Kinh tế

Trước cánh cửa TPP: Sắp hết thời của lao động giá rẻ

Chuyến thăm của Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ Sally Jewell và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đều nêu thông điệp TPP có hiệu lực sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa VN và Hoa Kỳ.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ Sally Jewell và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đều nêu thông điệp TPP có hiệu lực sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa VN và Hoa Kỳ.

Trao đổi với báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đến thời điểm này, nếu chúng ta vẫn giới thiệu về nguồn lao động (LĐ) Việt Nam với những đặc điểm của hàng chục năm trước như đông đảo, giá rẻ, siêng năng,… e không còn phù hợp.

“Hay nói chính xác hơn, những đặc điểm này chỉ còn hữu dụng trong 5-10 năm nữa, đặc biệt với ngành dệt may. Khi các ngành nghề càng ngày càng tự động hóa cao, thay đổi liên tục về công nghệ, ưu điểm LĐ rẻ sẽ lỗi thời”, bà Lan nhấn mạnh.

 

Lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam có thể chỉ duy trì được trong 5-10 năm tới.

 
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng nhân sự, Công ty CP dệt may đầu tư thương mại Thành Công - cho biết: Hiện thị trường Mỹ đứng đầu về nhập khẩu sản phẩm dệt may của VN. Người LĐ cũng sẽ được hưởng lợi như việc các DN phải thực hiện những yêu cầu khắt khe của TPP về môi trường làm việc, điều kiện ATVSLĐ và thực hiện nghiêm túc chế độ lương, thưởng hằng năm. Bên cạnh đó, khi VN tham gia sâu vào hội nhập sẽ có nhiều DN FDI “nhảy vào” lĩnh vực dệt may, sẽ có cuộc cạnh tranh về nhân lực nên các DN càng phải quan tâm hơn đến đời sống của người LĐ.

Đừng để cơ hội rơi vào tay người khác

Theo ông Nguyễn Khánh Sơn - Giám đốc điều hành phụ trách khối đào tạo Tập đoàn Dệt - May VN (Vinatex), dù mỗi năm ngành dệt may đào tạo gần 2.000 nhân lực công nghệ cao hướng vào các ngành thị trường đang có nhu cầu tuyển dụng lớn. Nhưng trên thực tế, việc bổ sung nhân sự cho lĩnh vực này rất hạn chế, thiếu hụt về kỹ năng của người LĐ ở những lĩnh vực như quản lý DN, thiết kế, dẫn đến việc dịch chuyển LĐ là bình thường.

TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đồng tình, không chỉ TPP mà tới đây khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chúng ta không nên chỉ nhìn thấy toàn là nguy cơ, cuộc chiến một mất một còn. LĐ Việt Nam khá khéo léo, chăm chỉ nhưng lại yếu về tính kỷ luật, cách điều hành, các DN nước ngoài sẽ giúp LĐVN tăng tính chuyên nghiệp, linh hoạt.

Ông Cao Văn Sâm - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, VN muốn chủ động trong cuộc chơi TPP, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định. “Các DN vào VN sẽ đưa công nghệ sản xuất hiện đại, LĐ chất lượng cao, trong bối cảnh này, năng suất LĐ chính là chìa khóa”.

Cũng theo ông Sâm, với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tiệm cận khu vực và thế giới, Tổng cục Dạy nghề đang nỗ lực triển khai đồng bộ các chương trình theo Đề án 371 về chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế.

Theo đó, sẽ triển khai đào tạo nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng, người học sẽ được cấp 2 bằng: Bằng của VN và bằng nước ngoài tương đương. “Khi được công nhận chuẩn đào tạo, cơ hội LĐVN chiếm tỉ trọng lớn hơn, thậm chí các vị trí quan trọng như quản đốc, giám sát, sáng tạo trong các DN nước ngoài sẽ cao hơn”, ông Sâm nhấn mạnh.
 

Ngân hàng HSBC cho rằng, lợi thế lớn nhất hiện nay của VN là quốc gia có nguồn LĐ chi phí rẻ dồi dào và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong hai thập kỷ tới. Tuy nhiên, HSBC cũng cảnh báo trong tương lai khi lợi thế cạnh tranh về nguồn cung LĐ giá rẻ biến mất, VN cần tính phương án dài hơi để phát triển.

 
Theo Nhóm PV (Lao Động)