Kinh tế

Vì sao các ngân hàng lãi khủng?

Hàng loạt ngân hàng công bố năm 2017 lãi ngàn tỉ, dẫn đầu là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế đạt tới 11.018 tỉ đồng, tăng 32,9% so với năm trước.

Vì sao các ngân hàng lãi khủng?
Năm 2017, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận lớn nhờ tín dụng tăng, nợ xấu giảm… Trong ảnh: tại quầy giao dịch một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: Q. ĐỊNH

Con số lợi nhuận 2017 trên là cao nhất mà một ngân hàng thương mại đạt được đến thời điểm này. 

Đáng lưu ý, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng rủi ro của Vietcombank ghi nhận được lên tới 17.206 tỉ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2016 và vượt kế hoạch đề ra.

Tương tự, BIDV)cũng công bố mức lãi kỷ lục với lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 8.800 tỉ đồng, trong khi đó Vietinbank đạt hơn 9.200 tỉ đồng.

Một số ngân hàng khác có lợi nhuận trước thuế tăng 40-169%. Chẳng hạn, Ngân hàng Quân đội (MB) đạt mức 5.355 tỉ đồng, tăng 44,3% so với năm trước. 

Hàng loạt các ngân hàng như Eximbank, TPBank hay HDBank cũng vượt phần lợi nhuận chỉ tiêu khá nhiều.

Có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Chẳng hạn như tại Vietcombank, tính đến cuối năm 2017, nợ xấu nội bảng giảm 705 tỉ đồng.

Với Sacombank, năm 2017 đã xử lý được 19.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó tính riêng việc bán ba tài sản liên quan đến nhóm ông Trầm Bê tại Long An đã thu về 9.200 tỉ đồng.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng lợi nhuận năm 2017 của các ngân hàng là kết quả của việc hi sinh lợi nhuận trong nhiều năm trước do phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, cổ đông cũng không được chia cổ tức... Nay phần đã trích lập được hoàn nhập, tạo nên lợi nhuận được gọi là bất thường cho nhà băng.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn cũng đem đến nguồn lợi nhuận lớn cho một số ngân hàng, chẳng hạn Vietcombank đã thu về hơn 513,14 tỉ đồng từ việc bán cổ phần tại Saigonbank, Công ty Tài chính ximăng...

Ngoài ra, các ngân hàng cũng áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí. 

Lãnh đạo Vietcombank cho biết trong năm 2017 đã rút các chương trình khuyến mãi hoặc ưu đãi lãi suất huy động vốn, tìm cách gia tăng tỉ trọng nguồn vốn không kỳ hạn, chuyển dịch theo hướng mở rộng tín dụng bán lẻ, giảm dư nợ bán buôn hiệu quả thấp...

Trước thông tin lãi lớn, một số ngân hàng tính chia cổ tức nhiều hơn. HDBank dự định chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 25-30%. 

Lãnh đạo OCB cho biết mức cổ tức năm 2017 sẽ khoảng 15%, cao hơn mức 10% năm trước. Một ngân hàng cổ phần khác có trụ sở tại Hà Nội cũng dự kiến nâng mức cổ tức từ 12% lên 15%...

Về lãi suất cho vay, sau nghị quyết 01 của Thủ tướng và định hướng của ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã bắt đầu rục rịch giảm lãi suất cho vay 0,5-1% với các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp... 

Tuy nhiên, đa số ngân hàng cho biết dù năm 2017 lãi cao nhưng vẫn phải tiếp tục xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, nên giảm lãi suất cho vay sẽ chủ yếu cho các đối tượng ưu tiên, khó áp dụng đại trà.

Hạn chế nợ xấu mới

ThS Đỗ Gioan Hảo, giảng viên Khoa Thuế - Hải quan Đại học Tài chính - Marketing, dự đoán trong năm 2018, nghị quyết 42 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp các ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu.

Nhưng ông Hảo vẫn lưu ý các ngân hàng phải hết sức kiểm soát dòng tiền, hạn chế dồn vốn vào những lĩnh vực rủi ro hoặc tăng nóng nhằm tránh phát sinh thêm nợ xấu như từng xảy ra trước đây.

Theo Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)