Kinh tế

Vì sao đại gia, sếp lớn rủ nhau bán 'chui' cổ phiếu?

Số tiền phạt hiện nay tương đối nhỏ so với số lợi nhuận thu về từ những đợt bán "chui" cổ phiếu là lý do khiến thị trường chứng khoán Việt đang gặp vấn đề về thao túng giá.

Mới đây, thông tin đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC, bị xử phạt hàng chục triệu đồng vì bán "chui" cổ phiếu FLC đã khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ. Cá nhân vị đại gia này được biết tới là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay với khối tài sản hàng tỷ USD.

Bằng việc bán "chui" hơn 57 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20-24/10, ước tính, ông Trịnh Văn Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỷ đồng theo giá thị trường, trong khi số tiền mà vị đại gia này bị phạt chỉ là 65 triệu đồng.

Đại gia, sếp lớn bán "chui" cổ phiếu kiếm lời

Theo quy định, những giao dịch chứng khoán của cổ đông có liên quan đều phải công bố thông tin với UBCKNN, Sở giao dịch Chứng khoán trước khi thực hiện giao dịch.

Vì sao đại gia, sếp lớn rủ nhau bán 'chui' cổ phiếu?
Đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Trịnh Văn Quyết mới đây đã bị UBCKNN phạt 65 triệu đồng vì hành vi bán "chui" cổ phiếu. Ảnh: FLC.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều cổ đông, nhà đầu tư có liên quan thường xuyên thực hiện giao dịch "chui" cổ phiếu để trục lợi.

Cùng đợt ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt, bà Lưu Hải Anh, Kế toán trưởng của CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG) cũng đã bị xử phạt 450 triệu đồng vì đã bán "chui" 5.400 cổ phiếu SKG trước khi công ty này công bố thông tin bị xử phạt thuế. Hành vi này giúp bà Hải Anh thu về khoản lợi nhuận 85 triệu đồng.

Giữa tháng 9 vừa qua, UBCKNN cũng đã xử phạt ông Lê Văn Hòa, Trưởng BKS CTCP Đường Biên Hòa (nay đã sáp nhập vào Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh) 25 triệu đồng vì mua "chui" 40.000 cổ phiếu BHS vào ngày 16/6.

Thời điểm ông Hòa mua vào, giá cổ phiếu BHS dao động trong khoảng 20.600 đồng/cổ phiếu, ước số tiền bỏ ra khoảng 824 triệu đồng.

Cùng thời điểm, ông Nguyễn Quốc Hưng, con trai cựu Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Nguyễn Nguyên Hùng, cũng đã bị phạt 25 triệu đồng vì liên quan tới những giao dịch không đúng quy định với cổ phiếu ACV.

Vì sao đại gia, sếp lớn rủ nhau bán 'chui' cổ phiếu? - 1

Theo đó, ông Hưng đã bán "chui" 10.000 cổ phiếu ACV vào ngày 21/11/2016, và bán không đúng thời điểm đăng ký 30.100 cổ phiếu ACV. Theo tính toán, thời điểm ông Hưng bán sớm 30.100 cổ phiếu ACV vào ngày 23/11/2016, ông này đã thu về hơn 1,32 tỷ đồng.

Cuối tháng 6, UBCKNN cũng đã xử phạt bà Đào Thị Thảo, Thành viên BKS CTCP Quốc tế Sơn Hà, số tiền 55 triệu đồng vì đã mua hơn 3,6 triệu cổ phiếu SHI và bán 2,2 triệu cổ phiếu SHI mà không thông báo.

Ông chủ của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cũng bị xử phạt 22,5 triệu đồng vì bán "chui" cổ phiếu của chính công ty.

Bằng hành vi bán gần 2,6 triệu cổ phiếu NVT trước thời gian cho phép, ông chủ công ty bất động sản này đã thu về gần 10 tỷ đồng trước khi cổ phiếu NVT giảm sàn sau chuỗi 12 phiên tăng trần.

Đầu năm, ông Lê Kỳ Phùng, Chủ tịch CTCP Đầu tư LDG cũng đã bán 5,5 triệu cổ phiếu công ty và thu về 27,7 tỷ đồng mà không báo cáo. Tuy nhiên, với hành vi này, ông Phùng chỉ bị phạt 42,5 triệu đồng.

Thao túng cổ phiếu của đại gia

Trong tháng 8 vừa qua, UBCKNN đã xử phạt hàng trăm triệu đồng với một cá nhân có hành vi thao túng cổ phiếu công ty bầu Đức.

Vì sao đại gia, sếp lớn rủ nhau bán 'chui' cổ phiếu? - 2
Một nhà đầu mới đây đã bị phạt hàng trăm triệu đồng vì hành vi thao túng giá cổ phiếu Công ty HAGL Agrico của bầu Đức. Ảnh minh họa: Nguyễn Đăng.

Theo đó, bà Trần Thị Minh Phượng đã sử dụng 42 tài khoản, trong đó có 3 tài khoản đứng tên bà và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 công ty chứng khoán khác nhau, để giao dịch cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Với hành vi tạo cung cầu giả thị trường, thổi giá cổ phiếu của bầu Đức, bà Phượng bị phạt 600 triệu đồng theo quy định.

Nhiều cá nhân khác cũng đã bị UBCKNN xử phạt hàng trăm triệu đồng với hành vi thao túng giá cổ phiếu tương tự.

Như trường hợp ông Nguyễn Duy Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) 550 triệu đồng vì đã sử dụng 27 tài khoản khác nhau để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại HCD.

Bà Đào Thị Khuê (Thái Nguyên) cũng bị phạt 550 triệu đồng vì đã sử dụng 20 tài khoản khác nhau để liên tục mua, bán, thao túng cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH).

"Phạt như gãi ghẻ"

Từ năm 2009, UBCKNN đã có thông báo yêu cầu cổ đông nội bộ công bố thông tin khi thực hiện giao dịch cổ phiếu của công ty niêm yết. Nhưng số tiền phạt theo quy định hiện nay tương đối nhỏ so với số lợi nhuận các cổ đông này thu về được từ những đợt bán "chui" cổ phiếu.

TS. LS. Bùi Quang Tín cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp phải vấn đề thao túng giá rất lớn, đặc biệt bởi hai nhóm là các nhà đầu tư lớn và những nhà làm giá hay các quỹ đầu tư.

Vì sao đại gia, sếp lớn rủ nhau bán 'chui' cổ phiếu? - 3
Theo TS. LS. Bùi Quang Tín, tình trạng gian lận bán "chui", thao túng giá cổ phiếu đang làm méo mó thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: VITV.

"Các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi nhảy vào thị trường bị làm giá chắc chắn sẽ thua lỗ. Họ bị ảnh hưởng rất tai hại khi các sóng cổ phiếu trên thị trường hiện nay hầu hết do các nhà làm giá và các nhà đầu tư lớn tạo ra", ông Tín khẳng định.

Theo ông Tín, mức phạt cho hành vi bán "chui" cổ phiếu, thao túng giá phải được tăng lên thật mạnh để các nhà đầu tư cân đối với mức lợi nhuận có thể thu được. Thậm chí, không chỉ xử phạt hành chính mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, phải có chế tài đủ mạnh mới có thể cản được vấn đề thao túng giá trên thị trường.

"Thao túng giá lợi được 1 tỷ đồng mà phạt có 30 triệu đồng thì thấm vào đâu. Mức phạt hiện nay chỉ mang tính chất tượng trưng, và như vậy sẽ không thể giảm tình trạng bán 'chui', thao túng giá đang rất phổ biến trên thị trường hiện nay", ông Tín cho biết.

Chuyên gia này khẳng định cơ quan Nhà nước cần ban hành chính sách phù hợp và thực tế. Tình trạng hiện nay trên sàn chứng khoán đang gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và làm méo mó giá cả chứng khoán.

"Thị trường chứng khoán thực chất là một trung gian tài chính, là một kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để giảm đi gánh nặng trên đôi vai của hệ thống ngân hàng. Chắc chắn phải xử lý nghiêm các hành vi gian lận khi đó thị trường Việt Nam mới lành mạnh tạo kênh huy động vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp", ông Tín khẳng định.

“Mỗi đợt giao dịch thu lợi hàng tỷ đồng, trong khi hành vi bán chui cổ phiếu chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Phạt như gãi ghẻ thì làm sao đủ sức răn đe”, một nhà đầu tư cá nhân khác chia sẻ.

Theo nhà đầu tư này, cần phải áp dụng chế tài mạnh hơn không chỉ là phạt tiền mà cần đóng băng cổ phiếu của các cổ đông thuộc diện phải công bố thông tin trước khi giao dịch. Đến khi nào cổ đông đó gửi thông báo lên UBCKNN thì cấp lệnh mở cho giao dịch trong khoảng thời gian đã đăng ký.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)