Kinh tế

Vàng cất két sắt bốc hơi trăm tỷ: Đại gia phát hoảng

Giá vàng xuống dốc không ngừng nghỉ trong vài năm qua khiến túi tiền của nhiều đại gia hao hụt hàng trăm ngàn tỷ đồng và có thể còn bốc hơi thêm nữa theo xu hướng trên thế giới.

Giá vàng xuống dốc không ngừng nghỉ trong vài năm qua khiến túi tiền của nhiều đại gia hao hụt hàng trăm ngàn tỷ đồng và có thể còn bốc hơi thêm nữa theo xu hướng trên thế giới.

Tưởng giá vàng đã ổn định ở mức 35-36 triệu đồng/lượng, ông Đỗ Anh Tuấn, ông chủ một cửa hàng ăn tại Hoàng Mai đã yên tâm mua vào đều đặn với mục đích tích trữ trong bối cảnh ông chưa tìm được cơ hội đầu tư và hy vọng sự hồi phục của mặt hàng kim loại quý này.

Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, ông Tuấn lại bắt đầu bị dao động tinh thần do vàng bất ngờ quay đầu giảm mất cả triệu đồng/lượng. Hàng trăm cây vàng tích trữ trong nhiều năm tiếp tục bốc hơi thêm cả trăm triệu đồng trong một thời gian rất ngắn.

Giá vàng SJC chiều 26/6 giảm phiên thứ 5 liên tiếp, mất thêm 30.000-40.000 đồng/lượng so với chiều phiên liền trước xuống 34,33 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,39 triệu đồng/lượng (bán ra) - mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Tính chung trong tuần này, vàng SJC đã giảm tổng cộng khoảng 450.000 đồng/lượng. Còn so với hồi cuối tháng 1/2015, vàng SJC đã giảm hơn 1,4 triệu đồng/lượng. Túi tiền của nhiều người dân nắm giữ vàng, theo đó, cũng bốc hơi cả tỷ bạc.

Trước đó, trong năm 2013, ông Tuấn cũng đã từng chịu cú sốc vàng bốc hơi hơn 11 triệu đồng do chần chừ không bán vàng. Và nếu so với đỉnh cao trên 49 triệu đồng/lượng hồi tháng 8/2011, thì con số thua lỗ tính trên mỗi lượng còn lớn hơn, mất tới 15 triệu đồng/lượng. Tổng thiệt hại của ông Tuấn là nhiều tỷ đồng.

Thiệt hại do vàng giảm giá khá phổ biến bởi người dân Việt Nam có truyền thống giữ vàng như một kênh tích trữ, tiết kiệm và thậm chí là đầu tư. Nhiều người dân còn thiệt hại lớn hơn do nắm giữ vàng phi SJC bởi các thương hiệu vàng này thường xuyên có giá thấp hơn vàng SJC từ 2-7 triệu đồng/lượng.
 

Giá vàng xuống dốc không ngừng nghỉ trong vài năm qua khiến túi tiền của nhiều đại gia hao hụt hàng trăm ngàn tỷ đồng

 
Tỷ lệ thua lỗ của người cầm vàng tính theo tiền đồng Việt Nam cũng gần tương đương với tốc độ giảm giá của vàng thế giới, từ mức đỉnh 1.920 USD/ounce hồi tháng 9/2011 xuống còn dưới 1.200 USD/ounce như hiện nay.

Bảo Tín Minh Châu, một trong những đơn vị kinh doanh vàng lớn nhất tại Hà Nội, cho biết, giá vàng trong nước phiên sáng 26/6 tiếp tục giảm đã hấp dẫn nhu cầu mua vàng tích trữ của nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, nhìn chung khối lượng giảm nhiều so với các năm trước đó.

Doanh thu của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vài năm gần đây thấp hơn nhiều so với thời kỳ thị trường vàng sốt nóng, năm 2014 chỉ bằng 50% so với năm 2011.

Thiệt hại kép

Trong xu hướng downtrend dài hạn, vàng vẫn có nhiều đợt tăng giá khá mạnh trở lại. Do vậy, không ít NĐT vẫn kiếm được tiền trong thời kỳ giá vàng xuống dốc này. Tuy nhiên, rất nhiều người mua vàng chỉ để đút két, không giao dịch bán ra mua vào, đã thua lỗ nặng nề.

Một số người thậm chí còn thiệt hại kép do mua vàng lúc sốt để tích trữ, trong khi đi vay tiền ngân hàng để kinh doanh bất động sản. Khi vàng xuống giá, nhiều người thua lỗ không dám bán, trong khi lãi suất ngân hàng ở mức cao và BĐS cũng giảm giá rất mạnh.
 

Một số người thậm chí còn thiệt hại kép do mua vàng lúc sốt để tích trữ, trong khi đi vay tiền ngân hàng để kinh doanh bất động sản.

 
Một số NĐT đen đủi với TTCK khi VN-Index xuống dưới 400 điểm hồi tháng 8/2011 đã bán tháo cổ phiếu để mua vàng vào cũng đã thiệt hại kép. Vàng giảm một mạch từ 49 triệu đồng/lượng xuống hơn 34 triệu hiện tại, trong khi chứng khoán hồi phục tương đối trong vài năm gần đây, có nhiều thời điểm ở trên mức 600 điểm.

Nhiều người cho vay vàng trong vài năm qua cũng ngậm bồ hòn làm ngọt. Ngược lại, người vay vàng mừng thầm trong bụng.

Cũng giống như các loại hàng hóa khác, giá vàng liên tục biến động lên xuống trong ngắn hạn. Nhưng nhìn chung từ 2011 tới nay, tức khoảng 4 năm, xu hướng vàng đi xuống là rất rõ ràng sau một chu kỳ vàng tăng giá hơn 10 năm trước đó.

Mức giá 34,39 triệu đồng/lượng chiều 26/6 trên thực tế chưa phải là đáy của mặt hàng kim loại quý này bởi trước đó hồi tháng 6/2013 vàng đã có lúc xuống 34 triệu đồng/lượng nhưng chỉ duy trì trong một khoảng buổi chiều. Sau đó, vàng đã nhanh chóng trở lại ngưỡng 37 triệu đồng/lượng.

Đánh giá về thị trường vàng, Bảo Tín Minh Châu cho rằng, vàng thế giới giảm 5 phiên liên tiếp trên thị trường thế giới là do NĐT đang chờ đợi thông tin từ Hy Lạp và thận trọng hơn trước những quyết định nâng lãi suất của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, trích phân tích của Commerzbank, BTMC cho rằng, giá vàng sẽ hồi phục trở lại nhờ tình hình Hy Lạp nhưng sẽ chậm do áp lực bán của giới đầu tư đã ghìm giá lại.

Với những diễn biến lên xuống khá mạnh trong quá khứ, đại diện của DN này cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để NĐT và người dân mua vàng tích trữ đợi giá lên bán chốt lời.

Nhiều dự báo gần đây cho rằng, vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng giảm giá do đồng USD vẫn không ngừng đi lên và Fed đã phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Tuy nhiên, nhiều tổ chức cũng khuyến nghị xu hướng giảm của vàng đã phản ánh nhiều vào giá trong vài năm vừa qua. Bên cạnh đó, tình hình tài chính bê bết của Hy Lạp cũng đã được phán ánh gần hết vào giá vàng.

Do vậy, rất có thể vàng sẽ phục hồi ngắn hạn nếu EU và Hy Lạp đạt được thỏa thuận về thanh toán nợ nần trong vài ngày tới. Thêm vào đó, những bất ổn địa chính trị diễn biến ngày càng khó lường cũng là cơ sở nâng đỡ giá vàng.

Theo Mạnh Hà (Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam)