Kinh tế

Trước sốt đất, các ông lớn đã nhanh chân gom hàng nghìn ha ở đặc khu

Để đón đầu việc hình thành các đặc khu, nhiều nhà đầu tư lớn đã đổ tiền vào các dự án lớn tại Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong với hàng chục tỷ USD.

Tại Phú Quốc, tính đến quý I, huyện đảo này đã thu hút 271 dự án đầu tư về du lịch - dịch vụ - giải trí, với tổng vốn 370.000 tỷ đồng, tương đương 16,5 tỷ USD. Danh sách các nhà đầu tư có nhiều “ông lớn” tại Việt Nam như Vingroup, Sun Group, Bim Group, CEO Group, Thai Group…

Các ông lớn sở hữu dự án hàng chục đến hàng trăm ha tại Phú Quốc

Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết đến hết năm 2017 đã tiến hành giao đất, cho thuê đất 85 dự án, với diện tích 2.103 ha. Trong đó, đất giao với diện tích 513 ha, đất thuê là 1.545 ha, đất thuê mặt nước biển 3,39 ha. Diện tích đất chuyển từ đất thương mại, dịch vụ sang đất ở có diện tích 42,82 ha.

Trước sốt đất, các ông lớn đã nhanh chân gom hàng nghìn ha ở đặc khu
Siêu dự án của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản hiện nay tại Phú Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.

Vingroup được cho là một trong những chủ đầu tư có nhiều đất nhất tại Phú Quốc. Tập đoàn này sở hữu một loạt dự án lớn với diện tích hàng trăm ha như Vinpearl Phú Quốc resort & golf (300 ha), Vinpearl Safari Phú Quốc (500 ha)… Vingroup còn sở hữu nhiều dự án tại Bãi Dài (xã Gành Dầu) với diện tích hàng trăm ha nữa.

CEO Group cũng sở hữu tới 3 dự án lớn với tổng quỹ đất 300 ha tại Phú Quốc. Đơn vị này đã và đang triển khai các dự án như Sonasea Villas & Resort; khách sạn Novotel Phu Quoc Resort quy mô 400 phòng và biệt thự hướng biển…

Sungroup đang đầu tư mạnh vào đảo ngọc và sở hữu nhiều dự án với quỹ đất lớn, như khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Premier Village Phú Quốc Resort 73 ha; khách sạn JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, dự án cáp treo, công viên giải trí ở Hòn Thơm đang xây dựng… với tổng quỹ đất hàng trăm ha nữa.

BIM Group cũng đang sở hữu một dự án tại Phú Quốc là khu phức hợp du lịch Phú Quốc Marina (155 ha).

Những dự án hàng nghìn ha tại Vân Đồn

Tại Vân Đồn, nhiều nhà đầu tư lớn cũng đang đổ tiền đầu tư. Sungroup đang là đơn vị được giao nhiều dự án nhất, nổi bật là sân bay Vân Đồn có diện tích khoảng 400 ha.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được giao làm khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino quy mô trên 2.500 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 46.500 tỷ đồng. Tổ hợp này sẽ gồm rất nhiều công trình phụ trợ như khách sạn, nhà hàng, khu sòng bài, cảng du thuyền, công viên giải trí, sân golf….

Trước sốt đất, các ông lớn đã nhanh chân gom hàng nghìn ha ở đặc khu - 1
Sungroup được giao thực hiện các dự án hàng trăm đến hàng nghìn ha tại Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Hà.

Một nhà đầu tư khác là Công ty cổ phần Vân Đồn Heritage Road cũng đang được giao thực hiện dự án “con đường di sản Vân Đồn”, với quy mô tới 3.300 ha, gồm 7 phân khu trên núi và các đảo lân cận.

Còn CEO Group đang sở hữu dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City, với quy hoạch trên diện tích 94 ha, mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.

FLC cũng đang có kế hoạch rót vốn xây dựng dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp với quy mô đất rất lớn tại đảo Ngọc Vừng.

IPP đề xuất rót 50 tỷ USD vào Bắc Vân Phong

Bắc Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha, bao gồm 70.000 ha mặt đất, còn lại là diện tích mặt nước. Với quỹ đất lớn, nơi này ưu tiên phát triển các ngành nghề công nghệ cao, cảng biển và vận tải logistic.

Trước sốt đất, các ông lớn đã nhanh chân gom hàng nghìn ha ở đặc khu - 2
IPP đề xuất rót khoảng 50 tỷ USD vào Bắc Vân Phong. Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Bắc Vân Phong với số vốn khoảng 50 tỷ USD. IPP muốn đầu tư xây dựng đặc khu kinh tế này với các hạng mục gồm khu vực du lịch, thành phố thông minh, khu dân cư và công nghiệp, sân bay, đường bộ, khu vực cảng.

Theo đề xuất của IPP, Bắc Vân Phong sẽ có khu phức hợp có casino, sân golf, quần thể du lịch có cảng du lịch, có thể tiếp nhận các tàu lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó là các khu dân cư công nghiệp công nghệ cao (kết hợp công nghiệp công nghệ cao với khu dân cư cao cấp), cơ sở giáo dục, y tế, hạ tầng xã hội hiện đại, thông minh.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)