Kinh tế

Vì sao hàng loạt các nước châu Á đang phải chạy đua nâng lãi suất theo Mỹ?

Châu Á buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ngăn việc đồng nội tệ mất giá sâu cũng như áp lực lạm phát tăng cao.

Vì sao hàng loạt các nước châu Á đang phải chạy đua nâng lãi suất theo Mỹ?
Ảnh: Reuters

Ngân hàng Trung ương các nước đang phát triển châu Á đã bị đẩy vào tình thế bắt buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ngăn việc đồng nội tệ mất giá sâu cũng như áp lực lạm phát tăng cao.

Trong ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Indonesia nâng lãi suất repo thời hạn 7 ngày thêm 25 điểm cơ bản lên 5,75%. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Philippines nâng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%. 

Từ tháng 5/2018 đến nay, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã có 6 buổi họp bàn về chính sách tiền tệ, trong đó ngân hàng đã nâng lãi suất repo đến lần thứ 5. Còn với Philippines, Ngân hàng Trung ương nước này như vậy đã nâng lãi suất lên mức cao nhất tính từ tháng 3/2009.

Ngân hàng Trung ương cả hai nước Indonesia và Philippines đã đưa ra các động thái trên trong bối cảnh áp lực lên đồng nội tệ của cả hai nước này tăng lên, cùng lúc đó áp lực lạm phát cũng tăng khi mà Fed nâng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2018.

Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 25 điểm cơ bản lên 2 – 2,25%, như vậy đồng USD sẽ mạnh lên còn đồng tiền của nhiều nước châu Á yếu đi. Cuộc chiến thương mại ngày một tồi tê hơn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư.

Đối với Ngân hàng Trung ương Indonesia, khi mà mối lo lớn nhất của họ là giữ được sự ổn định của đồng rupiah, việc đồng rupiah giảm giá sâu hơn khó có thể chấp nhận được. Dù chính phủ Indonesia đã cố gắng giảm thâm hụt tài khoản vãng lai bằng cách kích thích xuất khẩu và giảm nhập khẩu, tính từ đầu năm đến nay, đồng rupiah đã mất đến 9% giá trị so với đồng USD. 

Nhà đầu tư bán mạnh các loại tài sản được định giá bằng đồng rupiah khi mà cuộc khủng hoảng tại nhiều thị trường mới nổi khác khiến người ta không khỏi lo sợ về rủi ro khủng hoảng lây lan.

Vào đầu tháng 9/2018, đồng rupiah chạm mức 15.016 rupiah/USD, mức thấp nhất tính từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, ông Perry Warjiyo, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm cứng rắn, chính sách của chúng tôi trong thời gian tới sẽ thế nào? Chắc chắn sẽ tùy thuộc vào các số liệu được công bố”.

Trong tuần trước, đồng rupiah chịu nhiều áp lực sụt giảm khi Indonesia có thâm hụt thương mại 1,02 tỷ USD trong tháng 8/2018, cao hơn mức kỳ vọng của thị trường. 

Việc đồng rupiah sụt giảm so với đồng USD gây ra không ít rắc rối cho Indonesia bởi các công ty nước này đang nợ rất nhiều những khoản vay được định giá bằng đồng USD. 

Trong ngày thứ Năm, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 2,5%, bởi đồng đôla Hồng Kông neo tỷ giá trực tiếp vào đồng USD. Cơ quan quản lý vẫn buộc phải nâng lãi suất cơ bản dù đã có nhiều lời cảnh báo về tác động của lãi suất tăng cao lên các chủ sở hữu nhà ở thành phố này.

Phần lớn các ngân hàng tư nhân lớn tại Hồng Kông như HSBC, Standard Chartered và Hang Seng đều nâng lãi suất cho vay trong ngày thứ Năm, chỉ vài giờ sau khi cơ quan quản lý Hồng Kông nâng lãi suất cơ bản.

Còn tại Ấn Độ, theo chuyên gia phân tích khu vực các nước mới nổi châu Á tại Bank of America Merrill Lynch, ông Rohit Garg, kỳ vọng lãi suất cơ bản tại Ấn Độ được điều chỉnh tăng đã lên mạnh đối với các buổi họp chính sách vào tháng 10 và tháng 12. Tính từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của Ấn Độ đã giảm giá gần 12% so với đồng USD và là một trong những mất giá tồi tệ nhất khu vực.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, ông Lee Ju-yeol, mới đây cũng đã thể hiện tâm lý đầy lo lắng khi chênh lệch lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày một lớn dần. Dù Fed đã nâng lãi suất nhiều lần lên ngưỡng từ 2 đến 2,25% trong 1 năm qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã duy trì lãi suất ở mức 1,5% trong suốt 10 tháng.

Theo Trung Mến (Bizlive.vn)