Kinh tế

Vì sao FPT Capital khởi kiện bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai?

Liệu nguyên nhân tranh chấp giữa các bên có đến từ diễn biến không thuận lợi của giá cổ phiếu nông nghiệp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai?

Vì sao FPT Capital khởi kiện bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai?
FPT Capital chính thức khởi kiện ông Đoàn Nguyên Đức và HAGL.

Như chúng tôi mới đề cập, Tòa án Nhân dân Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đang thụ lý, giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp về hợp đồng góp vốn. Nguyên đơn là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư FPT – FPT Capital và bị đơn là ông Đoàn Nguyên Đức và Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – HAGL. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico.
Hiện các bên đều chưa chính thức lên tiếng về vụ việc tranh chấp hợp đồng góp vốn nói trên. Tuy nhiên, trong lịch sử giao dịch của FPT Capital có thể thấy thương vụ liên quan tới bầu Đức và HAGL từng dính “lùm xùm” là vụ việc đầu tư của FPT Capital vào năm 2011.

Theo đó, báo cáo tài chính của doanh nghiệp là đơn vị liên kết của Tập đoàn FPT thể hiện, tính đến 31/12/2011, FPT Capital có khoản đầu tư 500.000 cổ phiếu Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Rubber.

Thuyết minh báo cáo tài chính nêu, khoản đầu tư này có nguồn gốc từ khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh Gia Lai – HAG Land. Theo hợp đồng góp vốn cổ phần giữa FPT Capital, HAGL Rubber và HAGL, toàn bộ số lượng cổ phiếu HAG Land đã được góp vốn vào HAG Rubber theo giá trị được thống nhất là 51.000 đồng/cổ phiếu, tương đương trị giá 25,5 tỷ đồng.

Được biết, HAG Rubber cam kết sẽ niêm yết cổ phiếu trước ngày 15/8/2015. Trong trường hợp HAG Rubber không niêm yết như cam kết, HAGL có nghĩa vụ mua lại toàn bộ số cổ phiếu HAG Rubber với giá mua bằng với tổng giá trị vốn FPT Capital đã góp cộng với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 20%.

Bên cạnh đó, trong vòng 6 tháng kể từ ngày HAG Rubber niêm yết, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG, cam kết mua lại lượng cổ phiếu HAG Rubber này nếu được yêu cầu với giá mua bằng tổng giá trị vốn FPT Capital đã góp cộng với IRR là 10%.

“Theo đó, Ban giám đốc FPT Capital tin tưởng HAG Rubber là cổ phiếu tốt, nếu niêm yết sẽ đạt được thị giá không thấp hơn giá gốc đầu tư và HAG cũng như ông Đoàn Nguyên Đức có đầy đủ năng lực tài chính để thực hiện cam kết mua lại như trên. Theo đó công ty không phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư đối với khoản đầu tư này”, báo cáo tài chính FPT Capital nêu.

Vì sao FPT Capital khởi kiện bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai? - 1
Khoản đầu tư trị giá 25,5 tỷ đồng vào HAG Rubber (sau này là HAGL Agrico) của FPT Capital thời điểm cuối 2011 - Nguồn: BCTC hợp nhất 2011 của doanh nghiệp

Giả sử chính xác FPT Capital khởi kiện bầu Đức và HAGL vì vụ việc trên thì có thể phân tích được nguyên nhân khiến sự việc đi đến kết quả như hiện nay.

Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai - HAG Rubber được thành lập khi tập đoàn HAGL thực hiện chương trình tái cấu trúc năm 2010. Tháng 4/2015, công ty đổi tên từ Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai thành Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia lai – HAGL Agrico (mã HNG), đồng thời sáp nhập Công ty Cổ phẩn Bò sữa Tây Nguyên, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Ngày 20/7/2015, cổ phiếu HNG chính thức niêm yết trên sàn HoSE. Chiếu theo thỏa thuận giữa các bên, HAG Rubber đã niêm yết cổ phiếu HNG trước ngày 15/8/2015. Như vậy trường hợp HAGL có nghĩa vụ mua lại toàn bộ số cổ phiếu HAG Rubber với giá mua bằng với tổng giá trị vốn FPT Capital đã góp cộng với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 20% không xảy ra.

Vậy lý do “cơm không lành” đến ở thỏa thuận “trong vòng 6 tháng kể từ ngày HAG Rubber niêm yết, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG, cam kết mua lại lượng cổ phiếu HAG Rubber này nếu được yêu cầu với giá mua bằng tổng giá trị vốn FPT Capital đã góp cộng với IRR là 10%”?

Vì sao FPT Capital khởi kiện bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai? - 2
Diễn biến giá cổ phiếu HNG kể từ khi chào sàn trên HoSE ngày 20/7/2015 - Nguồn: BizData.

Nhìn lại lịch sử giao dịch của cổ phiếu HNG, mức giá chào sàn của cổ phiếu này là 28.000 đồng/cổ phiếu. Ngày giao dịch đầu tiên HNG tăng gần kịch trần, lên 33.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu HNG sau đó diễn biến không khả quan và giảm gần 20% trong vòng 1 tháng chào sàn.

Và nếu tính trong vòng 6 tháng sau niêm yết (thời điểm FPT Capital có quyền yêu cầu bầu Đức mua lại cổ phiếu nắm giữ), giá cổ phiếu nông nghiệp của HAGL đã điều chỉnh 31,34% so với giá chốt chào sàn, xuống còn 23.000 đồng/cổ phiếu (phiên 20/1/2016).

Với bối cảnh trên, FPT Capital muốn thoái vốn sẽ áp thỏa thuận yêu cầu Chủ tịch HAGL mua lại 500.000 cổ phiếu HNG với giá mua bằng tổng giá trị vốn FPT Capital đã góp cộng với IRR là 10%. Như vậy bầu Đức phải chi 25,5 tỷ đồng (chưa gồm IRR 10%) để "nhận" lại lượng cổ phiếu này.

Trong khi đó, nếu tính theo giá giao dịch bình quân trong 6 tháng sau chào sàn của HNG là khoảng hơn 28.000 đồng/cổ phiếu thì lượng cổ phiếu mà FPT Capital nắm giữ chỉ trị giá hơn 14 tỷ đồng, tức là đã giảm gần 45% so với giá trị thời điểm góp vốn năm 2011 (51.000 đồng/cổ phiếu).

Phải chăng Chủ tịch tập đoàn “phố núi” đã không thực hiện đúng cam kết giữa hai bên? Đây có lẽ là “nút thắt” phát sinh tranh chấp.

Vì sao FPT Capital khởi kiện bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai? - 3
FPT Cap đã thoái sạch vốn ở các doanh nghiệp trước 2016 - Nguồn: BCTC quý I/2016 của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính quý I/2016 của FPT Capital thể hiện, từ cuối 2015 đến 31/3/2016, mục các khoản đầu tư tài chính dài hạn chỉ còn đầu tư vào công ty con là Đầu tư FC và đầu tư FF, mục đầu tư dài hạn khác là 0%. Tức khoản đầu tư 500.000 cổ phiếu HNG đã thoái vốn xong trước năm 2016.

Được biết, FPT Capital đã từng có ý định khởi kiện vụ tranh chấp này.  Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, tức sau 7 năm góp vốn đầu tư doanh nghiệp này đã chính thức đem vụ việc ra trước pháp luật.

Theo Huyền Trâm (Bizlive.vn)