Kinh tế

Từ chỗ đi nhặt, đi xin cũng có, nay hạt dổi có giá tới 2,7 triệu/kg

Là một trong những địa phương thuộc khu vực 135 của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, những năm gần đây, diện mạo xã Chí Đạo đã có sự thay đổi rõ rệt. Đời sống của người dân ngày một khấm khá, nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo và trở thành triệu phú. Thành công rực rỡ ấy có phần nhờ cây dổi – đặc sản của xứ Mường.

Cây dổi đã làm đổi đời của bao hộ gia đình từ nghèo khó thiếu thốn, nay có của ăn của để và vươn lên làm giàu.

Đến xã Chí Đạo ai cũng ấn tượng trước mùi hương thơm của hạt dổi, hạt dổi nơi đây như trở thành một thứ đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Hiện toàn xã có khoảng trên dưới 2 vạn cây dổi lớn bé tập trung ở xóm Be Trên, Be Ngoài. Trong đó có gần 3.000 cây đang cho thu hoạch quả.

Từ chỗ đi nhặt, đi xin cũng có, nay hạt dổi có giá tới 2,7 triệu/kg
Đến xã Chí Đạo, du khách gần xa sẽ ngay lập tức bị ấn tượng bởi hàng dổi cao vút hai bên đường. Ảnh: T.L

Theo ông Bùi Văn Bun, Trưởng thôn xóm Be Trên, trước đây hạt dổi vùng đất Lạc Sơn còn rất xa lạ với thị trường, những rừng dổi chủ yếu được bà con khai thác lấy gỗ để dựng nhà sàn, làm tủ, bàn ghế... Nhưng nay thì khác, hạt dổi trở nên ưa chuộng dùng làm gia vị cho những bữa cơm trong gia đình.

Trước đây, người miền núi đi rừng nhặt lấy hạt dổi mang về đựng vào ống nứa cất trên gác bếp. Mỗi khi dùng thì lấy ra vài hạt nướng bằng cặp nặp trên than củi ửng hồng. Hạt dổi nướng thơm lừng được giã cùng muối trắng khô kỹ đựng trong vỏ quả bầu già làm thành muối dổi. Muối dổi dùng để chấm thịt gà, thịt lợn và làm gia vị cho nhiều món ẩm thực độc đáo. Không những thế, hạt dổi còn được ngâm rượu dùng làm thuốc xoa bóp rất tốt.

Từ chỗ đi nhặt, đi xin cũng có, nay hạt dổi có giá tới 2,7 triệu/kg - 1
Người dân thu hoạch hạt dổi, bóc tách rồi phơi khô. Ảnh: T.L

Hạt dổi từ chỗ đi nhặt nay phải đi mua, từ chỗ xin nhau nay phải đổi bằng tiền. Năm 2014, hạt dổi khô có giá 1 triệu đồng/kg nhưng hiện nay giá khoảng 2,5 – 2,7 triệu đồng/kg. Nhờ cây dổi mà nhiều hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dổi mọc tự nhiên giờ không còn nữa mà thay vào đó là những vườn ươm cây giống. Cây dổi từ khi trồng đến lúc thu quả cũng khoảng 7 – 8 năm và sẽ cho thu liên tục trong các năm tiếp theo. Hiện trong địa bàn xã Chí Đạo có một số cây dổi lên đến hàng trăm tuổi, cây cao thẳng tắp tỏa bóng mát từ bao đời.

Công đầu ươm cây dổi từ hạt ở Hòa Bình phải kể đến các gia đình ông Bùi Văn Hền, Bùi Văn Biền, Bùi Thị Siền… ở các xóm Be trên và Be trong của xã Chí Đạo. Từ hạt của một vài cây dổi do ông cha để lại, họ mày mò ươm, trồng và cấp cây con cho các gia đình trong xóm cùng trồng.

Từ chỗ đi nhặt, đi xin cũng có, nay hạt dổi có giá tới 2,7 triệu/kg - 2
Vườn ươm cây dổi giống của gia đình anh Bùi Văn Dạn. Ảnh: I.T

Theo những người trồng dổi lâu năm, quá trình chọn hạt mầm luôn là khâu được đầu tư nhất. Loại hạt để làm giống phải là hạt chín đỏ, già từ trên cây. Mẹo của người có kinh nghiệm khi chọn giống là khi hạt được lấy về phải chọn tiếp bằng cách cho vào chậu nước, nếu thấy hạt chìm mới được chọn.

Thời điểm này, tại xã Chí Đạo những cây dổi đủ năm tuổi đang đơm hoa kết trái báo hiệu một năm bội thu. Và cứ đến tháng 9, 10 bắt đầu mùa thu hoạch hạt dổi nên thôn xóm trong ngày lúc nào cũng tấp nập người ra người vào, người mua người bán.

Anh Bùi Văn Dạn - nông dân có hơn chục năm kinh nghiệm trồng dổi ở Chí Đạo chia sẻ: “Cây dổi nếu đã gieo và lên cây được thì cây rất dễ sống, mỗi năm chẳng cần chăm sóc đầu tư nhiều mà vẫn thu nhập cao. Nhưng vấn đề khó khăn ở khâu gieo hạt. Nếu không chọn được hạt tốt, đạt chất lượng, đủ độ nảy mầm, đất không đủ tơi độ ẩm không thích hợp thì cây khó sống”.

Từ chỗ đi nhặt, đi xin cũng có, nay hạt dổi có giá tới 2,7 triệu/kg - 3
Trồng dổi ghép nhanh ra quả hơn so với trồng bằng hạt. Ảnh: I.T

Gia đình ông Bùi Văn Hền - chủ của vườn dổi gần 100 cây, trong đó có tới một phần ba số cây tới tuổi cho hạt. Hạt dổi tươi mỗi năm gia đình ông thu được 100kg, phơi khô còn lại 40 kg, thu về 80 - 90 triệu đồng/năm. Ngoài ra ông còn ươm và ghép cây để bán, với giống dổi chưa ghép có giá 5.000 – 10.000 đồng/cây, cây ghép bán 50.000 đồng/cây.

Với mức thu nhập như vậy, gia đình ông đã mua sắm được nhiều vật dụng cần thiết cho gia đình, đời sống được nâng cao, có của ăn, của để và có vốn để đầu tư phát triển sản xuất...

Từ chỗ đi nhặt, đi xin cũng có, nay hạt dổi có giá tới 2,7 triệu/kg - 4
Hạt dổi dùng để chế biến thành gia vị chấm thịt gà, thịt lợn và nhiều món ẩm thực độc đáo khác. Ngoài ra, hạt dổi còn có công dụng chữa một số bệnh rất tốt. Ảnh: I.T

Thực tế hạt dổi không chỉ là gia vị hấp dẫn, có mùi thơm đặc trưng, phù hợp dùng chế biến nhiều món ăn ngon mà còn có công dụng chữa đau bụng, tiêu hóa, bệnh đau khớp... Giá trị của cây dổi còn được khẳng định khi nhãn hiệu tập thể “Hạt dổi Lạc Sơn” đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 18/12/2014, trong đó xã Chí Đạo là địa phương có số lượng hộ trồng, cây trồng, sản lượng và chất lượng cao nhất.

Ðây là cơ hội giúp sản phẩm hạt dổi từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường, vươn ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và tiến tới khai thác tiềm năng xuất khẩu.