-->
Kinh tế

Vấn đề thuế - những cú sốc lớn: Tăng ào ào - giảm nhỏ giọt

Trong lĩnh vực thuế, phí trong thời gian gần đây thì nhiều chuyên gia đánh giá là, “tăng ào ào nhưng giảm… nhỏ giọt”. Đặc biệt là, Bộ Tài chính đang cố gắng thu thuế ngay cả với người nghèo, thay vì tìm ra những giải pháp chống thất thu thuế.

3 cú sốc lớn: Tăng được là cứ tăng

Chưa đầy 1 năm, đây là lần thứ 3, Bộ Tài chính gây ra “cú sốc lớn” (chưa kể những cú sốc nhỏ). Đầu tiên là đề xuất điều chỉnh 5 loại thuế, gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế tài nguyên theo hướng chủ yếu là tăng.

Gây bức xúc nhất là đề xuất tăng thuế VAT từ 10% hiện nay lên 12% từ 1.1.2019.

Vấn đề thuế - những cú sốc lớn: Tăng ào ào - giảm nhỏ giọt

Với tăng thuế VAT, Bộ Tài chính lập luận rằng “phù hợp thông lệ quốc tế” và “không ảnh hưởng đến người thu nhập thấp”- như lời bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng ban Chính sách tài chính công - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - trong cuộc họp báo hồi tháng 9 năm ngoái.

Thế nhưng, TS Vũ Thành Tự Anh từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright phân tích: “Thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy, sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng 1 mức thuế VAT cho cùng 1 sản phẩm chịu thuế. Song, do người thu nhập thấp phải dành 1 tỉ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT, vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn”.

Mặc dù nhận được nhiều ý kiến phản đối, nhưng Bộ Tài chính vẫn quyết tăng thuế VAT khi hồi đầu năm 2018, Bộ này cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và đề xuất giãn lộ trình tăng thuế suất thuế VAT theo hướng từ ngày 1.1.2019 tăng thuế GTGT từ 10% lên 11%; từ ngày 1.1.2020 tăng từ mức 11% lên mức 12%.

Cú sốc thứ 2, là việc tăng thuế môi trường, với mức tăng dự kiến 4.000 đồng/lít xăng. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, tăng thuế khiến giá xăng tăng sẽ tác động đến đa số người dân. Thực tế, việc tăng thuế để bảo vệ môi trường là việc cần làm và phải làm, nhưng vấn đề ở đây là chuyện thiếu minh bạch.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Người dân sẽ ủng hộ Chính phủ, nếu biết lý do tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là gì? Hiệu quả môi trường của việc tăng thuế môi trường ra làm sao, ai sử dụng và đo lường hiệu quả ấy, còn hiện nay là rất tù mù. Bà Lan đặt ra vấn đề rằng, người dân luôn tự hỏi, tăng thuế môi trường thì ai được lợi? Nếu chứng minh được phục vụ cho người dân, minh bạch cách chi thì người dân sẽ đồng tình và sẵn sàng vì Nhà nước.

Rõ ràng, cái cần nhất là giảm chi, giảm biên chế, tránh thất thu thuế, chứ không phải nghĩ cách tăng thu.

Và cú sốc thứ 3, chính là đề nghị bổ sung thuế tài sản với nhà ở trên 700 triệu và xe ôtô trên 1,5 tỉ đang khiến dư luận xôn xao. Cho đến nay, từ người dân đến các chuyên gia hầu hết là không đồng thuận, bởi kiểu tính thuế mang tính “tận thu” của Bộ Tài chính.

Đánh thuế quả trứng nhưng lại tha… con bò

Bản chất của việc đưa ra các sắc thuế chính là phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính lâu dài và công bằng, minh bạch.

Thiếu 3 yếu tố này, các sắc thuế sẽ mất giá trị và bị phản ứng. Về tính lâu dài, căn cứ vào sức khỏe của nền kinh tế, khả năng tài chính của cá nhân, Bộ tài chính cần phải cân nhắc thời gian đưa ra sắc thuế mới.

Về tính công bằng, đây là vấn đề hệ trọng. Ngay cả việc đưa ra đề nghị đánh thuế tài sản (tập trung vào việc đánh thuế nhà trên 700 triệu, thay vì thu thế nhà thứ 2 hay tính thuế theo m2 sử dụng) được cho là “phục vụ người giàu”, “đẩy khó về phía người dân có thu nhập thấp” cho dù Bộ Tài chính luôn khẳng định, mức 700 triệu đồng là để “công bằng”, “hạn chế đầu cơ tài nguyên, đất đai”.

Mặt khác, việc Bộ Tài chính vẫn chưa thể “túm cổ” những Cty công nghệ để thu thuế cho thấy, ngành thuế vẫn tụt hậu và gây thất thu lớn. Bằng chứng lớn nhất là, Bộ Tài chính chưa đưa ra được cơ chế để đánh thuế những “mỏ vàng” như thương mại điện tử, Grab, Youtube, Google, Facebook… Nghĩa là, đang có những khoản thuế cực lớn đang thất thu mỗi ngày. Việc nhăm nhăm đánh thuế quả trứng nhưng bó tay với những “con bò” không chỉ minh chứng cho năng lực ngành tài chính mà còn gây bức xúc trong xã hội.

Cuối cùng là câu chuyện minh bạch. Ngay cả những lời giải thích từ phía Bộ Tài chính như “theo thông lệ quốc tế”, “tạo sự công bằng” đã không thuyết phục được người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Cái khổ của chúng ta lâu nay là thiếu minh bạch, không thuyết phục trong chi tiêu. Cái cần nhất hiện nay là phải giảm chi, giảm biên chế. Chừng nào ghế ngồi trong cơ quan nhà nước còn gắn liền với tiền, quyền lực thì những đề xuất tăng thuế sẽ bị phản ứng. Người dân sẽ nghĩ ngay số tiền đó để chi tiêu cho bộ máy”.

Theo Linh Anh (Lao Động)