Kinh tế

Tỷ lệ tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân giảm sâu

“Xem xét kỹ hơn cơ cấu tín dụng cho ta thấy các nhà tiêu dùng cá nhân (tín dụng tiêu dùng và sản xuất) là những đối tượng được hưởng lợi chủ yếu, thay vì khu vực doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Tỷ lệ tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân giảm sâu từ năm 2011 trở đi, mặc dù có sự gia tăng về quy mô”, Báo cáo của UNDP nêu rõ.

Tỷ lệ tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân giảm sâu
Khu vực tư nhân của Việt Nam đóng góp bình quân 38,4% tổng đầu tư phát triển trong các năm 2011-2016 (Ảnh: TL)

Báo cáo mới được công bố của Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) về tài chính cho phát triển của Việt Nam cho biết, tài chính tư nhân trong nước của Việt Nam đã gia tăng liên tục từ năm 2000, tăng gấp 4 lần lên 24,2 tỷ USD năm 2015. Tuy nhiên con số này vẫn ở dưới mức bình quân 46 tỷ USD của khu vực (không kể Singapore) và còn ít hơn rất nhiều so với 200 tỷ USD của Indonesia.

Khẳng định đầu tư tư nhân trong nước có vai trò ngày càng quan trọng trong tổng nguồn đầu tư phát triển, UNDP dẫn số liệu cho thấy sự gia tăng về quy mô đầu tư tư nhân trong nước trong các năm 2011-2016 với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 10,3%, trong khi tăng trưởng đầu tư công và FDI có phần chững lại.  

Về đầu tư phát triển, khu vực tư nhân của Việt Nam đóng góp bình quân 38,4% tổng đầu tư phát triển trong các năm 2011-2016. “Tuy nhiên, tỷ trọng này còn thấp so với tỷ trọng cần có để đầu tư tư nhân trở thành đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước”, báo cáo của UNDP nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân trong nước thấp hơn, trong khi các nguồn tài chính tư nhân quốc tế (FDI và FII) lại nhiều hơn các nước ASEAN khác và xu hướng này nhìn chung vẫn duy trì trong các năm 2007-2015.  

Theo UNDP, so sánh tín dụng trong nước trên GDP và tín dụng ngân hàng cho khu vực tư nhân trên GDP, tỷ trọng của Việt Nam là tương đối cao hơn các nước ASEAN khác và gia tăng theo thời gian (mặc dù đã sụt giảm trong các năm 2010-2012).

UNDP cho biết, số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (GSTCQG) cho thấy tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2017 để đạt mức 18% tổng tín dụng. Điều đó cho thấy dòng tín dụng đổ vào sản xuất đã trở nên trì trệ. Nó cũng chứng tỏ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng cho ngành chế biến, chế tạo của khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh chỉ được tiếp cận nguồn tín dụng một cách hạn chế do quy mô của họ còn nhỏ bé và họ thiếu tài sản thế chấp.  

Đến năm 2016, đã có 477.808 DN trong đó DN tư nhân chiếm 96,4% và phần lớn (98,6%) các DN tư nhân đều là các DN vừa và nhỏ. Cùng với con số ngày càng tăng các DN tư nhân được thành lập mới, tỷ lệ phá sản cũng tăng. 

Năm 2016, 12.478 DN đã hoàn thành các thủ tục giải thể, tăng từ 31,8% so với năm trước đó và 60.667 DN phải ngừng hoạt động, giảm 14,9% so với năm trước đó.  

Theo nghiên cứu của UNDP, nhìn chung, quy mô vốn và đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân là tương đối nhỏ. Vốn bình quân của các DN do tư nhân sở hữu chỉ hơn 6 tỷ đồng, vốn bình quân của các công ty TNHH là hơn 12 tỷ đồng và các công ty cổ phần không có vốn Nhà nước là 51 tỷ đồng. 

Các DN tư nhân và các hộ kinh doanh phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh, do những khó khăn gặp phải trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng bởi họ chỉ có rất ít tài sản thế chấp. 

Theo đó, chỉ 50% các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, trong khi khả năng huy động các nguồn lực khác, kể cả vốn tự có, là khá hạn chế. Quy mô tín dụng ngân hàng cho các DN tư nhân, mặc dù có xu hướng gia tăng, nhưng đã sụt giảm nghiêm trọng về tỷ lệ so với tổng nguồn tín dụng của nền kinh tế. 

Theo Nguyễn Mạnh (Nhà Báo & Công Luận)