Kinh tế

Từ 1/1/2019, ADB ngừng cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ nhằm bảo đảm Việt Nam sẽ tận dụng tối ưu nguồn tài trợ ưu đãi trị giá 613 triệu USD của ADB mà Việt Nam vẫn có thể tiếp cận trong năm 2018, trước khi chấm dứt quyền tiếp cận nguồn tài trợ ưu đãi từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao ca ngợi chính phủ Việt Nam vì đã đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 – mức cao nhất kể từ năm 2007. Việt Nam đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh và giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2017, nhờ đó giảm tỷ lệ nợ công trên GDP.

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tăng tiêu dùng nội địa, và hoạt động đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó, lạm phát được dự báo vẫn vào khoảng 3,5% trong năm nay, do mức giá lương thực và chi phí vận tải trong nước tương đối ổn định làm giảm tác động của việc tăng mạnh cầu nội địa và cho vay ngân hàng lên lạm phát.

Từ 1/1/2019, ADB ngừng cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam
Ảnh minh họa.

Ông Nakao cho rằng, điều quan trọng là cần tiếp tục tiến hành cải tổ cơ cấu để nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng cần được tăng cường bằng việc xử lý nợ xấu và thắt chặt giám sát. Hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy nhanh, song song với tăng cường quản trị doanh nghiệp.

Ông cũng tái khẳng định cam kết của ADB hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng đồng đều và bền vững hơn về môi trường, vốn là mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược Đối tác quốc gia (CPS) của ADB với Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020. Bám sát Kế hoạch Phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020 của Chính phủ, hỗ trợ của ADB trong khuôn khổ CPS tập trung vào tạo việc làm có chất lượng và cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế, tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, giải quyết các vấn đề về tính bền vững môi trường và biến đổi khí hậu.

Ông Nakao cho biết ADB đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ nhằm bảo đảm Việt Nam sẽ tận dụng tối ưu nguồn tài trợ ưu đãi trị giá 613 triệu USD của ADB mà Việt Nam vẫn có thể tiếp cận trong năm 2018, trước khi chấm dứt quyền tiếp cận nguồn tài trợ ưu đãi từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Ông Nakao tuyên bố rằng sau khi Việt Nam chuyển đổi sang các nguồn vốn dựa trên thị trường nhiều hơn của ADB (thay vì nguồn vốn hỗn hợp gồm cả tài trợ ưu đãi), ADB có thể cung cấp ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm trong năm 2019 và 2020 (thông qua các hoạt động do chính phủ bảo lãnh). ADB sẽ hỗ trợ các dự án nội vùng và trong các lĩnh vực giao thông đô thị, thoát nước và nước thải, và thích ứng biến đổi khí hậu đô thị. Hơn nữa, ADB sẽ tích cực tìm kiếm để huy động nguồn vốn đồng tài trợ ưu đãi từ các quỹ tín thác của ADB cũng như từ các đối tác song phương và đa phương.

Từ 1/1/2019, ADB ngừng cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam - 1
Ảnh minh họa.

Đối với các hoạt động của mình tại Việt Nam, ADB sẽ cố gắng để mang lại giá trị gia tăng lớn hơn bằng cách tích cực lồng ghép đổi mới và công nghệ. ADB sẽ hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm nước ở nông trại để thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với khí hậu; tích hợp các mạng lưới đường sắt đô thị và xe buýt; mở rộng quản lý ngập lụt và nước thải đô thị thích ứng biến đổi khí hậu; sử dụng các phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo để cải thiện các dịch vụ công đô thị; và sử dụng phân tích tín dụng được định hướng bởi công nghệ giúp thúc đẩy phổ cập tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

ADB sẽ tăng cường hỗ trợ cho phát triển khu vực tư nhân tại Việt Nam, sử dụng cả nguồn tài trợ có và không có sự bảo lãnh của chính phủ.

Thứ nhất, ADB sẽ hỗ trợ cải cách các doanh nghiệp nhà nước, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thông qua các khoản vay do chính phủ bảo lãnh. Với việc tăng cường các bảng cân đối kế toán và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp này sẽ có khả năng thu hút nguồn vốn thương mại nhiều hơn.

Thứ hai, ADB sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn giao dịch và hỗ trợ chuẩn bị các dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư, trong những lĩnh vực như đường vành đai, đường cao tốc và chuyển đổi rác thành năng lượng.

Thứ ba, ADB sẽ mở rộng các hoạt động không có sự bảo lãnh của chính phủ để bao trùm những lĩnh vực mới như nông nghiệp, y tế và giáo dục. Trong năm 2017, ADB đã cho một ngân hàng tư nhân vay 100 triệu USD để hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và cho một công ty vay 100 triệu USD trong dự án chuyển đổi rác thành năng lượng.

Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của ADB vào năm 1966. Từ khi khôi phục hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993, hỗ trợ của ADB cho Việt Nam đã đạt con số 15,4 tỷ USD vốn vay, 310,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật, và 329,5 triệu USD viện trợ không hoàn lại.

ADB, có trụ sở chính tại Manila, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực.

Theo Hải Yến (Sức Khỏe & Đời Sống)