Kinh tế

Vé xe Tết: Chây ỳ giảm, niêm yết một đằng bán một nẻo

Tương tự TP HCM, tại Đà Nẵng, Hà Nội, các nhà xe cũng biện minh đủ kiểu để chây ỳ giảm cước, giảm cước “nhỏ giọt” và đăng ký niêm yết giá một đằng, bán vé một nẻo…

Tương tự TP HCM, tại Đà Nẵng, Hà Nội, các nhà xe cũng biện minh đủ kiểu để chây ỳ giảm cước, giảm cước “nhỏ giọt” và đăng ký niêm yết giá một đằng, bán vé một nẻo…

 
Ngày 5/2, tại bến xe Trung tâm Đà Nẵng, hơn 20 quầy vé đều dán bản niêm yết giá vé xe Tết. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, giá vé xe Tết giảm không đáng kể, thậm chí, cao ngang ngửa so với năm ngoái. Anh Hưng - sinh viên Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng - phàn nàn: “Em mua vé xe giường nằm về TP Vinh (Nghệ An) nhưng giá không giảm, năm ngoái cũng 350.000 đồng/vé”. Tương tự, sinh viên Đinh Thị Quế Duyên - Trường Đại học Kỹ thuật y dược - cho hay: “Giá vé Tết từ Đà Nẵng về Gia Lai là 290.000 đồng, chỉ giảm 10.000 đồng so với năm ngoái”.

Quản lý một xe giường nằm chất lượng cao BKS 43X-1360 (Hãng xe Ngọc Ánh, tuyến cố định Đà Nẵng - Hà Nội) - phần trần: “Đồng ý là giá xăng dầu giảm nhưng “bắt” chúng tôi giảm giá vé xuống nhiều là không hợp lý. Vì xăng dầu chỉ là một phần trong chi phí vận tải. Vì sao không “bắt” thực phẩm, thức ăn, phụ tùng xe… giảm mà cứ “bắt” giảm giá vé xe. Chỉ khi mọi thứ đồng bộ giảm theo giá xăng dầu thì giá vé xe khách mới hy vọng giảm sâu được”.

Hiện trên tuyến Đà Nẵng - Hà Nội, nhà xe Ngọc Ánh đã giảm từ 380.000 đồng/vé ngày thường xuống còn 365.000 đồng/vé nhưng tăng mức phụ thu vé xe Tết. “Nhà xe không tự ý tăng cước, giá vé xe Tết là giá niêm yết do bến xe đưa ra, nhà xe chỉ thực hiện theo” - quản lý xe này cho bay.
 

Giá vé xe giường nằm từ Đà Nẵng đi TP  HCM.

 
Ông Lê Viết Hoàng - GĐ Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng - cho biết, sau đợt giá xăng dầu giảm sâu vừa qua, các đơn vị vận tải hành khách tại bến đã thực hiện giảm giá cước từ 6-12%. Trong trước và sau Tết, bến xe Đà Nẵng phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị vận tải lập hồ sơ đăng ký, kê khai giá để niêm yết công khai.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị có xe chạy lệch chiều trong dịp Tết thì “xin” tăng giá vé để đảm bảo được nguồn thu, cân đối chi phí. Nhiều đơn vị chạy theo chiều rỗng như Công ty CP vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang, Công ty vận tải và dịch vụ thương mại Phi Hiệp… cũng tăng mức phụ thu giá vé xe Tết lên từ 25 đến 40% (tùy theo tuyến).

Theo Bộ GTVT, kết quả kiểm qua giá cước tại Đà Nẵng ngày 3/2 vừa qua cho thấy, chỉ có 22/30 doanh nghiệp vận tải hàng hóa container kê khai giá, trong đó 10 đơn vị kê khai lần đầu và 12 đơn vị kê khai giảm giá tỷ lệ từ 3-21%. Hiện đoàn kiểm tra liên Bộ: Tài chính - GTVT đang tiếp tục kiểm tra việc chấp hành Pháp luật về giá của 5 đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe trên địa bàn Đà Nẵng.

“Đăng ký một đằng, bán vé một nẻo”
 
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - Nguyễn Hoàng Linh, tính đến hết tháng 1/2015, trên địa bàn TP có 87/99 DN taxi giảm giá cước với mức giảm từ 8-23%, trong đó có DN giảm 3 lần; 52 DN vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định đăng ký giảm giá cũng với mức giảm 8-23% (chiếm 67% số lượng các DN vận tải khách liên tỉnh).

TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các DN phải niêm yết giá cước theo quy định và thực hiện theo đúng giá đã đăng ký. Các đơn vị khai thác bến xe phải kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá tại bến xe của mình. Thực tế cho thấy, một số DN vận tải đăng ký một đằng nhưng bán vé thực tế lại một nẻo. Vì vậy, thời gian tới, Sở GTVT sẽ kiểm tra, xử lý, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Trong khi vẫn còn hàng chục DN vận tải chưa chịu giảm giá cước thì đại diện Sở GTVT cho hay, đơn vị này đã nhận được một số đề nghị của DN phụ thu dịp Tết, mức phụ thu lên tới 40-60%. Tuy nhiên, năm nay, Sở GTVT không chấp thuận yêu cầu của các DN vận tải khách liên tỉnh xin được phụ thu phục vụ Tết. Cũng theo ông Linh, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động vận tải khách sai quy định.

Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam - Nguyễn Văn Thanh cho rằng, hiện người dân cũng đã thấy DN nào giảm, hoặc không giảm để tẩy chay vì trước tiên hành khách phải là người tiêu dùng thông minh. Nhiều DN đầu tư xe chất lượng cao với những dịch vụ tốt và không giảm giá nhưng hành khách vẫn lựa chọn. Trong khi đó nhiều xe giảm giá nhưng chất lượng kém thì cũng không thể hút khách được. Cũng theo ông Thanh việc cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thận trọng khi khuyến cáo người dân và các doanh nghiệp tẩy chay các DN không chịu giảm giá cước hoặc giảm nhỏ giọt. Vì việc thu hồi giấy phép kinh doanh phải theo quy định của Luật Doanh nghiệp, do vậy phải tìm hiểu đúng thực chất những DN trây ỳ để xử lý.
 

Nghệ An: Giá vé xe của Hãng Văn Minh cao hơn hãng khác 50.000 đồng

Sau hai đợt giảm giá, giá vé xe giường nằm tuyến Vinh - Hà Nội của Hãng xe Văn Minh vẫn cao hơn một số nhà xe khác từ 20.000 đến 50.000 đồng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Khảo sát tại bến xe Vinh vào sáng 6/2, bảng niêm yết giá vé cho thấy giá vé xe giường nằm tuyến Vinh - Hà Nội của Công ty Văn Minh là 220.000 đồng/vé, trong khi giá vé của nhà xe Tiến Thành, Phương Ly là 170.000 đồng, nhà xe Phú Quý, Tuấn Việt, Hào Thanh… 180.000 đồng, một số nhà xe khác có mức giá 190.000-200.000 đồng. Giá vé của xe Văn Minh cao hơn các nhà xe khác từ 20.000-50.000 đồng.

Ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản Sở Tài chính Nghệ An - cho biết hiện nay, 100% nhà xe đã kê khai giảm giá theo chủ trương chung, nhưng mức giảm khác nhau.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Nghệ An thông tin thêm nếu doanh nghiệp kê khai giá quá cao, không hợp lý thì cơ quan chức năng sẽ không chấp nhận, yêu cầu kê khai lại. “Cùng một dịch vụ, mà có các mức giá khác nhau, người tiêu dùng có quyền lựa chọn hay tẩy chay”.

QUANG ĐẠI

 
Theo Đặng Tiến - Nhiệt Băng (Lao Động)