Kinh tế

VCCI kiến nghị Thủ tướng bỏ Thông tư 20

VCCI cho rằng việc bãi bỏ Thông tư 20 về nhập khẩu ôtô có ý nghĩa rất lớn với quá trình phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhờ cạnh tranh bình đẳng.

VCCI cho rằng việc bãi bỏ Thông tư 20 về nhập khẩu ôtô có ý nghĩa rất lớn với quá trình phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhờ cạnh tranh bình đẳng.
vcci-kien-nghi-thu-tuong-bo-thong-tu-20

Thị trường xe nhập khẩu đứng trước những bước ngoặt mới khi số phận của Thông tư 20 được định đoạt.

Cụ thể, VCCI nhận định trong thời gian Thông tư 20 có hiệu lực trước đây, việc nhập khẩu xe từ các thương hiệu mới có xuất xứ Trung Quốc, ASEAN rất dễ dàng.

"Xuất phát từ việc các quốc gia này đang trong quá trình xây dựng thương hiệu mới nên sẵn sàng, thậm chí còn chủ động, cấp giấy ủy quyền cho bất kỳ một nhà nhập khẩu nào có nhu cầu. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp bắt đầu nhập các xe có thương hiệu mới từ các nước trong khu vực nhưng thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam không đón nhận", VCCI cho biết.

Điều này đã từng diễn ra khi Việt Nam dỡ bỏ hàng rào bảo hộ đối với xe máy. Ngay sau khi giảm thuế, một số loại xe máy Trung Quốc cũng đã được đưa vào nhưng ngay sau đó bị các sản phẩm sản xuất trong nước đánh bật do không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

Tuy nhiên, Thái Lan là nước sản xuất xe tay lái nghịch, nên muốn nhập khẩu xe từ nước này, doanh nghiệp buộc phải đặt hàng nhà máy sản xuất riêng và phải có đơn hàng lớn.Theo lộ trình, năm 2018, ôtô nhập khẩu nội khối ASEAN sẽ có thuế suất nhập khẩu 0%, với điều kiện xuất xứ phải đạt 40% giá trị nội khối. Với điều kiện này, chỉ có xe ôtô sản xuất từ Thái Lan mới có cơ hội được hưởng thuế thấp và ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

"Đây rõ ràng là rào cản hầu như không thể vượt qua đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô không được ủy quyền. Do đó, việc tồn tại hay không tồn tại Thông tư 20 không có tác động lớn đến việc nhập khẩu xe ôtô từ các nước ASEAN sau năm 2018", văn bản nêu.

Ngược lại, VCCI cho rằng Thông tư 20 đã tạo ra động lực ngược đối với sản xuất ôtô trong nước. Do các nhà sản xuất tại đây chủ yếu là liên doanh với các hãng ôtô lớn của nước ngoài nên các đơn vị này sẽ luôn được ủy quyền.

Khi đó, lợi nhuận từ việc nhập khẩu xe ôtô tăng cao có thể tạo động lực khiến các liên doanh tập trung vào nhập khẩu thay vì nỗ lực sản xuất và nội địa hóa. 

"Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, việc bảo hộ sản xuất trong nước luôn phải có lộ trình định trước theo hướng giảm dần bảo hộ, tăng dần cạnh tranh. Chính sách bảo hộ sản xuất ôtô trong nước của Việt Nam đã được duy trì từ cuối thế kỷ trước và thời gian đủ chứng minh rằng hàng rào bảo hộ sản xuất trong nước không thực sự hiệu quả", VCCI nêu và cho rằng Thông tư 20 hiện nay đang bảo hộ cho tất cả các dòng xe và đang dành thị trường của Việt Nam cho một số nhà nhập khẩu nước ngoài.

Về vấn đề nhập siêu, tổ chức này dẫn báo cáo cho thấy tình trạng chi tiêu ngoại tệ cho nhập khẩu xe dưới 9 chỗ năm 2011 là 1,02 tỷ USD, sang năm 2015 đạt 2,98 tỷ USD (giá trị chưa tính thuế). Tỷ trọng của ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn quốc năm 2011 là 0,94%, nhưng đến năm 2015 là 1,81% (tăng gần gấp đôi). Như vậy, không có căn cứ cho thấy việc duy trì Thông tư 20 có tác dụng hạn chế nhập siêu.

Đặc biệt, VCCI khẳng định việc đảm bảo an toàn cho phương tiện đã và nên được bảo đảm dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật chung của Việt Nam, không có sự phân biệt giữa nhập khẩu có ủy quyền hay không có ủy quyền. Nhà nước chỉ nên quan tâm đến chất lượng tối thiểu còn chất lượng cao hơn thì nên để người tiêu dùng lựa chọn.

Do đó, việc mở rộng cạnh tranh luôn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm bán hàng.

Về ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu có ủy quyền thường có chế độ chăm sóc khách hàng tốt hơn, các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cũng tốt hơn so với các doanh nghiệp không có ủy quyền. Tuy nhiên, đi kèm với đó thường là giá cả dịch vụ cao hơn. Việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ làm tăng cơ hội lựa chọn của người tiêu dùng. Người tiêu dùng nào có khả năng tài chính vẫn có thể lựa chọn các doanh nghiệp có chế độ chăm sóc khách hàng, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng tốt. Người tiêu dùng khác vẫn có sự lựa chọn các doanh nghiệp có dịch vụ vừa phải nhưng giá thành cũng phải chăng hơn.

"Cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trao cho họ quyền được lựa chọn. Luật không nên buộc người dân phải vào siêu thị mua sắm vì chất lượng thực phẩm trong siêu thị cao hơn. Người ta có thể mua ở hàng xén, cửa hàng tiện lợi gần nhà", văn bản nêu.

Theo VCCI, khi các doanh nghiệp khác khó hoặc không thể gia nhập thị trường thì toàn bộ thị trường sẽ nằm trong tay một vài doanh nghiệp lớn. Trong môi trường như vậy rất dễ hình thành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh gây thiệt hại lớn đến người tiêu dùng.

Đơn vị này cho rằng Thông tư 20 có ý nghĩa như một điều kiện kinh doanh, tạo ra không phù hợp với Luật cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ bởi pháp luật không cho phép nhà sản xuất ôtô ở nước ngoài được ngăn cản người mua sản phẩm của mình bán, xuất khẩu, nhập khẩu chiếc ôtô đó sang quốc gia khác. 

VCCI khẳng định, việc bãi bỏ Thông tư 20 có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trường Hải từng xuất phát từ một doanh nghiệp nhỏ, phân phối xe, sau đó mới phát triển trở thành doanh nghiệp sản xuất ôtô hàng đầu Việt Nam. Do vậy, tổ chức này cho rằng Nhà nước nên trao cho các doanh nghiệp nhỏ cơ hội để phát triển chứ không nên ngăn cản, từ đó mới có các doanh nghiệp tư nhân lớn như Trường Hải.

VCCI nhận định trong hai yếu tố cấu thành thị trường ôtô trong nước (cung và cầu), quy định của Thông tư 20 chỉ tác động đến phần cung mà không ảnh hưởng đến cầu về ôtô của người tiêu dùng Việt Nam. Theo quy luật thị trường, khi cung giảm mà cầu giữ nguyên thì giá sẽ tăng và người tiêu dùng phải trả tiền cho sự tăng giá này. Nếu khoảng chênh lệch giá này được chuyển vào ngân sách Nhà nước (dưới dạng thuế nhập khẩu, phí sử dụng xe…) thì vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát lượng xe nhập khẩu mà lại có tác dụng tăng thu, có thêm tiền đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quy định của Thông tư 20 lại khiến cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có ủy quyền được hưởng khoản chênh lệch tăng giá này.

Do đó, nếu khẳng định Thông tư 20 có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ôtô trong nước thì hệ quả của nó là các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có ủy quyền sẽ được hưởng lợi nhuận lớn hơn. Còn nếu cho rằng các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ôtô có ủy quyền không được hưởng lợi nhuận lớn hơn thì đồng nghĩa với việc Thông tư 20 không có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ôtô trong nước. 

Theo Bạch Dương (VnExpress.net)