Kinh tế

Tổng kiểm toán: Trốn thuế, chuyển giá rất nhức nhối

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco... truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo Tổng kiểm toán, việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN, của Tổng KTNN; làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp.

Tổng kiểm toán: Trốn thuế, chuyển giá rất nhức nhối
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc

Một khó khăn vướng mắc theo ông Hồ Đức Phớc, qua hoạt động kiểm toán ngân sách, KTNN đối chiếu thuế đã phát hiện và kiến nghị tăng thu NSNN với số tiền thuế truy thu khá lớn: Năm 2017, qua đối chiếu 2.497 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm (tương đương 94%) và kiến nghị xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2018, qua đối chiếu thuế 1.433 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 24 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện 1.287 (tương đương 90%) trường hợp có sai phạm và kiến nghị xác định nộp NSNN tăng thêm 443 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế (có nghĩa khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện). Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn NSNN.

Đáng lưu ý theo ông Phớc, thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco... truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố, KTNN kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định 1.396 tỷ đồng.

Hay việc kiểm toán các dự án BOT đã giảm 222 năm thời gian thu phí của 61 dự án, kiến nghị những bất cập về cơ chế, chính sách. Kiểm toán 30 dự án BT giảm 4.500 tỷ đồng. Kiểm toán các khu đô thị, truy thu hàng chục tỷ đồng. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư, truy thu hàng nghìn tỷ đồng.

“Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng việc kiểm toán lại phải thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước nên rất khó khăn trong công tác kiểm toán”, ông Phớc cho hay.

Theo Tổng Kiểm toán, để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, cần sửa đổi, bổ sung Luật KTNN theo hướng bổ sung đơn vị được kiểm toán ở Điều 55 cho đầy đủ bao gồm: Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng KTNN quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại Khoản này.

Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2019). Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc xem dự án nào làm trước, dự án nào làm sau, bởi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đã rất nhiều

Theo Luân Dũng (Tiền Phong)