Kinh tế

Vì sao chi phí làm mỗi km đường sắt Hà Nội giảm 1.000 tỷ sau rà soát?

Hà Nội cho biết dự án đường sắt Trần Hưng Đạo - Thượng Đình đang ở giai đoạn lập đề xuất, chưa có tổng mức đầu tư chính thức.

Ngày 22/11, ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã thông tin về việc dự án đường sắt đô thị Trần Hưng Đạo - Thượng Đình "giảm chi phí rà soát". 

Theo đó, năm 2008, UBND TP Hà Nội cho phép chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, quy mô khoảng 5,9 km. Năm 2012, Ban quản lý hoàn thành thiết kế cơ sở và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình UBND TP Hà Nội với tổng mức đầu tư 34.700 tỷ đồng.

Đến năm 2017, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã rà soát, khái toán lại tổng mức đầu tư và giảm xuống còn 28.900 tỷ đồng. 

Như vậy, con số tính toán mới sau rà soát cho thấy mức đầu tư giảm 5.825 tỷ đồng, tương đương mỗi km được điều chỉnh giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Vì sao chi phí làm mỗi km đường sắt Hà Nội giảm 1.000 tỷ sau rà soát?
Hà Nội đang triển khai nhiều tuyến đường sắt đô thị để hạn chế xe cá nhân. Ảnh minh họa: Bá Đô

Việc giảm chi phí như nêu trên là do đơn giá xây dựng, nhân công, máy thi công được cập nhật thời điểm tháng 5/2017 thay vì tháng 6/2012.

Các chi phí liên quan khác tính toán tham khảo đơn giá của dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo của Hà Nội, là dự án có mức giá thấp hơn tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) mà Ban quản lý đã tham khảo vào năm 2012. 

Các chi phí giải phóng mặt bằng, tư vấn, lãi vay... cũng được tính toán theo quy định và đơn giá hiện hành; chi phí quản lý dự án tạm tính khoảng 2% chi phí xây dựng, thiết bị.

Theo ông Nguyễn Cao Minh, khái toán mức đầu tư dự án phụ thuộc nhiều yếu tố như công nghệ, thiết bị giải phóng mặt bằng, tỷ giá, mức dự phòng, trượt giá... Dự án Trần Hưng Đạo - Thượng Đình được khái toán nhiều hạng mục theo chi phí của dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do gần đồng nhất về tỷ giá, công nghệ và thời điểm xây dựng.

Lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng khẳng định, giá trị tổng mức đầu tư trên mới chỉ là dự kiến, được khái toán ở giai đoạn lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Chỉ sau khi hoàn thành lập thiết kế cơ sở và báo cáo nghiên cứu khả thi thì tổng mức đầu tư mới được xác định chính thức. 

"Việc này như xây một cái nhà, chúng ta ước tính chi phí ban đầu để chuẩn bị tiền, sau đó khi mới thiết kế nhà và tính toán chi phí cụ thể", ông Minh nói.

Trước đó ngày 13/10, UBND TP Hà Nội đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất dự án và giải thích các nội dung liên quan đến tổng mức đầu tư. 

Theo giải trình của Hà Nội, các chi phí được điều chỉnh giảm gồm chi phí xây dựng, mua sắm, lắp đặt hệ thống đường sắt, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, chi phí lãi vay… Việc tính toán lại dựa trên cơ sở tham khảo thông số của các tuyến đường sắt khác cũng như giảm chi phí không cần thiết. 

Hiện các ban ngành của Hà Nội đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm trình Chính phủ thông qua đề xuất dự án đường sắt đô thị Trần Hưng Đạo - Thượng Đình. 

Theo quy hoạch Giao thông Vận tải thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 2 gồm 4 dự án: Nội Bài – Nam Thăng Long; Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; Trần Hưng Đạo – Thượng Đình; Thượng Đình – vành đai 2.5 – Hoàng Quốc Việt. 

Trên tuyến số 2, Hà Nội triển khai hai dự án: dự án 2.1 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Dự án đang hoàn thiện các thủ tục để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, dự kiến lựa chọn nhà thầu thi công vào năm 2018. 

Dự án 2.2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình sử dụng vốn ODA Nhật Bản đã được Hà Nội trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để báo cáo Thủ tướng.

Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)