Kinh tế

Tranh luận quanh dự án khách sạn trên đất vàng Hồ Gươm

Chủ đầu tư đã có phản hồi sau khi Hội Kiến trúc sư Việt Nam có góp ý gửi UBND TP Hà Nội về công trình khách sạn và dịch vụ cạnh Hồ Gươm.

Chủ đầu tư đã có phản hồi sau khi Hội Kiến trúc sư Việt Nam có góp ý gửi UBND TP Hà Nội về công trình khách sạn và dịch vụ cạnh Hồ Gươm.

Giới kiến trúc sư (KTS) đã dành nhiều sự quan tâm đối với dự án xây dựng khách sạn cạnh di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm.

KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản góp ý gửi ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội về dự án trên.

Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến các thành viên và chuyên gia để đưa đến thống nhất: “Công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp”.

Tuy nhiên, nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan khu vực. Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp.

Đồng thời, hình ảnh công trình mới được chủ đầu tư giới thiệu có tổ hợp kiến trúc mặt đứng chưa chuẩn mức. “Đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và màu sắc, cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ” – Hội KTS Việt Nam đánh giá.

tranh luan quanh du an khach san tren dat vang ho guom hinh anh 1
Khu vực sẽ xây dựng khách sạn cạnh Hồ Gươm nằm trên phố Lê Thái Tổ (ảnh: Vương Đạo Hoàng)

 

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các ý kiến nêu trên để bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực Hồ Gươm, Di sản quốc gia đặc biệt.

Trao đổi với Dân Việt, KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết: “Sau khi chúng tôi gửi công văn, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Chủ đầu tư làm việc với Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Họ đã tiếp thu ý kiến và sẽ có những điều chỉnh phù hợp với kiến trúc khu vực Hồ Gươm”.

Lo ngại về mật độ giao thông

Đối với dự án kể trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Điều quan trọng nhất là phải thực hiện thấp tầng, đúng theo quy hoạch khu vực Hồ Gươm. Công trình cũng cần có kiến trúc phù hợp với cảnh quan trong khu vực”.

Không bàn về vấn đề có hay không nên xây dựng khách sạn tại khu vực này, ông Hùng lưu ý chủ đầu tư phải tính toán được lưu lượng xe ra vào khách sạn và lưu thông trong khu vực để có phương án tổ chức giao thông hợp lý.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Công trình có đến 5 tầng hầm ngầm, có gara ngầm trong khi mặt cắt tuyến đường đi qua là không lớn nên rất dễ xảy ra xung đột giao thông giữa phương tiện ra vào khách sạn với phương tiện lưu thông quanh hồ Gươm”.

KTS Trần Huy Ánh cũng lo ngại về việc áp lực giao thông ở khu vực này khi dự án hoàn thành. Bởi hiện nay tuyến đường chạy qua mặt dự án là đường nhỏ, một chiều, trong tương lai đã được UBND TP Hà Nội quy hoạch là tuyến phố đi bộ.

Do đó cần cân nhắc đến việc tăng diện tích chiếm dụng mặt bằng, hệ số sử dụng đất phải đảm bảo quy định để hạn chế mật độ người, phương tiện đổ dồn về khu vực này.

Theo Điều lệ quản lý xây dựng quy hoạch khu vực Hồ Gươm và phụ cận, dự án sẽ được xây dựng thuộc lô L7, mật độ xây dựng được quy định là 80%, tầng cao trung bình 2,7 tầng, hệ số sử dụng đất là 2,14. Quy định chiều cao tối đa của công trình đối với các lô đất tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm không được vượt quá 16m.

Theo kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội, phương án kiến trúc xây dựng công trình phải đảm bảo phù hợp các quy định về quy hoạch và bảo tồn, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc có liên quan; cố gắng kiến trúc mặt ngoài đảm bảo hình thái kiến trúc của công trình hiện có; thiết kế hài hòa, phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm và phụ cận; bố trí cây xanh và chiếu sáng mặt tiền nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc tại khu vực Hồ Gươm.


Theo Vinh Hải (Dân Việt)