Kinh tế >> Bóng đá Ngoại hạng Anh

TP HCM kiến nghị dùng quỹ đất Nhà nước quản lý để xây dựng nhà ở xã hội

Hiện chính quyền TP. HCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội vì thiếu quỹ đất, vì thế Thành phố có kiến nghị ưu tiên về quỹ đất Nhà nước quản lý để phát triển loại hình nhà ở này.

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà, trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại TP có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở. Có khoảng 80.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Ngoài ra, trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của Thành phố thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) có nhu cầu nơi lưu trú, nhưng hiện TP chỉ mới giải quyết được chỗ ở cho 39.400 người, chiếm khoảng 15% nhu cầu.

TP HCM kiến nghị dùng quỹ đất Nhà nước quản lý để xây dựng nhà ở xã hội
TP HCM cần quỹ đất nhà nước quản lý để xây dựng nhà ở xã hội 

Với tình hình về nhu cầu nhà ở xã hội nhà ở xã hội, vừa qua UBND TPHCM đã có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng cùng các cơ quan Trung ương cho TP ưu tiên sử dụng các quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý hiện do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận - huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp và quỹ đất do các cơ quan nhà nước quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.

Bên cạnh đó, TP cũng kiến nghị phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền, từ đó đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách, bổ sung cho Quỹ phát triển nhà ở TP để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP và giải quyết cho các hộ gia đình chính sách vay mua nhà ở xã hội.

Bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước triển khai việc cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội, triển khai thực hiện cho vay ưu đãi và chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội, tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.

Đồng thời, việc triển khai các cơ chế chính sách về phát triển, quản lý nhà ở xã hội của Trung ương cần có các chính sách, quy định, biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng thương mại, các tổ chức, cá nhân không được sử dụng nguồn vốn này sai mục đích.

Cùng với đó, TP cũng kiến nghị các cơ quan Trung ương hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, thủ tục đầu tư... để khuyến khích DN xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với yêu cầu sinh sống của công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị...

Theo HT (Nhà Báo & Công Luận)