Kinh tế

Tỷ phú Thái có phạm luật khi 'núp bóng' DN Việt 'ôm' Sabeco?

Thương vụ tỷ phú Thái mua Sabeco có cơ chế đấu giá, có chính sách pháp luật cụ thể rồi, nhà đầu tư đảm bảo đúng cơ chế, đúng pháp luật Việt Nam. Các bộ tư pháp, KH&ĐT, Công an đều có ý kiến thẩm tra cho rằng phù hợp với pháp luật Việt Nam” – ông Đặng Quyết Tiến (Bộ Tài chính) nói.

Tỷ phú Thái có phạm luật khi 'núp bóng' DN Việt 'ôm' Sabeco?
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

 5 tỷ USD thu từ bán cổ phần Sabeco được dùng làm gì?

Tại cuộc báo chuyên đề tổ chức sáng 25.12, xung quanh vấn đề thoái vốn nhà nước và đấu giá cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 18.12, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần, tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco qua Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM với mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phần . Nhà nước dự kiến thu về khoảng 109.972 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD

Ông Tiến cho biết: “Ngày 28.12 là hạn thanh toán cuối cùng của nhà đầu tư trúng giá. Số tiền gần 110.000 tỷ đồng thu từ bán cổ phần Sabeco sẽ được chuyển về Quỹ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, có tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Điều này có nghĩa số tiền thu được từ bán cổ phần Sabeco nộp về ngân sách Nhà nước”.

Liên quan tới việc sử dụng số tiền gần 5 tỷ USD thu từ bán cổ phần Sabeco, ông Tiến tiếp tục lý giải: “Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các DN khác trước đó đều là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội. Danh mục đầu tư cho các dự án trung hạn đều đã có địa chỉ rõ ràng, do Quốc hội quyết định. Việc chi tiêu như thế nào đã có hạch toán rõ ràng và hằng năm được kiểm toán đầy đủ. Số tiền này cũng được Quốc hội giám sát. Việc chi số tiền này như thế nào đều phải có báo cáo rõ ràng

Ngoài ra, tiền lãi thu được từ các thương vụ sẽ được hoàn lại Quỹ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Quỹ không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn có nhiệm vụ chi giải quyết vấn đề lao động dôi dư sau cổ phần hoá”.

Tỷ phú Thái “ôm” Sabeco có phạm luật?

Xung quanh những nghi ngờ về của báo chí và các chuyên gia kinh tế việc tỷ phú Thái Lan lách luật trong thương vụ mua bán cổ phần Sabeco thông qua việc để một công ty đại diện ở Việt Nam đứng lên mua bán cổ phần, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ, đối với các lĩnh vực kinh doanh như bia, sữa, Chính phủ không nắm cổ phần, mà sẽ thoái hết vốn.

Tỷ phú Thái có phạm luật khi 'núp bóng' DN Việt 'ôm' Sabeco? - 1
Tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi  

“Không phân biệt doanh nghiệp thuộc sở hữu trong hay ngoài nước. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài vào thành lập công ty ở Việt Nam, có vốn nước ngoài 49%, thì theo Luật Đầu tư được đối xử như nhà đầu tư Việt Nam.

Một thương vụ đấu giá cổ phần như Sabeco có quy chế đấu giá, cáo bạch, tổ chức roadshow ở nước ngoài… Nhà đầu tư tới đây cũng bảo đảm đúng nguyên tắc đấu giá, đúng pháp luật Việt Nam thì chúng ta phải tôn trọng.

Thương vụ tỷ phú Thái mua Sabeco có cơ chế đấu giá, có chính sách pháp luật cụ thể rồi, nhà đầu tư đảm bảo đúng cơ chế, đúng pháp luật Việt Nam. Các bộ tư pháp, KH&ĐT, Công an đều có ý kiến thẩm tra cho rằng phù hợp với pháp luật Việt Nam” – ông Đặng Quyết Tiến nói

Theo ông Đặng Quyết Tiến cho biết, năm 2018, sẽ thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn như PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng công ty điện lực dầu khí (PV Power), PVoil, các công ty của Tập đoàn Cao su… Tuy nhiên, năm 2018 sẽ không dồn dập mà làm dần dần, ổn định, chứ không no dồn, đói góp như năm 2017

Về Sabeco, tới thời điểm thích hợp sẽ bán nốt 36% cổ phần còn lại. Sau đó, sẽ tính toán tiếp tục chào bán cổ phần của Habeco.

Theo Hoàng Nhật (Dân Việt)