Kinh tế

Việt Nam sẽ là nơi Trung Quốc xuất gì sang cũng được: Từ que tăm, quả ô mai...?

Đánh giá thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong những năm gần đây đều có tiến triển nhưng chuyên gia chỉ ra rằng, vấn đề tồn tại vẫn là tình trạng Việt Nam nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng không cần thiết, thậm chí “có hại cho nền kinh tế”.

Việt Nam sẽ là nơi Trung Quốc xuất gì sang cũng được: Từ que tăm, quả ô mai...?
Ảnh minh họa

Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.

Số liệu mới nhất từ cơ quan thống kê cho thấy, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2016 đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; nhập siêu giảm 13,67% so với năm 2015.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 73,3 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng hơn 20% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Nhìn vào biểu đồ cán cân thương mại Việt - Trung dưới đây có thể thấy cán cân thương mại hai nước trong những năm gần đây phát triển không ngừng. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ lệ nhập siêu khá cao. Tuy nhiên, từ năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017 có xu hướng giảm bớt giá trị nhập siêu so với năm 2014 và 2015.

Hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 27% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2017.

Trong tổng số 45 nhóm hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc thì có tới 8 nhóm hàng hoá có giá trị đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với gần 9 tỷ USD, tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện 6,6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,7 tỷ USD...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng có những tín hiệu tích cực khi giá trị được cải thiện dần qua các năm. Hiện có 42 nhóm các loại hàng hoá được xuất khẩu sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2017. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; rau quả...

“Nhiều mặt hàng nhập khẩu không cần thiết”

Trên thực tế, trong những năm gần đây, kim ngạch hai chiều luôn có những đột biến – nhiều lần vượt các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước. Với những điểm tương đồng về văn hoá, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, thị trường Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và đầy tiềm năng của Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương trước đó cho biết, nếu như trước đây, nhiều người hay nêu vấn đề Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc, nhưng 2-3 năm gần đây, tỷ trọng nhập siêu giảm mạnh, nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao.

Ông Sơn đánh giá, trước đây, chúng ta chỉ xuất khẩu được một số hàng khoáng sản, nông sản thô, gần đây, doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu được hàng nông sản với giá trị chế biến cao, các mặt hàng công nghiệp nhẹ… Sự thay đổi cơ cấu này không chỉ góp phần thu hẹp nhập siêu mà còn là tiền đề để gia tăng giá trị hàng xuất khẩu.

Đánh giá về tình hình thương mại giữa hai nước, TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhìn nhận: “Thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong những năm gần đây đều có tiến triển về cả hai bên với doanh số, giá trị trao đổi tăng nhanh”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, một trong những tồn tại quan trọng trong tình hình thương mại giữa hai nước là tình trạng Việt Nam nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng không cần thiết, thậm chí “có hại cho nền kinh tế”.

“Tiến triển ở đây là trị giá tăng lên, trao đổi tăng lên chứ thực tế không phải chúng ta có thành tựu gì tích cực bởi ngay như dệt may và nhiều ngành khác phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Chúng ta nhập khẩu từ cây tăm, quả ô mai… Đây thực sự là những điều không thể giải thích được và hoàn toàn không cần thiết”, ông Doanh nói.

Ông cũng lo ngại: “Mỗi năm chúng ta nhập siêu theo thống kê chính thức từ Việt Nam là hơn 20 tỷ USD nhưng theo thống kê từ phía Trung Quốc thì con số còn lớn hơn khoảng hơn 20 tỷ USD nữa. Từng này nhân lên là bao nhiêu tiền và nó lấy đi bao nhiêu công ăn việc làm của chúng ta. Cần có thái độ nghiêm túc với tình trạng này bởi cứ để thế này đến lúc nào chúng ta trở thành thị trường mà Trung Quốc có thể xuất khẩu bất cứ thứ gì sang cũng được”.

Lý giải về nguyên nhân khiến Việt Nam luôn nhập siêu lớn từ thị trường này, ông Doanh cho rằng: “Về mặt kinh tế, hàng hoá Trung Quốc giá rất rẻ vì họ có quy mô thị trường rất lớn, sản xuất với quy mô lớn nên giá thành thấp, hoàn vốn nhanh. Ngoài ra, còn phải nhắc tới thực tế biên mậu, nơi mà người dân qua biên giới được mua bán – giao dịch, dẫn đến sự lạm dụng quá đáng”.

Giải pháp khắc phục tình trạng này được vị chuyên gia chỉ ra rằng doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hoá đa phương hoá đối tác và đặc biệt nhấn mạnh tới việc kiểm soát nghiêm ngặt buôn lậu qua biên giới.

ĐBQH – PGS Hoàng Văn Cường (Hà Nội) – Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

Kim ngạch XNK Việt Nam – Trung Quốc từ trước tới nay vẫn là một trong những "địa bàn" thị trường phát triển rất mạnh, đó là tiền đề để phát triển quan hệ hợp tác.

Một yếu tố nữa là các nhà đầu tư trung quốc cũng đang hướng phát mở ra thế giới theo chủ trương một vành đai một con đường chứ không giữ lại đầu tư trong nước. Trong các địa bàn đầu tư như vậy thì các khu vực lân cận như Việt Nam là nơi có tiềm năng thu hút rất tốt, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ nghĩ đến Việt Nam là địa bàn lựa chọn.

Hiện nay là Trung Quốc đang trong giai đoạn thay đổi, cải cách về mặt công nghệ, và khi đầu tư thay đổi công nghệ thì người ta cũng sẽ chuyển các công nghệ đó ra đầu tư ra bên ngoài, bởi thế chúng ta cũng rất phải sàng lọc, lựa chọn công nghệ trong việc tiếp nhận những ký kết đầu tư.

Theo Phương Dung (Dân Trí)