Kinh tế

TPP sẽ đi đâu về đâu khi thiếu Mỹ?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử. Nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau nhậm chức đã ra sắc lệnh rút khỏi đàm phán thỏa thuận này liệu sẽ ảnh hưởng đến ai và số phận của hiệp định sẽ ra sao?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử. Nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau nhậm chức đã ra sắc lệnh rút khỏi đàm phán thỏa thuận này liệu sẽ ảnh hưởng đến ai và số phận của hiệp định sẽ ra sao?
 
 Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)
 
Tác động từ quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ

“Động thái này của ông Trump không dẫn đến thay đổi gì. Quốc hội vẫn chưa thông qua TPP, số phận của hiệp định này tại Điện Capitol vẫn ảm đạm cho dù Nhà Trắng có làm gì”, hãng tin CNN viết.

Theo hãng tin này, điều rõ ràng nhất là với quyết định rút Mỹ khỏi TPP, ông Trump đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử và đã chấm dứt mọi hy vọng về một thỏa thuận mà ông Obama hy vọng là dấu ấn quan trọng trong di sản của mình.

TPP - ban đầu bao gồm Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei - sẽ cắt giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ với các nước này. Đổi lại, Mỹ đã thương lượng về lao động, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và môi trường mà các doanh nghiệp lớn tìm kiếm. Những người chỉ trích hiệp định này phê phán rằng TPP không trực tiếp giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ.

Và cũng vì TPP chưa có hiệu lực, nên nó không có tác động gì ngay lập tức đến người dân Mỹ. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng sẽ mất cơ hội xâm nhập vào các thị trường mới tiềm năng. Những người nông dân chờ đợi việc dỡ bỏ các loại thuế thương mại hiện đang cản trở họ bán sản phẩm ra nước ngoài. "Quyết định này sẽ làm mất cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, làm giảm các hàng rào thương mại, mở cửa thị trường mới, bảo vệ sáng chế và đổi mới của Mỹ", Thượng nghị sĩ John McCain nói.

Tác động tới toàn cầu hóa?

 (Ảnh minh họa: ABC News)
(Ảnh minh họa: ABC News)

Hôm 22/1, ông Trump tuyên bố muốn bắt đầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Bây giờ, áp lực là thực sự đặt lên ông.

“Cho đến khi ông Trump thương lượng được những giao kèo của mình thì ông đang đặt cược là ông có thể đảo ngược xu hướng kéo dài hàng thập kỷ qua về toàn cầu hóa”, CNN dẫn lời các nhà phân tích.

Ông Trump phải đối mặt với rất nhiều người hoài nghi. Các doanh nghiệp lớn đang phàn nàn rằng ông Trump cản trở khả năng họ bán hàng cho đại đa số người tiêu dùng trên thế giới - một động thái đặc biệt nguy hại nếu công việc trong ngành chế tạo vốn đã rời bỏ nước Mỹ sẽ rời bỏ mãi mãi.

Đảng Cộng hòa lâu nay ủng hộ tự do thương mại, giờ phát hiện mình bị giằng xé giữa một tổng thống bảo hộ và cộng đồng doanh nghiệp mà coi quan điểm của ông Trump là xa rời thực tế. Thực tế đó là công nghệ mới, tiền lương tăng và một thế giới ngày càng liên kết với nhau có nghĩa rằng nhiều công việc trong ngành chế tạo và công việc kỹ năng thấp sẽ không quay trở lại với nước Mỹ; hàng hoá được bán rẻ hơn ở Mỹ vì chúng được sản xuất ở nước ngoài; và các công ty Mỹ cũng được hưởng lợi từ những giao dịch thương mại, bán hàng.

Trung Quốc sẽ làm gì?

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos. (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos.

Kịch bản tối ưu nhất với Mỹ là Trung Quốc không làm gì cả, vì nước này “không liên quan” đến TPP.

Nhưng Trung Quốc đã làm. Họ đang nhắm vào chỗ trống của Mỹ và mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực.

"Chúng ta phải tiếp tục cam kết thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư thông qua mở cửa và nói không với chủ nghĩa bảo hộ", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos tuần trước.

Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama xem TPP là một cách để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách áp đặt bảo hộ lao động, môi trường và bằng sáng chế với sự hậu thuẫn của Mỹ.

Không phải quyết định thương mại lớn duy nhất ông Trump đưa ra

Theo trang tin Vox, TPP là một cột thu lôi khổng lồ những lời chỉ trích, nhưng nó không phải là thỏa thuận tự do thương mại lớn duy nhất trong tay của ông Trump. Có hai sáng kiến lớn khác mà nhận được không bằng một phần nhỏ sự chú ý như đã dành cho của TPP, nhưng ít nhất cũng quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ - đó là Thỏa thuận Thương mại Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Thương mại về Dịch vụ (TISA).

TTIP là hiệp định thương mại tự do sẽ cắt giảm đáng kể các rào cản thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu và đã trong giai đoạn đàm phán từ năm 2013. Tờ Financial Times của Anh ngày 23/1 nhận định nhiều khả năng ông Donald Trump cũng sẽ tuyên bố từ bỏ các nỗ lực ký kết TTIP.

Còn TISA, đã được đàm phán từ năm 2013, là hiệp định có sự tham gia của 50 quốc gia mà đặt bên cạnh thì TPP chỉ như một “chú lùn”. Có lý do để nghĩ rằng ông Trump sẽ phản đối hiệp định này, vì theo ông, một hiệp định dịch vụ sẽ kèm theo quy định về quyền tự do di chuyển - hoàn toàn mâu thuẫn với lập trường nhập cư cứng rắn của ông.

Liệu TPP vẫn có thể được xúc tiến theo một cách nào đó?

“TPP không có ý nghĩa gì nếu không có Mỹ”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố.

"Tôi cho rằng cần phải có thời gian để cân nhắc những ưu và khuyết điểm", Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo nói trong một phát biểu ôn hòa hơn.

Sau đó, có những ý kiến lạc quan, như Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz, khi ông cho rằng: "Cho dù TPP có Mỹ hay không thì các nước tham gia đàm phán TPP đều sẵn sàng thúc đẩy phê chuẩn hiệp định này".

Trang mạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới weforum dẫn lời cựu trưởng phái đoàn thương lượng TPP của Chile, ông Cristián Rodríguez Chiffelle cho rằng để ông Trump cho phép Mỹ “dính líu” tới TPP trong ngắn hạn đến trung hạn “là cực kỳ khó”. Và với sự ra đi của Mỹ, các đối tác khác đang gửi đi những thông điệp mâu thuẫn về tính khả thi của thỏa thuận.

Theo Tuệ An (Dân Trí)