan (thứ 32).

Indonesia xếp hạng 36/137 quốc gia nhờ đạt được sự cải thiện ở 10/12 tiêu chí đánh giá chính, trong đó có sức khỏe, giáo dục và hạ tầng.

Dẫn đầu bảng xếp hạng của WEF không phải là các nền kinh tế lớn của thế giới. Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ ở châu Âu, mới là nước có điểm năng lực cạnh tranh cao nhất, theo sau là Mỹ.

Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, dù tăng hạng nhưng vẫn nằm ở vị trí thứ 27, một khoảng cách khá xa so với Nhật Bản (thứ 9). 

Mặc dù bị rớt hạng trong năm thứ 2 liên tiếp, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn thể hiện tốt ở các tiêu chí hạ tầng, sức khỏe và giáo dục, nhưng lại chật vật ở môi trường kinh tế vĩ mô do nợ công quá lớn.

Ấn Độ năm nay giảm 1 bậc sau khi thăng hạng liên tục trong hai năm trước, xếp thứ 40.

WEF nhận xét việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể khiến Việt Nam mất đi một số cơ hội giao thương trong tương lai, song "tăng trưởng của đất nước dự kiến sẽ được duy trì nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ".

Theo Bảo Duy (Tiền Phong)