Kinh tế

USD tăng dữ dội: Thị trường nổi sóng khi đồng đô lên đỉnh

Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi. Các thị trường chứng khoán nhuốm màu đỏ, còn đồng USD tăng vọt, Euro và Nhân dân tệ tụt giảm.

Thị trường quốc tế nổi sóng trước những diễn biến khó lường. Ở trong nước, USD tự do tăng vượt 23.100 nhưng thị trường khá ổn định.

USD tăng dữ dội

Thị trường tài chính toàn cầu những ngày qua biến động dữ dội. Đồng USD liên tục tăng giá lên mức cao nhất 11 tháng. Các đồng Euro và NDT giảm giá nhanh. Chỉ số Dow Jones rớt 400 điểm trong chỉ 1 phiên, xóa sạch đà tăng trong cả năm. Trong khi đó, chỉ số ShangHai phiên 19/6 rớt gần 4%, Hang Seng bốc hơi hơn 900 điểm. Hơn 1.000 cổ phiếu Trung Quốc giảm sàn 10% vì lời đe dọa áp thuế của ông Trump.

Sáng 21/6, đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc lên gần 95,3 điểm, cao nhất trong 11 tháng qua. Trong nước, USD tự do đứng ở mức cao, trên ngưỡng 23 ngàn đồng.

Đồng euro lần đầu tiên trong hơn 6 tháng qua xuống dưới ngưỡng 1,16 USD đổi 1 euro. Trong khi đó, bảng Anh cũng đã xuống dưới ngưỡng 1,32 USD đổi 1 bảng Anh. 

USD tăng dữ dội: Thị trường nổi sóng khi đồng đô lên đỉnh

Trong nước, đồng USD trên thị trường tự vượt trên ngưỡng 23.000 đồng/USD. Có thời điểm, đồng USD trên thị trường tự do đã lên mức 23.100 đồng. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng cũng tăng khá mạnh, chạm ngưỡng 22.900 đồng/USD.

Sáng 21/6, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.900 đồng (bán ra) và 22.830 đồng (mua vào), tăng 55 đồng so với một tuần trước đó. Tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết tăng 34 đồng so với tuần trước, tỷ giá tham khảo (bán ra) cũng tăng ở mức tương tự.

Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá tăng chủ yếu có nguyên nhân từ bên ngoài. Trước tiên, đó là bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên mức 1,75%/năm vào tuần trước và dự kiến sẽ tăng thêm hai lần nữa trong 2018. Bên cạnh đó, lạm phát của Việt Nam có xu hướng tăng và xu hướng chững lại của dòng vốn ngoại vào Việt Nam, không còn dồi dào như nửa cuối 2017.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho rằng, tỷ giá tăng là do hội tụ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu do Fed tăng lãi suất, nước ngoài rút vốn. Bên cạnh đó là do NHNN đang linh hoạt điều tiết giá niêm yết tỷ giá trung tâm, rồi cung cầu trên thị trường và hiện tượng đầu cơ vàng chênh lệch (hiện giá vàng thế giới thấp hơn trong nước 1,6 triệu đồng/lượng).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hiện tượng tỷ giá tăng gần đây là khá bình thường. Thị trường ngoại hối vẫn ổn định bởi quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam khá ổn, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục và mức độ tăng tỷ giá USD/VND thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới và khu vực.

Trong nước giữ ổn định dài hạn

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, với mức độ tăng như hiện tại, thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn khá ổn đỉnh so với các nước. Hơn thế, Việt Nam có cơ sở để kìm giữ tỷ giá không tăng vượt tầm kiểm soát như một số nước. Lý do là bởi, theo ông Tuấn, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ở vào thời kỳ ổn định thực sự, nên dòng vốn bị rút ra khá ít. 

Đại diện NHNN cũng khẳng định các ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp, trên thị trường cung cầu ổn định, thanh khoản tốt, không có tình trạng găm giữ USD và ngân hàng vẫn mua được ngoại tệ từ nhà kinh doanh.

Cũng theo ông Tuấn, việc tiền đồng giảm giá vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN. Tuy nhiên, cũng có rủi ro là yếu Fed đẩy nhanh tăng lãi suất thêm 1-2 lần nữa. Khi đó, áp lực và những biến động khó lường trên thế giới có thể tác động tiêu cực tới thị trường trong nước. Dòng vốn rút ra mạnh hơn cũng sẽ làm tình hình trở nên xấu hơn.

Việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cũng như tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tương đối khả quan sẽ kéo theo khả năng USD năm nay tăng giá thay vì mất giá như năm ngoái, gây áp lực cho đồng VND. Ngoài ra, còn có rủi ro khác từ khoản nợ nước ngoài khá lớn của Việt Nam.

Trong một báo cáo mới ra, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cũng lưu ý từ nay đến cuối năm 2018, đồng USD xu hướng tăng trở lại. Do vậy, chính sách tỷ giá cần tiếp tục bám sát và có những động thái điều hành linh hoạt.

Trên thực tế, tỷ giá tăng là yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu, các doanh nghiệp nhận thanh toán tiền bằng USD sẽ có lợi hơn. Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam chủ yếu mạnh về xuất khẩu do vậy, khi tỷ giá tăng sẽ là điều tích cực, trừ trường hợp tăng quá nhanh, một mức độ được xem là trên 2% hoặc trên 3%.

Cho tới thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 1% so với đầu năm, vẫn còn room cho những tháng cuối năm. Hơn thế, theo NHNN, cơ quan này sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ nếu thị trường cần. Hiện tại, NHNN vẫn giữ tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt.

Trong một cuộc họp gần đây, đại diện NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ giờ tới cuối 2018 sẽ tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá chủ động, thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoản và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. NHNN cũng cho biết sẽ kiểm soát dòng vốn giảm vào chứng khoán, bất động sản, BOT, BT,...

Trước đó, HSBC cũng tin tưởng thị trường ngoại tệ Việt Nam vẫn tiếp tục đà ổn định. Việt Nam tiếp tục bán vốn tại các doanh nghiệp và dòng tiền USD từ FDI, FII sẽ tiếp tục chảy vào. Kinh tế vĩ mô và TTCK Việt Nam có triển vọng tốt về dài hạn do đó khả năng tiền chảy ra thấp. 

Cũng theo ông Khoa, giá cả hàng hóa có xu hướng tăng nhanh do giá dịch vụ y tế và giáo dục và xăng dầu tăng nhưng sẽ chùng lại và lạm phát sẽ về lại mức 3,7% vào cuối năm, đáp ứng chỉ tiêu đề ra.

Chênh lệch lãi suất đồng USD và VND thấp, chỉ khoảng 1% so với 3-4%/năm trước đây cũng là yếu tố khiến cầu đối đồng bạc xanh không lớn như các năm trước. Thặng dư cán cân thương mại cũng góp phần giảm áp lực giảm giá đối với đồng VND. Thông tin mới nhất cho thấy, trong quý 1/2018, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Theo M. Hà (VietNamNet)